Bài viết kể lại những chuyện dở khóc dở cười trong "công cuộc" bếp núc khi về làm dâu của Facebooker Nguyen Pham Khanh Van hiện được nhiều chị em thích thú đón nhận, bàn tán.

"Nhà chồng Top ở thành phố, má chồng thì quan điểm con dâu khéo, vụng cũng không sao miễn sao dâu trai sống với nhau đàng hoàng là được. Tuy nhiên, không vì má dễ dãi mà Top tầm thường. Ngay trong những năm chưa về nhà chồng, Top đã tham gia vào nền ẩm thực gia đình bằng cách tiếp tay cho má chồng nấu thịt rừng, tư vấn cho cậu hạ gục một con dê, năm ấy Top và gia đình chồng say tuý lúy.
Năm kỷ niệm đám cưới đầu tiên, Top có bầu 4 tháng nhưng tự làm cỗ bàn đầy đủ từ món khai vị cho đến tráng miệng, tiếng lành đồn xa cả ngàn cây số, mặt mũi nở nang, mẹ chồng mời về nấu bò kho. Nói thiệt với má, bây giờ con mà nấu thì chấp hết cả làng nhưng hồi ấy non tay lắm. Nghe nói nấu sáng, trưa ăn nên Top mở sách tìm cách làm cho bò mềm, trong ấy biên rất rõ là ướp với một cốc nước thơm. Các mẹ đừng vội vàng tin vào những lời tư vấn dạo, con Top bóp vào một miếng thơm nhỏ và nồi bò kho có mùi rất kỳ cục, còn thịt bò thì bở như là giấy mùn. Đến khi dọn ra đành đổ luôn cả nồi, cũng nỗ lực lấy bánh mì chấm nước nhưng đành bỏ cuộc. Nhục hết toàn thân!
Sau đấy thì Top về quê. May là ở quê Top thịt heo, bò, gà, vịt từ lúc thịt đến lúc băm nấu toàn đàn ông làm. Con Top lớn lên trong một gia đình mà cánh đàn ông làm gà, mổ heo nhoay nhoáy và Top thấy thật thần thánh vì học được rất nhiều điều hay.
Hồi xưa nhà Top có bà chị họ bưng nguyên cái rổ sàng mâm bát ra cầu ao bỗng trượt chân té cái vèo, bà ấy bám vào gốc mận sống sót, rổ chén xuống ao không còn một cái. Bây giờ nhà nào cũng có nước máy nên không thể ném hết xuống ao, chỉ có thể nện cả rổ xuống nền.
Trong nhà Top phụ nữ rất nổi tiếng với nhiều màn quấy hôi bôi nhọ, có bà làm cá, con cá lóc giãy phát giật mình té ngửa khỏi cái ghế đang ngồi, cả nhà cười rú lên. Có bà cắt cổ gà không trúng mạch, con gà vùng ra bỏ chạy lung tung máu văng đầy nhà. Có bà thấy bịch cá kèo tưởng rắn tống hết xuống cống.
Tóm lại là chỉ rửa chén thôi, rửa chén muôn năm".

Nấu nướng, dọn dẹp bát đũa luôn là nỗi "ám ảnh" của nhiều chị em phụ nữ trong ngày Tết. Ảnh minh họa.
Bài viết đã nhanh chóng mở ra những cuộc bàn tán, chia sẻ xoay quanh chủ đề làm dâu của nhiều chị em. Bên cạnh đó, cả chủ nhân bài viết lẫn người đọc đều cùng rút ra kết luận là những chuyện dọn dẹp ngày Tết sẽ chẳng có gì vất vả, thậm chí còn vui nếu mọi người trong nhà cùng chung tay, giúp đỡ nhau.
“Em chỉ thích rửa chén thôi, em nhổ lông gà 3 tiếng chưa xong. Em còn có một kỷ niệm nhớ tới giờ, hồi sinh con đầu em rửa chén toàn trượt vỡ. Dù trong đầu em luôn nghĩ phải cầm thật chắc thì vẫn vỡ. Một tuần một lô 6 cái ly, 3 cái tách, cả lô chén đĩa. Khi tay em có cảm giác trở lại thì lô tách chén của ba mẹ phải thay mới hết", Facebooker Phuong Hoang bình luận.
Tài khoản Lê Đông Hường cũng chia sẻ kỷ niệm của mình: “Năm đầu tiên tớ về nhà chồng ăn Tết, ra tay nấu thịt đông - món ngon miền Bắc. Mà miền Nam nóng như thiêu thì mấy ai ăn thịt đông có mỡ. Vậy là mấy bát thịt đông nó cứ lườm nguýt tớ mỗi khi mở tủ lạnh. Giờ rút kinh nghiệm là theo phong tục nhà chồng cho lành.
“Ngày Tết nhiều công nhiều việc thật nhưng anh chị em biết chia việc cho nhau là vui hết. Ăn xong túm tụm lại ngồi rửa bát, buôn đủ thứ chuyện trên trời dưới biển cũng là cái không khí Tết mà những người xa quê, xa nhà thèm mà không có được. Sợ nhất là đòi làm mà các chị em cứ đuổi ra ngoài, không cho làm ấy chứ”, một tài khoản khác chia sẻ.
Câu chuyện hài hước như một lời động viên cho nỗi ám ảnh về chuyện bếp núc, dọn dẹp mà các chị em phải đối mặt khi về quê ăn Tết chung với họ hàng. Cũng như phần nào truyền thêm "năng lượng" cho những cô dâu mới về nhà chồng rằng chuyện vụng về, sai sót là khó tránh khỏi, phận làm dâu ai cũng từng gặp phải.
Maruko Chan