Hơn 12h trưa, người phụ nữ có nước da rám nắng, khuôn mặt lấm lem vết bùn bắn, chân đi ủng, đôi bàn tay có những chỗ gồ lên, dán băng chằng chịt, vội xuống xe rồi đi thẳng vào nhà. Vừa đi, chị vừa thu gọn đống quần áo giăng kín từ cổng vào đến cửa; xê tạm đống bừa bộn chắn ngang lối vào và quát cậu con trai không nấu cơm mà vẫn ngủ vùi trong đống chăn ở góc nhà.
Thấy mẹ về, ba đứa trẻ quần áo xộc xệch, tóc rối bời đang lê la ngoài ngõ, mừng quýnh reo lên. Người mẹ chui vào gian bếp lạnh tanh, thoăn thoắt luộc nồi rau, đun nóng thức ăn. Mâm cơm dọn ra chỉ có ba người ngồi xuống, những đứa con còn lại của chị tản mát hoặc đi chơi đâu đó chưa về.
Đó là một buổi trưa hiếm hoi chị Đặng Thị Hải ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông, về nhà ăn cơm. Bình thường, chị Hải chỉ ăn bữa sáng và tối, phần vì bận mò cua, bắt ốc dưới đầm; phần vì ngán ngẩm cảnh con cái mải chơi. Chị Hải sinh được 14 người con (đứa út đã qua đời) và hiện đã lo dựng vợ gả chồng cho 5 đứa. Sau khi chồng mất năm 2016 và vợ chồng người con thứ hai ra riêng, chị Hải giờ gồng gánh đại gia đình 14 người gồm con đẻ, con dâu và cháu ngoại trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng. 5 đứa nhỏ nhà chị Hải vẫn đang đi học, lớn nhất lớp 7, bé nhất lớp 1.
Nguồn thu nhập chính của gia đình trông chờ ở những con ốc, con cá chị Hải đánh bắt dưới đầm. Hai đứa con lớn cũng mới đi làm phụ hồ nhưng chưa thấy mang đồng nào về cho mẹ. Chị không trông đợi nhiều, chỉ mong chúng có công việc, tránh chơi bời lêu lổng.
Hàng ngày, dù mưa hay nắng, chị Hải cũng dậy từ 5h để mò cua, bắt cá cho kịp buổi chợ sáng lúc hơn 6h. Bán hết mớ cá, chị lại làm thông trưa vì không muốn nhỡ buổi chợ chiều. Lắm hôm, các con mang cơm ra cho mẹ, chị chẳng có lúc nào ngơi tay để ăn và nhịn đến tối. Chị lo nghỉ tay lên bờ, đám cá vừa bắt sẽ chết và bán không được giá. Xong bữa tối, chị xuống lều dưới đầm ngủ; ở nhà chỉ còn mấy đứa lớn trông các em nhỏ.
Hơn một năm nay, chị giúp người cháu bên chồng chăn bò, nuôi gà, thả cá và cấy lúa ngoài bãi đất trống rìa làng. Chị phấn khởi và biết ơn vì nhờ cháu, đây là năm đầu tiên mẹ con chị vẫn còn thóc ăn trong nhà đến thời điểm này. Chị cũng có đồng ra đồng vào để lo sinh hoạt và đi học cho các con. Chị cười sung sướng khi được người làng khen dạo này trẻ và béo ra.
"Hơn tuần nữa đến Tết rồi mà tôi vẫn chưa có gì cho các cháu, nhưng kiểu gì hôm 30 cũng đủ cả. Tôi vừa vay 2 triệu đồng sắm quần áo cho 5 đứa nhỏ. Còn ba đứa lớn, tôi tính chắc cũng mất tầm một triệu đồng nữa. Bọn trẻ mong đến Tết có manh áo mới chứ có thiết tha gì ăn uống", chị Hải chia sẻ.
Trở lại căn lều dưới đầm sau khi thu xếp xong việc nhà, chị Hải quát những con bò xổng ra ngoài rồi lùa chúng về lại chuồng. Chị vứt thêm bó cây ngô vào chuồng cho đàn bò ăn, quét dọn đám phân bò ngổn ngang giữa đường rồi mới vào lều nghỉ. Ánh nắng chiếu xuống mặt đầm, hất vào ngôi lều rách trong cái gió mùa đông hanh hao làm đôi má chị ửng đỏ. Căn lều có khung bằng kim loại luộm thuộm với đống quần áo, vài vỏ chăn và chiếc đệm cáu bẩn được chị Hải gọi là nhà nằm sát bên chuồng bò. Chị đã ở trong những căn lều nát như vậy suốt hơn 10 năm qua.
Nhắc tới cuộc sống chạy ăn từng bữa trước đây, người đàn bà 49 tuổi lần giở lại từng mảng ký ức buồn. Chị và chồng đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, qua sự gán ghép của gia đình. Lấy nhau được hơn một tháng, hai vợ chồng dựng lều gần đường ở riêng rồi liên tục thay đổi chỗ ở, mãi tới năm 1995 mới cất được gian nhà cấp bốn trong làng.
