Một thi thể nạn nhân được đưa lên bờ. |
Theo báo Người Lao Động, đến 8h30 sáng ngày 1/5, các đơn vị cứu hộ đưa vào bờ được 105 người; trong đó có 94 người còn sống và 14 người chết. Phần lớn nạn nhân là học sinh, gồm 12 nữ, 2 nam. Công việc cứu hộ được tiến hành một cách khẩn trương, với sự tham gia của lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, công an và huy động tối đa các phương tiện đánh bắt thủy sản trong vùng. Hàng trăm người có người thân đi trên chuyến tàu định mệnh này đến đồn Biên phòng Mũi Cà Mau chờ đợi tin tức trong nỗi lo lắng tột cùng
"Chiếc tàu định mệnh” trên có tên là tàu Viễn Tín, do ông Trần Quốc Khải, ngụ ấp Ông Trang, xã Viên An (huyện Ngọc Hiển) làm chủ. Đây là con tàu đánh cá đã cũ, được ông Khải dùng chở khách ra Hòn Khoai tham quan. Chiếc tàu trên họat động không có đăng ký, đăng kiểm, ra khơi không xin phép bộ đội Biên phòng… Mới xuất khỏi Vàm Kinh Năm (ấp Khai Long) hơn 1 giờ, phát hiện tàu bị phá nước. Theo những người còn sống sót kể lại, vị trí tàu chìm cách Hòn Khoai khoảng 10 km. Thông tin ban đầu còn khá mâu thuẫn về việc chủ tàu ở đâu khi tàu gặp nạn? Một số người cho rằng chủ tàu và thân nhân đã xuống võ “tăng-bo” chạy vào bờ thoát nạn, bỏ mặc hành khách trong cơn hỏang lọan tột cùng. Một nguồn tin khác cho hay, chủ tàu vẫn còn ở lại nơi xảy ra tai nạn.
12h 30 ngày 1/5, lực lượng cứu hộ đã vớt thêm được 6 người chết, nâng tổng số người thiệt mạng lên 20 người.
Chiều 1/5, các chuyến tàu cao tốc từ thành phố Cà Mau đi Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) luôn bị quá tải do lượng người từ các nơi đổ xô đi tìm thân nhân. Trên chuyến tàu cao tốc xuất bến lúc 15h cùng ngày, có gần chục hành khách đi tìm tin tức người thân đi trên chuyến tàu “định mệnh” đó. Chị Nhung, ngụ tại huyện Giá Rai, kể trong nước mắt: "4 đứa em tôi từ Nam Định vô Ngọc Hiển làm nghề thợ hồ. Ngày 30/4, do công trình ngừng thi công nên cả 4 anh em rủ nhau đóng tiền cho tàu Viễn Tín để ra đảo Hòn Khoai chơi một chuyến cho biết. Không ngờ, tàu gặp nạn". Trong số 4 người em của chị Nhung, chỉ có 1 người còn sống, điện về báo tin cho chị biết, 3 người còn lại đều bị mất tích.
Lúc 8h30 sáng 1/5, ông Trần Quốc Khải - chủ tàu Viễn Tín - đã ra đầu thú tại công an tỉnh Cà mau trong trạng thái tâm thần bị hoảng loạn cao độ. Công an không thể khai thác được thông tin gì đáng tin cậy, do ông Khải khi khai nhận thế này, lúc lại khai thế khác… Tuy nhiên, theo những nguồn tin tại hiện trường, xác nhận khi tàu sắp chìm, chỉ có vợ và 10 người thân của ông Khải xuống vỏ chạy về đất liền, ông Khải vẫn còn bám phao ở lại tại hiện trường và được cứu vào bờ cùng 33 người khác trong chuyến cứu hộ đầu tiên. Ngay sau đó, ông Khải đã ra đầu thú.
Trên bãi biển không lúc nào vắng bóng người đến tìm thân nhân. |
Đến 20h, các đội cứu hộ đã cứu sống được 95 người, vớt được 27 xác nạn nhân. Tại cửa biển cạnh đồn biên phòng Mũi Cà Mau, hàng chục người thân của các nạn nhân vẫn căng mắt hướng ra phía biển với niềm hy vọng ngày càng mỏng manh hơn. Theo những người có trách nhiệm tại hiện trường, cho đến giờ này vẫn chưa thể xác định chính xác số nạn nhân, bởi chắc chắn sẽ có nhiều trường hợp người thân của nạn nhân chưa thể có mặt tại đây trình báo.
Tính đến 15 giờ chiều ngày 2/5, lực lượng cứu hộ của địa phương đã vớt được 39 thi thể. Trong đó có 13 nam, 26 nữ. Đặc biệt, trong số các nạn nhân tìm thấy, có ông Lý Quốc Khải, Chủ tịch UBND xã Hàm Rồng, huyện Ngọc Hiển và 2 cô giáo Trường THCS Viên An Đông, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển: Trần Thị Hường và Trần Thị Hảo. Cả 2 cô giáo đều sinh năm 1979, quê ở miền Bắc. Ban đầu, UBND tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ cho mỗi gia đình có người tử nạn 1,5 triệu đồng/người.