Học bổng
Có thể khẳng định một điều là tìm học bổng đi du học không khó như ta thường nghĩ, nhất là đối với học bổng học sau ĐH. Thường thì học bổng ở bậc ĐH chỉ dành cho dân Mỹ hay dân của tiểu bang nơi trường tọa lạc. Học bổng sau ĐH thì dành cho nhiều đối tượng hơn và là cơ hội của sinh viên quốc tế.
Đối với từng ngành nghề thì mức độ khó dễ cũng có phần khác nhau. Chẳng hạn như ngành toán thì tương đối dễ, vì dân Mỹ, cũng như dân Việt Nam, đều không thích học toán. Các ngành tự nhiên khác như lý, hóa, sinh cũng tương đối dễ xin học bổng. Những ngành khó xin học bổng là luật, y, chẳng hạn như trường y chỉ nhận sinh viên sau ĐH là người Mỹ.
Gần đây, nguồn học bổng tương đối đa dạng. Bạn có thể tự làm hồ sơ, tự liên hệ với trường bên kia để xin học bổng. Thông thường, nếu xin học bổng kiểu này, ta sẽ xin học bổng trợ giảng (teaching assistantship). Nếu được học bổng dạng này, sinh viên phải làm trợ giảng một số lớp ở mức ĐH. Thí dụ, môn toán vẫn là môn cơ bản và bắt buộc của tất cả các ngành tự nhiên, nên các trường vẫn cần một đội ngũ giáo viên dạy môn toán, kéo theo đó là đội ngũ trợ giảng.
Nhiệm vụ của trợ giảng là giải bài tập, hỗ trợ các giáo sư, có khi phải chấm bài, có khi cũng phải tự mình ra đề kiểm tra, tùy theo sự phân công của giáo sư phụ trách. Có trường thì trợ giảng phải phụ trách 2 lớp mỗi học kỳ, mỗi lớp khoảng 60 sinh viên. Mỗi lớp lại được chia làm 2, sỉ số còn chừng 30, tính ra, mỗi tuần người trọ giảng phải lên lớp 4 lần, mỗi lần chừng 50 phút. Có trường thì trợ giảng phụ trách 1 lớp mỗi học kỳ, nhưng sỉ số lớp đông, có khi ngồi chật cả giảng đường.
Việc làm trợ giảng có thể vất vả hay nhàn nhã tùy trường, nhưng nói chung, người trợ giảng đều được miễn toàn bộ học phí, đồng thời còn được lãnh lương cho việc làm trợ giảng của mình. Nói chung, số tiền lãnh được là đủ sống, nếu khéo dành dụm thì cũng đủ tiền mua vé máy bay về Việt Nam thăm nhà mỗi năm 1 lần.
Học bổng trợ giảng thường không có ràng buộc nên khi học xong, sinh viên có thể ở lại Mỹ để làm việc (nếu xin được việc). Ngoài dạng học bổng này, sinh viên các ngành xã hội còn có thể xin học bổng Fulbright, sinh viên ngành tự nhiên có thể xin học bổng của VEF. Nếu được các học bổng dạng này, các bạn sẽ được đóng học phí cho, cũng như được nhận một mức sinh hoạt phí khá hơn nhiều nếu so với dạng học bổng trợ giảng. Lứa du học sinh đầu tiên đi bằng nguồn của VEF vừa qua còn được đi tham quan Washington mấy ngày, và được chăm nom rất kỹ lưỡng.
Bù lại, các bạn cần phải có vài năm kinh nghiệm làm việc, cũng như phải trở về Việt Nam ngay sau khi học xong. Ngoài các dạng trên, các bạn cũng có thể xin học bổng nhà nước, cũng với những ràng buộc nhất định.
Chuẩn bị
Quan trọng nhất vẫn là nền tảng kiến thức. Nếu không có một nền tảng kiến thức tốt thì khó có thể theo được cường độ học tập ở Mỹ, chưa nói đến chuyện có thu hoạch được gì hay không.
