Tôi cùng nhóm bạn đáp chuyến bay trưa từ Thành Đô (Chengdu) đi Lhasa của hãng hàng không Tứ Xuyên. Lẽ ra chúng tôi có thể đáp chuyến bay chiều hôm trước từ Thành Đô để đến Tây Tạng sớm hơn nhưng vì muốn ngắm Tây Tạng từ trên cao vào buổi ban trưa nên cả nhóm quyết định nghỉ lại Thành Đô một đêm.
Sau 2 giờ bay từ Thành Đô, máy bay hạ độ cao để chuẩn bị hạ cánh và dưới kia, phong cảnh hùng vĩ của những ngọn núi chập chùng phủ đầy tuyết trắng oai hùng lớp lớp hiện ra phía dưới những đám mây trắng xóa khiến hầu hết hành khách đều ồ lên và hướng về phía cửa sổ để ngắm nhìn cho thỏa mắt rồi lấy máy ảnh bấm lia lịa những tấm hình của núi non Tây Tạng điệp điệp trùng trùng.
Những ngọn núi đá phủ đầy tuyết trắng xóa, những đám mây đủ các hình thù vắt qua chênh vênh trên những ngọn núi ấy, những con sông, những hồ thiêng dưới kia... cứ thế hiện ra trong mắt tôi để tôi ngắm mải miết cho đến khi máy bay hạ cánh xuống đường băng.
Sân bay Lhasa đẹp hơn so với những gì tôi nghĩ về nó bởiđã được đầu tư tiền bạc xây dựng hầu như tất cả hạ tầng ở vùng đất thiêng này. Lúc ở Thành Đô bay đi, tất cả hành khách đi Lhasa đều được kiểm tra kỹ lưỡng visa Trung Quốc và giấy phép vào Tây Tạng (Tibet permit) cứ nghĩ thế là xong nhưng không phải. Đi ra khỏi sân bay cũng phải trình kiểm tra nữa và suốt cả chuyến đi, chuyện kiểm tra giấy tờ của du khách là bình thường khi chặng đường nào xe chúng tôi đi cũng gặp những trạm kiểm tra giấy tờ của cảnh sát dựng lên khắp các nẻo đường ở đây.
Lúc đến sân bay, một số người vì lo sợ chuyện thiếu oxy khi lên vùng cao đã mua ngay bình oxy tại sân bay để đề phòng, rồi khi về đến khách sạn mới thấy giá bán bình oxy ở sân bay khá đắt. Vậy nên, mọi người sau này ai muốn mua bình oxy để thở thì về đến trung tâm Lhasa hẳn rồi mua cho rẻ, trừ khi bạn bị sốc độ cao khi vừa bước chân ra khỏi sân bay. Nhưng tôi thấy khó có chuyện đó vì đa số xảy ra vào đêm đầu tiên hay ngày thứ hai chứ không thấy xảy ra ngay lập tức.
Con đường từ sân bay về thành phố Lhasa rất đẹp và hiện đại. Do vừa tới Tây Tạng, không biết rằng những ngày sau đó mình sẽ được đi trên những con đường đẹp hơn thế nhiều lần nên tôi choáng ngợp với con đường đang mở ra trước mắt. Đấy là con đường thật đẹp lúc thẳng tắp, lúc uốn cong, lúc qua sông, lúc qua núi, nó õng ẹo nằm soi mình dưới bầu trời trong xanh đến lạ và xen kẽ bởi những đám mây trời trắng xóa đầy hình thù. Con đường mây trắng ấy đã làm tôi miên man theo nó một cách khờ dại mãi cho đến khi xe dừng lại ở trạm kiểm soát, là nơi bắt đầu vào Lhasa nhộn nhịp tôi mới giật mình tỉnh người ra và biết rằng mình không hề mơ mà đã đặt chân đến Tây Tạng - mảnh đất mà mình luôn mơ ước được đến rồi.
Lhasa mở ra trước mắt với con đường thẳng tắp hiện đại, hai bên đường có những hàng cây xanh dài và đâu đó có những lá cờ của Trung Quốc bay lất phất trong nắng chiều vàng rực. Tôi tự hỏi mình rằng Lhasa là vậy à? Sao hiện đại thế chứ? Toàn xe hơi, xe bus, hàng quán, tiệm buôn, vỉa hè thông thoáng... nhìn cứ như là một thành phố hiện đại nào đó ở xứ Tàu bởi rất nhiều chữ Tàu trên bảng biểu chứ đâu phải như những hình ảnh tôi đã thấy, những miêu tả trong những trang sách tôi đã đọc. Và không vội vã, tôi đã giấu sự hoài nghi đó của mình sâu vào trong tâm, hy vọng rằng mình chắc chắn sẽ tìm thấy một Lhasa thật sự như những gì đã viết trong "Con đường mây trắng", "Mùi hương trầm" hay "Tây Tạng huyền bí"... vào những ngày hôm sau trong chuyến đi.
