Hai tháng sau khi trốn khỏi nhà trọ của bố và mẹ kế ở quận Cầu Giấy, cậu bé Trần Văn Khánh, 10 tuổi, đã trở lại cuộc sống bình thường. Khánh hiện ở cùng bà ngoại, mẹ đẻ và em gái trong ngôi nhà trên phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. Ký ức về những ngày tháng bị bố bà mẹ kế giam cầm, đày đọa và bỏ đói giờ chỉ còn như một cơn ác mộng được chôn chặt trong lòng Khánh. Người thân tránh nhắc lại những ngày đã qua, bởi họ muốn, bắt đầu từ hôm trở về với mẹ đẻ (5/12/2017), cậu bé sẽ bước sang trang mới của cuộc đời.
Trong căn phòng 9 m2 trên gác hai một ngôi nhà cổ, Khánh và Thỏ (tên ở nhà của em gái Khánh) đang say sưa nghịch điện thoại. Thấy khách đến chơi, anh em Khánh nhanh nhảu chào rồi đứng dậy rót nước mời. Cậu bé cắt đầu cua, trắng trẻo và bụ bẫm trong bộ đồ sáng màu hiện tại khác hẳn bé trai tóc dài, đầu, mặt chằng chịt vết sẹo và chỉ nặng 20 kg cách đây hai tháng trên các mặt báo. Từ hôm về, Khánh tăng được 6 kg.
Thời gian ở cùng bố, cậu bé phải nghỉ học khi vừa xong lớp 2. Để không quên mặt chữ, Khánh giữ lại cuốn tiếng Việt lớp 2 ôn bài lúc rảnh. Sau khi về với mẹ đẻ, Khánh được đi học lại và vào lớp 3 một trường tiểu học gần nhà. Hàng ngày, bà ngoại thay mẹ đưa đón anh em Khánh đến trường. Hết giờ học, Khánh đạp xe, chơi ván trượt cùng Thỏ và tối đến hướng dẫn em tập đọc sau khi đã xong bài vở của mình. Hơn một năm không đi học, kiến thức rơi rụng khiến em gặp khó khăn lúc mới hòa nhập. Để Khánh theo kịp các bạn trên lớp, ông bà ngoại thay nhau dạy cháu ở nhà. Khánh thông minh và thích học nên chẳng bao lâu đã thuộc làu bảng cửu chương ông dạy.
Khánh khoe tuần tới sẽ được kết nạp đội cùng 15 bạn khác. Giọng em hân hoan khi nhắc tới tình cảm mà bạn học dành cho mình. Ở lớp, em chơi thân với hai bạn Toàn và Tâm. Ngoài môn Toán và Tin học, Khánh thích tiếng Anh vì được đặt tên Jerry theo bộ phim hoạt hình Tom và Jerry. Em khoe hôm vừa rồi điểm thi hai môn Toán, Tiếng Việt đều được 8 và đạt học sinh loại A. Với thành tích học tập này, Khánh được mẹ thưởng chiếc ván trượt.
"Các bạn ở lớp rất tốt bụng. Thấy con đeo cặp nặng, bạn còn xách giúp con từ tầng ba xuống. Cũng có bạn thắc mắc 'mặt cậu sao thế?', 'mặt cậu nhiều sẹo vậy?' nhưng con chỉ chạy đi hoặc nói là 'tớ bị ngã xe'", Khánh kể.
Ngoài giờ học, Khánh giúp bà và mẹ hầu hết mọi việc trong nhà, từ giặt quần áo, phơi đồ, đến rửa bát, hướng dẫn em học. Thỉnh thoảng, em cũng đòi vào bếp nấu ăn nhưng mẹ thương nên chưa yêu cầu làm. Sắp Tết, Khánh được mẹ sắm áo dài đỏ và đưa đi chợ hoa chơi. Cậu bé cũng thích được lì xì và tính sẽ dành hết tiền mừng tuổi nhét lợn đất để nuôi bà, mẹ cùng em Thỏ.