Việc cho điểm ở bậc sau ĐH của các giáo sư ở Mỹ tương đối dễ dãi, chỉ cần đi học đều đặn thì tệ nhất cũng được B (theo thứ tự điểm A,B,C,D, Fail), có khi chỉ cần đăng ký lớp, không cần đi học, bạn cũng có thể đạt điểm A. Bạn lại được quyền chọn môn học theo ý thích, nên điểm số ở bậc sau ĐH chưa hẳn nói lên được thực học.
Người ta đánh giá việc học thông qua những kỳ thi Qualifying, và đánh giá việc nghiên cứu thông qua các bài báo, các công trình. Có nhiều sinh viên vẫn đạt điểm A đều đều, nhưng thi mãi vẫn không qua được các kỳ Qualifying, sau vài học kỳ phải chịu cảnh bị cắt học bổng, khăn gói xách vali về nước.
Ngoài ra, bạn cần có một thái độ học tập đúng đắn. Học ở Mỹ là tự học, là phải lên thư viện, phải lên mạng tìm tòi thông tin. Quá trình học sau ĐH là để chuẩn bị khả năng nghiên cứu, nên tính tự giác học tập được đặt lên hàng đầu. Nếu bạn học theo lối “nước đến chân mới nhảy” như ở Việt Nam, nghĩa là đến trước khi thi học kỳ vài ngày mới lấy bài ra xem, thì kết quả kỳ thi bạn có thể qua, nhưng kiến thức thu hoạch sẽ chẳng được gì. Như vậy là rất lãng phí.
Một điều nữa là các giáo sư giỏi ở Mỹ luôn luôn đánh giá rất cao những sinh viên năng động, chịu khó tìm tòi. Bạn có thể trao đổi trực tiếp với các giáo sư về những vấn đề mình quan tâm một cách thoải mái. Sau này khi đã lấy xong tấm bằng, khả năng nghiên cứu sẽ là tiêu chuẩn phân loại các tiến sĩ.
Có nhiều người cũng lấy được bằng, nhưng khả năng tự học và làm nghiên cứu không cao, đó là hệ quả của thái độ học tập không đúng trước đó. Thái độ học tập đúng đắn còn là việc bạn phải trung thực trong quá trình học của mình. Sau này, khi làm nghiên cứu khoa học, bạn phải làm mọi chuyện một mình, không thể “quay cóp”, không có cái “phao” nào có thể giúp bạn được.
Đừng tưởng rằng lực lượng du học sinh có học bổng là không biết đến việc gian lận. Việc chép bài tập của nhau xảy ra cũng khá thường, có khi diễn ra dưới cái nhìn khinh bỉ của bạn bè các nước khác. Việc làm bài chung khi giáo sư không cho phép cũng có. Ở đây lại một lần nữa cho thấy bạn cần có thái độ học tập đúng đắn. Cái quan trọng không phải ở điểm số mà là ở chỗ bạn học được gì sau mỗi khóa học. Và phải biết chấp nhận điểm số xứng đáng với trình độ và sức lao động của chính mình. Khả năng của mình chỉ 1, công học tập mình bỏ ra chỉ 1 thì đừng làm mọi cách để được điểm 10.
Ngoại trừ những yếu tố kể trên mà phải qua thời gian dài mới xây dựng được, một trong những việc rất quan trọng cần phải được chuẩn bị cho tốt là tiếng Anh.
Rất nhiều sinh viên Việt Nam học chuyên môn rất tốt, nhưng vất vả mãi không đi du học được là vì không đủ điểm TOEFL. Có một số trường chỉ đòi hỏi điểm TOEFL trên 550 điểm, nhưng cũng có trường yêu cầu có thêm GRE hoặc GMAT. Sinh viên Trung Quốc sang Mỹ học rất đông một phần cũng là vì điểm thi TOEFL và GRE của họ rất cao. Điểm TOEFL của họ toàn trên 600, GRE trên 2100 nên dễ dàng được nhận vào những trường lớn dù khả năng học chuyên môn của họ cũng chẳng hơn gì sinh viên Việt Nam.