Đầu tắt mặt tối ngoài đồng, chị Hải không biết mình mang thai. Lúc bụng to dần, chị không nỡ bỏ con đi. Những đứa trẻ lần lượt chào đời, khi thì bị đẻ rơi lúc mẹ đang ngoài đồng, lúc được mẹ tự tay cắt rốn trong lều. Chồng hay rượu chè, không đỡ đần được gì, chị ngồi không nữa chắc các con đói. Nghĩ thế nên đẻ đứa thứ hai được 5 hôm, chị Hải ra đồng bắt cua, ốc. Sau một tuần, chị hôm nào cũng lội nước ngang bụng, đắp bờ chặn bắt tôm, cá. Nhiều lần, chị hái tạm rau lang ăn cho đỡ đói vì chưa kịp đi kiếm gạo.
Mò cua, bắt ốc không đủ ăn, chị Hải làm đủ nghề, từ đập bê tông, nhặt phế liệu, phụ hồ... Không ít lần, tiền công chị kiếm được chỉ đủ mua gạo cho một bữa. Mỗi bữa, cả nhà chị đông đủ ăn hết tầm 2 kg gạo. Có thời gian, chị đạp xe đi nhặt phế liệu cách nhà vài chục cây số. Tối muộn về đến nhà, chị mới có tiền đong gạo cho các con.
Bận kiếm miếng ăn, chị Hải cũng không có thời gian quan tâm hay dạy dỗ đàn con nhỏ. Chúng lớn lên hồn nhiên như cây cỏ, bên cạnh người mẹ còn bận nhặt từng con ốc dưới đồng. Đến giờ, hơn chục người con, chị Hải vẫn chưa yên tâm với đứa nào. Đứa lớn học khá nhất đến lớp 11 là nghỉ, còn những đứa sau bỏ dở giữa chừng vì mải chơi. Dù đã trưởng thành, chúng vẫn ngửa tay xin mẹ từng đồng.
Nhà đông con, gia cảnh lại khó khăn nên chị Hải hay tự ti. Chị không có ai để tâm sự hay chia sẻ vì ít bạn bè và còn mải mê lo bát gạo hàng ngày. Chị cũng ngại va chạm mỗi khi có ai đó trong làng coi thường cảnh nghèo khó của mấy mẹ con chị.
"Tôi dặn các con: 'Nhà mình nghèo, bố mất rồi nên giờ, mẹ và các con phải tập trung làm, vượt khó khăn, không để ai chê cười. Hơn nữa, các con phải sống hòa hợp, không cãi nhau với người khác; ai nói gì mặc kệ'", chị Hải cho hay.
Biết hoàn cảnh của chị Hải, nhiều tấm lòng hảo tâm mang gạo, quần áo hay tiền tới giúp. Có người ở xa về chỉ để hỏi thăm và biếu chị vài vỉ thuốc bổ; người khác lại xem chị như con và thường gọi mỗi khi nhà có việc. Không ít người đến xin những đứa trẻ về nuôi nhưng chị không đồng ý. Khổ đến mấy chị cũng cố lo miếng ăn và cho chúng đi học. Chị thậm chí còn sẵn sàng nhận em bé bị bỏ rơi bên đường về nuôi.
Bước sang năm nay, chị bắt đầu thấy sức khỏe giảm sút nhiều nhưng bà mẹ nghèo không muốn ngồi im vì sợ, nằm là ốm. Chị Hải cũng chưa biết tính sao khi khu đầm đang bám vào kiếm sống hàng ngày chỉ nay mai là giải tỏa. Chị lo chẳng may nằm xuống, đàn con ngơ ngác không có chỗ ở. Căn nhà hiện tại, chị muốn để lại cho vợ chồng con cả theo tâm nguyện của người chồng quá cố.
Anh Hùng, người cháu gọi chị Hải là mợ, lắc đầu thương cảm khi nhắc tới người mẹ đông con. Trong lời kể của người đàn ông này, chị Hải chịu khó nổi tiếng cả làng Đồng Mai. Chị ở dưới đầm cả ngày để bắt ốc, mò cua kiếm 50-70 nghìn đồng mà không dám nghỉ ngày nào. Nhà vắng người đàn ông nên chị Hải không nói được các con. Nhiều hôm, chị nhịn cơm phần con mà chúng đi chơi không về. "Ai cũng bảo bà Hải đẻ nhiều quá. Tôi vừa cho bà ấy vay tiền vì thấy nói cũng có lý: chẳng biết ăn uống nhiều hay ít nhưng Tết phải đầy đủ quần áo cho các con. Bọn trẻ vẫn lông bông lắm. Các con mà nghĩ đến bố mẹ thì bố mẹ cũng chết rồi", anh Hùng chua xót nói. Ông Tiến, tổ trưởng tổ dân phố nơi bà Hải sống, cho biết phường và tổ dân phố luôn tạo mọi điều kiện cho gia đình mỗi khi có chương trình hỗ trợ. Mẹ con chị Hải cũng được ưu tiên hưởng các chế độ và nhận nhiều phần quà mỗi dịp lễ Tết. |
Hà Phương