Khi lần đầu tiên lên kế hoạch tới Việt Nam, tôi không hề biết gì về ngày Tết Nguyên đán ở đây. Tôi đã dự dịnh trở về nhà ở Mỹ sau kỳ nghỉ dài, tuy vậy, có một số việc đột xuất xảy ra và tôi "bất đắc dĩ" được đón Tết (cách mà người Việt Nam nói về kỳ nghỉ năm mới) ở đây. Đó là Tết Giáp Ngọ 2014.
Được trải nghiệm những ngày đón đầu năm khiến chuyến đi của tôi thú vị hơn bao giờ hết, dù đây là lần thứ 2 tôi tới Việt Nam nhưng cảm giác thực sự rất khác lạ, đặc biệt là ở các trung tâm văn hóa, vui chơi.
Tôi đã được nhìn thấy cách người dân địa phương chuẩn bị tất bật những ngày cuối năm và sau đó được cùng họ đón thời khắc giao thừa. Bạn có thể tưởng tượng, kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới của chúng ta dài và lớn thế nào thì Tết ở Việt Nam cũng vậy. Người dân địa phương đón Tết Âm lịch với rất nhiều hoạt động như gói bánh chưng, bắn pháo hoa, mua cây trang trí nhà cửa
Chuẩn bị Tết: người ta thường chuẩn bị trước giao thừa nhiều tuần lễ.
Mua cây cảnh:
Tương tự như chúng ta trang trí cây thông Noel, người Việt Nam cũng có phong tục bày cây trong nhà dịp năm mới. Ở miền Bắc, người ta thích cây đào (hoa màu hồng, ưa không khí lạnh) và cây quất (cây tán tròn, có quả nhỏ màu vàng cam) còn ở miền Nam, họ thường thích cây mai (hoa màu vàng, thích hợp với khí hậu nắng ấm).
Lễ cúng thần bếp
Theo quan niệm truyền thống, mỗi căn bếp ở Việt Nam được cai quản bởi 3 vị thần bếp gồm một vị thần là nữ, 2 vị thần là nam, mà người Việt gọi là ông Công ông Táo. Vào ngày 23 tháng Chạp (theo Âm lịch), những vị thần này sẽ lên thiên đình để báo cáo về những việc đã xảy ra trong năm qua với Ngọc Hoàng. Chúng tôi đã nhìn thấy nhiều gia đình tổ chức cúng lễ vào ngày này, với phong tục thả cá phóng sinh bên bờ sông.
Cầu phúc cho năm mới
Ở Hội An, chúng tôi thăm một vài ngôi chùa với lối kiến trúc Trung Hoa. Cận Tết, phía bên trong chùa, người ta treo rất nhiều hương vòng lớn và phải mất tới 2 tuần để chúng cháy hết. Theo người dân, mỗi một vòng hương tượng trưng cho một lời cầu măn mới may mắn và an lành tới mỗi thành viên trong gia đình.
Chuẩn bị đồ ăn
Món ăn phổ biến nhất dịp Tết là bánh chưng - một loại bánh làm từ gạo nếp với thịt lợn và đậu xanh bên trong, gói bên ngoài bằng loại lá gần như lá chuối (lá dong). Sau khi được gói vuông vắn, những chiếc bánh được luộc trong nồi lớn để ăn dần trong tuần lễ đầu tiên của năm mới.
Trang hoàng đường phố
Ở Huế và TP HCM, dọc các đường phố có rất nhiều đèn trang trí được thắp sáng mỗi tối. Còn ở Hội An, đèn lồng được treo dọc theo hai bên bờ sông.
Tết ở Sài Gòn
Phần lớn thời gian đón Tết của chúng tôi là ở TP HCM. Những người dân ở đây nói với tôi rằng, dịp Tết, cả thành phố như "trống không", đường xá vắng vẻ bởi đa số mọi người đã trở về quê cùng gia đình, cửa hàng cũng đóng cửa nhiều ngày liền và tất nhiên, giao thông cũng vô cùng thông thoáng. Với tôi, mặc dù Sài Gòn trông vẫn rất sống động và rực rỡ nhưng nó thực sự đổi khác trong những ngày này.
Buổi tối, đèn hoa chăng khắp các con phố được thắp lên. Các công viên cũng được trang trí bắt mắt với các chậu cây cảnh cắt tỉa kiểu bonsai hình các con thú. Quảng trường và những tòa nhà cao ốc nổi tiếng cũng được bao phủ bởi ánh sáng rực rỡ và tiếng nhạc rền vang. Tôi đã có mặt ở khá nhiều lễ hội đón năm mới trên thế giới nhưng vẫn thực sự bị ấn tượng bởi không khí đón Tết ở đây.
Đêm giao thừa, đúng 0h, cả thành phố chìm trong màn pháo hoa rực sáng bầu trời. Tour du lịch mà tôi đặt trước đó đã sắp xếp cho cả đoàn một vị trí xem pháo hoa không thể đẹp hơn ở tầng cao nhất một khách sạn khu trung tâm.
Ngày hôm sau, tức mùng 1 Tết, mọi người dân Sài Gòn, bao gồm cả dân địa phương lẫn khách du lịch chúng tôi đều đổ ra đường. Những bé gái mặc quần áo màu sắc sặc sỡ được bố mẹ đưa đi chơi ở đường hoa và chụp hình lưu niệm. Thời tiết khá nóng và không khí hơi náo nhiệt nhưng thực sự rất thú vị.
Một số lưu ý
Nếu bạn đang muốn đi du lịch tới Việt Nam dịp Tết thì hãy lên lịch trình đi từ Bắc xuống Nam. Rất nhiều người miền Bắc sinh sống tại phía Nam sẽ trở về nhà ăn Tết dịp này, do đó, nếu bạn đi theo chiều ngược lại, từ Nam ra Bắc thì giao thông sẽ rất khó khăn. Vé máy bay, tàu hỏa và thậm chí là cả xe khách cũng được bán ra từ nhiều ngày trước. Hoặc không, bạn sẽ bị nhồi nhét lên chiếc xe 18 chỗ nhưng có tới 50 người.
Có một lưu ý là hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa dịp Tết, từ khoảng ngày 29 cho tới ngày mùng 5-7. Tuy nhiên, điều này chỉ ảnh hưởng một chút tới chúng tôi khi tới Hội An, lúc mà hầu hết các hàng may nổi tiếng đã đóng cửa. Tôi không thể may đo một chiếc áo mà chỉ có thể mua đồ may sẵn. Còn lại, các nhà hàng, quán ăn đều mở cửa suốt dịp Tết.
Nguyên Chi