TOEFL và GRE tuy chẳng nói lên được điều gì về khả năng học tập thật sự của bạn, nhưng đó lại là điều kiện cần của các trường ở Mỹ. Nếu bạn có ý định sẽ đi du học, hoặc thấy khả năng của mình đủ để tìm được một suất học bổng thì nên chuẩn bị tiếng Anh ngay từ năm 2-3.
Khó khăn
Có nhiều người cho rằng hễ bạn sang Mỹ là bạn thành Việt kiều, nghĩa là túi bạn lúc nào cũng rủng rỉnh nhiều tờ đô xanh đỏ. Thực tế đối với du học sinh thì không phải vậy. Trừ những trường hợp được nguồn học bổng dồi dào, còn lại thì hầu hết sinh viên đều phải cẩn trọng trong chi tiêu. Nhưng nói chung, trừ khi bạn thường hay đến casino, hoặc sang Mỹ để “hưởng thụ trước, học hành sau”, hoặc gia đình bạn ở Việt Nam trông chờ vào tiền học bổng của bạn, hoặc bạn đưa vợ sang trong khi cô ấy không thể đi làm thêm để kiếm tiền, thì tiền bạc không phải là vấn đề lớn cần lo ngại.
Một trong những vấn đề khó khăn là việc hòa nhập với cuộc sống nơi xứ lạ. Điều này thể hiện ở 2 điểm: Thích nghi với lối sống mới và hòa nhập với một cộng đồng mới. Nói chung, bạn phải tự lo cho bản thân, phải tự nấu ăn, giặt giũ, lau chùi nhà cửa, giữ vệ sinh bếp núc. Trừ khi gia đình của bạn ở Việt Nam giàu có đủ để gửi tiền cho bạn đi ăn tiệm suốt ngày, hoặc vợ bạn sang bên đó với bạn, thì bạn phải tự nấu cơm lấy. Có những bạn khi sang Mỹ, ngoài món mì tôm ra thì chỉ biết nấu 1 món duy nhất là “Thịt đút lò vi sóng”, nghĩa là bạn ra siêu thị mua một cục thịt về, sau đó cho vào lò vi sóng chừng 5-10 phút sau, thịt chín, lấy ra ăn với nước mắm. Có bạn đi vệ sinh vẫn chưa có thói quen tự dội nước, hoặc đi tắm vẫn không có thói quen dọn tóc vương lại ở lỗ thoát nước. Có bạn rửa chén vẫn chưa sạch, vẫn để tô chén dơ vài ba ngày không rửa. Những điều đó đều ảnh hưởng đến những người ở chung với bạn.
Nếu bạn may mắn ở chung với toàn người Việt thì có gì anh em còn bảo nhau, chứ nếu bạn ở chung với người nước khác, nhẹ thì họ nhìn bạn một cách ghê sợ, còn nặng thì họ báo với chủ nhà để đuổi bạn ra khỏi cửa. Bạn nào thích ăn mắm mà phải ở chung với người nước khác thì cũng rất phiền. Hoặc có khi buổi trưa, khi bạn mở hộp cơm đem theo ra ăn thì xung quanh bạn chẳng còn ai ngồi!
Bạn cũng không nên làm “Độc cô kiếm khách”, lên trường về nhà mà chẳng nói với ai câu nào. Có nhiều bạn ngại tiếng Anh của mình kém, không dám nói chuyện với các bạn nước khác, tức là đã bỏ mất cơ hội hòa nhập với một cộng đồng mới và cơ hội nâng cao trình độ tiếng Anh.
