Sáng 9/6, Tòa án quận Trung tâm, thành phố Seoul, ra phán quyết bác bỏ đề nghị bắt giữ của Văn phòng công tố đưa ra hôm 4/6 đối với Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, và hai cựu lãnh đạo cấp cao của Samsung là Choi Gee-sung và Kim Jong-joong.
Ông Lee Jae-yong đã tới Tòa án quận Trung tâm, Seoul, để tham dự phiên điều trần.
Cả ba người này bị tình nghi tham gia một kế hoạch thao túng giá trị của Cheil Industries Inc và Samsung C&T, trước khi hai chi nhánh này sáp nhập năm 2015. Thương vụ này giúp Lee tăng thêm quyền lực tại Samsung và "dọn đường" cho kế hoạch tiếp quản quyền điều hành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc từ người cha nằm liệt giường Lee Kun-hee.
Thẩm phán Won Jung-sook cho biết Văn phòng công tố đã có "bằng chứng đáng kể thu được qua các cuộc điều tra nhưng họ chưa nêu được lý do chính đáng để giam giữ Lee". Tòa án cũng từ chối yêu cầu bắt giữ đối với hai cựu lãnh đạo Choi Gee-sung và Kim Jong-joong.
Các công tố viên bày tỏ sự thất vọng về phán quyết này của tòa. "Với mức độ nghiêm trọng của vụ án và một loạt bằng chứng, phán quyết từ chối lệnh bắt giữ của tòa án là một sự xấu hổ. Bất kể kết quả là gì, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tiếp tục điều tra theo pháp luật và nguyên tắc trong tương lai", Văn phòng công tố viên quận trung tâm Seoul tuyên bố.
Phán quyết này đánh dấu chiến thắng tiếp theo của người thừa kế tập đoàn Samsung trước nguy cơ tù tội. Trước đó năm 2017, Lee bị tuyên án 5 năm tù vì hối lộ và vài tội danh khác liên quan tới tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Ông Lee bị cáo buộc chi hàng chục triệu USD cho cựu tổng thống Park Geun-hye thông qua người bạn thân của bà là Choi Soon Sil, mục đích để nhận được sự ủng hộ của chính quyền giúp Samsung thực hiện một thương vụ sáp nhập nhằm gia tăng quyền lực cho ông Lee. Ông Lee bị giam giữ một năm và được thả tự do vào năm 2018 sau khi kháng cáo nhưng hiện vụ án được tái thẩm và ông đúng trước nguy cơ vào tù trở lại.
Samsung là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, chiếm 20% GDP của quốc gia này. Samsung được thành lập bởi Lee Byung-chull, ông cố của Lee Jae-yong. Tập đoàn hiện có 59 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, bảo hiểm, đóng tàu, khách sạn, công viên giải trí và thời trang. Samsung Electronics là công ty con quan trọng nhất của Samsung và là nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip nhớ lớn nhất thế giới.
Tuy chỉ giữ chức phó chủ tịch Samsung Electronics nhưng tầm ảnh hưởng của Lee đi xa hơn nhiều. Lee là con trai duy nhất của chủ tịch Lee Kun-hee và giữ quyền điều hành tập đoàn khi cha ông nằm liệt giường do đau tim vào năm 2014. Hiện chủ tịch Lee Kun-hee là người giàu nhất Hàn Quốc và giàu thứ 65 trên thế giới với khối tài sản 15,7 tỷ USD, theo xếp hạng của Bloomberg. Trong khi đó, "thái tử" Lee Jae-yong sở hữu khối tài sản 5,7 tỷ USD.
Dù người thừa kế tập đoàn liên tục vướng vào vòng lao lý nhưng Samsung vẫn phát triển mạnh. Cổ phiếu của công ty đã tăng vọt trong năm 2019 và vào những tháng đầu năm 2020 trước khi Covid-19 bùng phát mạnh. Việc Lee bị đề nghị giam giữ vẫn là mối quan tâm lớn nhất tại Samsung bởi sự vắng mặt của ông có thể làm gián đoạn các quyết định lớn như các thương vụ sáp nhập, mua bán hay đầu tư.
Trước hàng loạt tai tiếng, ngày 6/5, người thừa kế đế chế Samsung Lee Jae-yong cúi đầu xin lỗi trước truyền thông và tuyên bố không cho con cái kế nghiệp mình.
Sơn Nam (Theo Bloomberg)