Thế nhưng tôi không phải chờ đến những ngày hôm sau như tôi đã nghĩ mà ngay trong buổi chiều khi vừa tới ấy, sau khi check in khách sạn mang hành lý lên phòng, tôi không nghỉ như những người bạn trong nhóm do thấy sức khỏe của mình rất bình thường, chẳng có dấu hiệu mệt mỏi gì cả và thế là tôi bắt đầu mang giày, khoác chiếc áo gió mỏng rồi lang thang Lhasa...
Tôi chủ đích không đi xa mà chỉ băng qua vài con phố gần khách sạn Dekang tôi ở, nơi tôi thấy có những ngôi nhà cũ màu trắng, có những ô cửa sổ rất đẹp xem thử thế nào và thế là tôi đã lạc vào khu Barkhor...
Nắng chiều vẫn gắt dù đã hơn 5h rồi, những tia nắng thật vàng chiếu thẳng xuống những ngôi nhà màu sắc như những chiếc hộp với những ô cửa sổ vuông vức trên con phố nhỏ có rất nhiều cửa hàng bán thịt bò yak treo lủng lẳng, bốc mùi mỡ bò nghe rất lạ mà mới ngửi qua lần đầu sẽ khiến bạn khó chịu nhưng rồi sau đó sẽ thấy mùi ấy thật đặc trưng của xứ này... "Đây mới đúng là Lhasa tôi mơ đến", tôi khẽ thốt ra nho nhỏ tự mình nghe và bắt đầu để đôi chân mình tự do nhịp bước đắm chìm trong một thế giới đầy màu sắc của người Tạng ở Barkhor.
Trong mắt tôi, ngoài thánh điện Potala mà ai cũng biết đến khi nói về Tây Tạng thì Barkhor, khu quảng trường của người Tạng còn sót lại ở Lhasa nằm lọt thỏm trong một Lhasa liên tục được người Hán xây dựng mới và hiện đại chính là "linh hồn" của thủ phủ Lhasa. Barkhor không rộng, nó được biết đến như là khu quảng trường hình tròn nơi có đền thiêng Jokhang, là nơi để người Tạng đi theo chiều kim đồng hồ cầu cầu nguyện hàng ngày cùng với xâu chuỗi hạt và maniluan trên tay. Barkhor cũng như những khu phố cổ du lịch khác trên thế giới, có hàng trăm cửa hàng bán hàng lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ với vô số những món hàng độc đáo, cầu kỳ, tỉ mỉ cho khách hành hương chọn mua làm kỷ niệm. Từ xâu chuỗi hạt, vòng đeo tay đến maniluan, tranh mandala, từ loại rẻ tiền đến đắt tiền có đủ. Khó có ai đến đây mà không mua một món đồ lưu niệm nào để mang về bởi không chỉ vì chúng quá tinh xảo, quá đẹp mà còn vì yếu tố tâm linh cũng như sự khó khăn khi đến vùng đất này. Những ngày sau đó, tôi lại có những buổi chiều dài lang thang khắp Barkhor. Tôi lang thang vào những con hẻm nhỏ, nơi có những ngôi nhà cũ kỹ, nhỏ xíu nhưng rất sắc màu với những cánh cửa đỏ, những chậu hoa đủ màu trước hiên hay những dây cờ phướn in kinh Tạng trên đó là biểu tượng may mắn của người Tạng, để nhìn ngắm khung cảnh đời thường ấy, để được gặp gỡ những con người Tạng hiền hậu luôn cười thật hiền và miệng luôn cầu "Om mani padme hum" khi tôi chắp tay chào.
Tôi đi loanh quanh Barkhor mãi mà không thấy chán dù có hơi bực mình rằng phải cởi balô ra để soi qua máy của những viên cảnh sảnh người Hán ở khắp cửa ngõ vào Barkhor cũng như cảm thấy mình như bị theo dõi khi vô số camera được đặt ở khắp các con đường. Thế nhưng cái bực ấy tan biến ngay khi bắt gặp những nụ cười của người Tạng. Hầu hết họ ai cũng có vẻ mặt hiền lành, vô tư nhưng thể hiện đâu đó sự cam chịu. Dù Lhasa hiện đại lên từng ngày nhưng họ vẫn cứ tay cầm chuỗi hạt, tay mang maniluan mà cầu nguyện hàng ngày.