Những mối quan hệ bạn xây dựng được sẽ giúp bạn rất nhiều trong đời sống hiện tại cũng như trong công việc sau này. Việc có được những mối quan hệ tốt với các giáo sư cũng khá quan trọng. Để được như vậy thì bạn cần vượt qua “con thỏ nhút nhát” của chính mình. Cách dễ nhất là hòa đồng, thân thiện, bắt chuyện với mọi người, đừng ngại mình nói tiếng Anh như tiếng Tàu. Các bạn sinh viên quốc tế cũng hiểu được những khó khăn của người châu Á khi nói tiếng Anh nên họ cũng rất thông cảm. Chính những người bạn Mỹ mới có thể dạy ta những cách nói của người Mỹ, mới có thể giúp ta hiểu nhiều hơn về đời sống của dân Mỹ.
Một vấn đề nữa, nhất là đối với các bạn mới sang là sự xa gia đình, xa những người yêu thương. Lúc mới sang, các bạn còn chưa quen với những thay đổi trong đời sống, còn “ngơ ngẩn”, “bàng hoàng” trước những khó khăn dồn dập, lại chẳng thể chạy về nhà thút thít kể cho mẹ nghe (hoặc sang nhà người yêu tâm sự). Những lúc như vậy, các bạn rất dễ bị sốc và khủng hoảng. Cách tốt nhất là hướng mình vào việc học, tự nhủ rằng tất cả rồi sẽ qua, sẽ có một ngày ta lại gặp được những người thân yêu của mình.
Theo Người Lao Động, thông tin về Việt Nam trên mạng cũng rất nhiều, cũng sẽ giúp các bạn vơi đi nỗi nhớ nhà. Các bạn cũng có thể đi xem phim, xem những show hay trên tivi, cũng có ích trong việc rèn luyện thêm tiếng Anh. Hoặc các bạn có thể tham gia các forum, có thể chơi nhạc, làm thơ, đi bơi, tập tạ, đá banh… Việc cân bằng giữa học tập và giải trí, chơi thể thao sẽ giúp bạn vượt qua được những cú sốc về tình cảm khi ở xứ người.
Ngoài ra, tinh thần học tập cũng là một điều cần phải bàn. Một khi đã sang Mỹ học thì các bạn nên xác định ta đang ra trận chứ không phải đang đi chơi. Có bạn sang bên đó thì lại lơ là chuyện học, về sau ở lại Mỹ thì vất va vất vưởng, mà về Việt Nam thì xấu hổ với gia đình, bạn bè.
Khi đã xác định ngành học thì hãy quyết tâm theo đến cùng. Trừ khi có những chuyện bất khả kháng, còn lại thì các bạn đừng nên bỏ ngang và chuyển sang ngành học khác vì sẽ rất mất thời gian.
Các bạn cũng nên lượng sức mình, đừng tham mà ôm một lúc hai ba việc. Có người sau 6 năm lấy được 3 bằng thạc sĩ nhưng vẫn chưa thể làm xong luận văn tiến sĩ. Có bạn lo kiếm tiền, tìm việc thêm để làm nên ảnh hưởng chuyện học hành. Việc lấy bằng tiến sĩ không quá khó, chỉ cần một kết quả mới, có thể được đăng trên các tạp chí toán học quốc tế. Có nhiều bạn vừa tốt nghiệp cử nhân ở Việt Nam xong thì cũng đã có bài báo đăng trên các tạp chí toán học Mỹ, tức là đã đủ khả năng để làm xong phần khó nhất của một luận văn tiến sĩ. Tuy nhiên, bạn có xin được việc ở Mỹ hay không thì lại là chuyện khác.
Tiến sĩ cũng có nhiều hạng “dỏm”, “xịn” khác nhau: tiến sĩ chỉ có thể đi dạy, tiến sĩ có khả năng làm nghiên cứu và làm giáo sư cho các trường ĐH lớn, tiến sĩ có các công trình gây tiếng vang, có uy tín trong cộng đồng nghiên cứu khoa học. Bạn muốn mình thuộc về hạng nào? Bạn nghĩ mình thuộc về hạng nào? Bạn có thể tập trung sức lực của mình đến đâu? Tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên cũng là những khó khăn mà không ai có thể giúp bạn ngoài chính bản thân bạn.