Khánh không quên những ngày Tết cô đơn, bị nhốt trong nhà một mình, khi còn ở với bố và dì. Không bánh chưng hay đồ ăn ngon, em chỉ được cho hộp bánh ngọt và vài gói mì tôm suốt mấy ngày bố cùng dì đi Vũng Tàu. Ăn bánh chán, cậu bé hết úp mì rồi xào mì để đổi vị. Không có gì chơi, em gấp giấy cho hết ngày.
"Tết ở cùng bố, con thèm bánh chưng rán, cơm rang, nem rán và miến xào. Ngay cả khi có bố ở nhà, con cũng không được ăn bánh chưng. Có hôm, con bị bố bắt uống nước mắm vì nhỡ tay rót nhiều và dì ép uống ba thìa sa tế. Nước mắm con nôn ra được nhưng sa tế thì nuốt hết", Khánh nhớ lại.
Trong lúc trò chuyện, Khánh thỉnh thoảng kêu đau nhức hai chiếc răng cửa hàm dưới. Hai chiếc răng bị mẹ kế đánh gãy, giờ chết tủy khiến em khó chịu mỗi khi thời tiết thay đổi. Ngoài răng, sống mũi đã liền và bị lệch cũng làm Khánh đau. Những vết sẹo trên mặt Khánh giờ đã bớt đỏ, còn trên đầu, chúng chi chít và trắng khiến tóc không mọc nổi.
Khánh gọi cuộc trốn chạy khỏi nhà trọ của ba và mẹ kế như thoát khỏi "địa ngục" trong bài thơ tự sáng tác: "Bao nhiêu bạo hành/ Cuối cùng đã nhớ/ Mình muốn về mẹ/ Thoát khỏi địa ngục". Lời bài thơ kể lại sự việc xảy ra với em và cái kết có hậu khi cuối cùng đã trở về trong vòng tay của mẹ đẻ.
Nghe con chia sẻ, chị Ngân, mẹ Khánh, bất ngờ vì lần đầu biết đến bài thơ ấy. Chị đau xót khi Khánh sớm trải qua những biến cố tâm lý khiến con hành động và suy nghĩ "như cụ non". Từ ngày Khánh về, con hay ngủ muộn; tối ngủ hay nói mê, chân tay vung lên. Những lúc ấy, chị phải gọi tên và ôm chặt để Khánh yên giấc. Thương con thiệt thòi nhưng chị Ngân nghiêm khắc trong cách dạy dỗ, thay vì chiều chuộng. Sẵn sàng mua đồ ăn Khánh thèm nhưng chị ra điều kiện khi con vòi vĩnh đồ chơi.
Giờ mọi chuyện đã qua, chị giữ mối quan hệ bình thường với bên nhà nội của Khánh. Hàng tuần, chị sẵn sàng để các con về ông bà chơi. Chị Ngân cho biết mong mỏi lớn nhất của gia đình hiện tại là vụ việc sớm được đưa ra xét xử đúng người, đúng tội. Theo chị Ngân, tỷ lệ thương tích của Khánh là 33%, trong đó bố 30% còn mẹ kế 3%. Kết quả được cơ quan chức năng thông báo khiến gia đình chị bức xúc.
"Tôi đã làm đơn bày tỏ không đồng tình với kết quả công an điều tra đưa ra và mong vụ án sớm ra tòa. Từ những ngày đầu, cháu nói dì đánh nhiều hơn. Những vết thương nặng như gãy xương sườn, gãy mũi hay gõ guốc vào đỉnh đầu đều do mẹ kế gây ra nhưng tỷ lệ thương tích của người này lại chỉ 3% và chỉ đánh hai vết. Giờ không lấy lại được tuổi thơ của con nữa nhưng tôi mong có được công bằng cho cháu", chị Ngân nói.
Theo chị Ngân, nếu không có hình phạt thích đáng và mang tính răn đe với những người có tội, những vụ bạo hành trẻ sẽ còn tiếp diễn.
Hà Phương