Ông Roy Pearson, Thẩm phán Luật Hành chánh ở thủ đô Washington DC. gởi quần ở cửa hàng giặt là Custom Cleaners nhờ sửa. Quần thất lạc. Vài ngày sau, chủ cửa hàng đưa quần ra trả, Pearson nói không phải quần của ông và doạ kiện.
Chủ cửa hàng là người Hàn Quốc, không rành luật và tiếng Anh, sợ “đáo tụng đình” nên xin bồi thường ông toà 3.000 USD, và tăng dần mức bồi thường đến 12.000 USD cho cái quần giá 800 USD. Ông Pearson khởi kiện, đòi bồi thường… 67 triệu USD.
Ông nói, cửa hiệu treo hai bảng “Bảo đảm hài lòng” và “Dịch vụ trong ngày” thì phải có trách nhiệm pháp lý thực hiện hai cam kết này. Hai bảng này theo ông Pearson có tính lừa đảo, vi phạm tới 12 điều.
Cửa hàng do ba người lập ra nên số vi phạm mỗi ngày là: 12 x 3 = 36. Mỗi vi phạm trong một ngày phải bồi thường cho khách 1.500 USD do đó mỗi ngày cửa hàng phải bồi thường 1.500 x 36 = 54.000 USD. Ông tính thiệt hại của ông kéo dài tới 40 tháng, 1.200 ngày thành ra tổng số tiền bồi thường là: 64,8 triệu USD.
Cửa hàng còn phải trả tiền luật sư cho nguyên đơn (dù nguyên đơn tự cãi) là 542.000 USD cộng thêm 500.000 USD bồi thường về “khủng hoảng tinh thần” do mất quần. Đến ngày 30/5, thấy mình đòi nhiều tiền quá, ông Pearson tuyên bố “giảm giá” cho chủ cửa hàng gần 12 triệu USD tức còn 54 triệu.
Báo chí thế giới tuần qua, không chỉ ở Mỹ mà dư luận châu Âu: Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha đều phẫn nộ và chế giễu sự lố bịch vô giới hạn của vụ án, cho đến khi bà Thẩm phán Bartnoff cho ông toà một bài học với phán quyết cuối cùng: “Một khách hàng có ý thức sẽ không diễn dịch “bảo đảm hài lòng” có nghĩa là người cung ứng dịch vụ phải thoả mãn những yêu cầu vô lý của khách hàng hay phải chấp nhận những đòi hỏi mà họ có đủ lý lẽ hợp lý để từ chối”. Cụ thể, Pearson không thể chứng minh cái quần được trả lại không phải của ông vì ông có tới hơn 40 cái quần trong tủ nên không biết cái nào còn cái nào mất!
Chủ cửa hàng phải chịu tiền thuê luật sư hai năm qua gần 100.000 USD bây giờ đang tính kiện lại Pearson tội giỡn mặt pháp lý và gây cho họ tổn thất thật sự về tâm lý, uy tín làm ăn vì thẩm phán Bartnoff cũng tuyên bố: “Người tiêu dùng được bảo vệ nhưng những vụ kiện có tính ngang ngược, lạm dụng quyền cá nhân không thể được chấp nhận”.
Báo Wall Street Journal bình luận về vụ kiện như sau: “Cái quần không làm nên con người”. Và hiện nay lại đang có cuộc vận động kiện đòi tước quyền hành nghề của ông!
Người làm kinh doanh của Việt Nam đang bắt đầu làm quen với tính “gì cũng kiện” của Mỹ. Làm ăn với Mỹ chắc chắn phải lo hầu kiện. Còn người tiêu dùng chắc cũng được nhiều kinh nghiệm từ phán quyết của vụ kiện "ba trợn" này!
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)