Tôi dành hơn một buổi để đi thánh điện Potala. Potala nằm trên ngọn Hồng đồi cao hơn thành phố Lhasa 300m và là trái tim của Lhasa, là nơi có view đẹp ngắm nhìn được tất cả vùng Lhasa. Hồng đồi (Red Hill) này là ngọn đồi được tin là tượng trưng cho Quán Thế Âm Bồ Tát, là một trong 3 ngọn đồi thiêng của thủ đô Lhasa (Hai ngọn đồi còn lại là đồi Chokpori tượng trưng cho Kim Cương Thủ Bồ Tát và đồi Pongwari tượng trưng cho Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát). Hàng ngày có vô số du khách đến đây để tham quan và phải đi theo một chiều trật tự, phải tuân thủ theo bảng chỉ dẫn lối đi, chụp hình cũng phải biết khi nào được chụp, khi nào không chứ không có chuyện chụp loạn xạ, rồi không được mang chất lỏng khi qua cổng soi X-ray... Nói chung, chính quyền sở tại ở Tây Tạng có rất nhiều luật lệ nghiêm ngặt cũng như việc chưa bao giờ tôi thấy thành phố nào mà có nhiều trạm cảnh sát khắp nơi như ở Lhasa.
Potala được sơn hai màu son đỏ và màu trắng. Theo người Tạng, màu đỏ ấy là tượng trưng cho sự quyền lực và màu trắng của đất sét trắng đó chính là biểu tượng của hòa bình. Hai màu sơn này không những được sơn ở Potala mà ở hầu hết các tu viện khác cũng vậy. Những ngày sau đó tôi đi thăm các tu viện khác ở gần Lhasa hay xa hơn cũng để ý thấy đa số cũng sơn hai màu này.
Về đêm, Potala được chiếu đèn rất đẹp. Nhằm thu hút du khách, người ta cho xây dựng một pointview (điểm quan sát) để du khách lên ngắm Potala về đêm cũng như có chỗ để chụp hình với mức phí 2 tệ/người. Potala ban ngày đã đẹp, ban đêm lại càng đẹp hơn khi những ánh đèn chiếu vào làm sáng rực lên một góc trời. Khu vực quảng trường phía trước Potala cũng ngập du khách chứ hiếm thấy người Tạng đi dạo, chỉ có những người chạy xe đạp kéo chở du khách giống như kiểu xe lôi ở miền Tây xứ mình với mức giá phổ biến chừng 20 tệ/lượt cho hai người đi.
Ở Lhasa mấy ngày để lang thang quanh quẩn và đi những tu viện khác gần đó rồi tôi cùng những người bạn của mình chào tạm biệt Lhasa. Chúng tôi không quay về Lhasa để bay về lại mà đi đến biên giới với Nepal để qua Nepal du hí tiếp. Lúc rời Lhasa do háo hức với những nơi mình sẽ đi sau đó nên chẳng thấy nhớ nhung chút nào, ấy vậy mà khi xa rồi ngồi nghĩ lại thì lòng bỗng nhớ Lhasa quá đỗi. Nhớ những con hẻm nhỏ nơi ấy, nhớ những con đường lát đá với những ngôi nhà đậm nét Tây Tạng đầy màu sắc, nhớ những hàng quán cỏn con trong mấy con hẻm tôi đã ghé qua... Rồi nhớ tiếng bước chân của người Tạng đi cầu nguyện giữa cái nắng chiều gay gắt, nhớ tiếng quay kẻo kẹt của vòng quay maniluan ở chân Potala và khu đền Jokhang thật nhiều. Nhắm mắt lại, giờ tôi vẫn hình dung ra một mùi trầm nhang nghi ngút khói thơm giữa quảng trường Barkhor những chiều thu hôm ấy, vẫn hình dung ra tiệm mỳ của người Tạng cả nhóm tụm lại ngồi ăn, uống trà sữa chung với những phụ nữ Tạng thật hiền hậu dễ thương, hình dung ra cảnh cả nhóm đi xe lôi ra Potala trong cái lạnh thấu xương khi màn đêm buông xuống... Quay lại, chắc chắn tôi sẽ quay lại với mảnh đất đầy huyền bí linh thiêng này ít nhất là một lần nữa trong đời...
Xem thêm kinh nghiệm đi Tây Tạng |
Xem thêm những hình ảnh ở Tây Tạng huyền bí |
Thiện Nguyễn