Họ cạo trọc đầu, để râu, đi CD để thể hiện nam tính và gia nhập hiệp hội riêng, có slogan rõ ràng: "Ride To Tell!" (nôm na là "giao lưu trên ngựa sắt").
Dọc đường gió bụi xuyên Việt. |
Tay chơi thành đạt
Dân Hà Nội cũng có thú chơi CD cổ, nhưng giới trẻ Sài Gòn mới thực sự ưa chuộng CD. Một CLB CD Sài Gòn được thành lập từ năm 2004. Dân CD không đụng hàng ai, vì mỗi người một kiểu. Có người mua xác xe về "độ" (chỉnh trang) nguyên trạng, có người thiết kế cho thật độc, hoặc cải lùi đời càng cũ càng xịn. Lại hạ thấp niềng xe từ 17 inch còn 16 inch cho có độ đằm, xi lại lốc máy.
Phụ tùng phải săn lùng vất vả ở những tỉnh xa, trong những đống đồng nát, hoặc đặt hàng từ nước ngoài về, vì là hàng cũ, không mấy nơi chính hãng (Honda) còn sản xuất nữa.
Chỉ cần nhìn con xe đen bóng của Thụy, anh đã có thể vui vẻ bắt chuyện. Bởi nguyên tắc của dân CD khá đơn giản: Cùng đam mê, cùng chia sẻ. "Thử nhìn chiếc xe mà xem, nam tính quá chứ! Tiếng xe CD đằm và ấm hơn xe Honda 67. Tôi mê CD từ mấy năm rồi, ở nhà có chiếc màu đỏ, được gắn các bình cứu hỏa phía sau. Đây là chiếc của anh bạn thân. Anh ấy phải gửi mua đồ độc từ nước ngoài về, thay đổi sao cho giống chiếc BMW. Dòng xe BMW bây giờ hiếm lắm, có khi bỏ ra hơn 20.000 USD cũng chưa chắc đã mua được".
Thụy là thành viên của SaiGon CD Club (SCDC), chiếc xe anh mượn của anh Đạt trông trùi trũi, phóng khoáng, ngang tàng, đầu to đít tóp. Lại thêm cái biển số cách điệu theo kiểu "lưỡi hái tử thần" trông rất ngộ. Chủ nhân chiếc xe này đã phải bỏ ra gần 70 triệu đồng - một con số kỷ lục đối với dân chơi CD - để mua xe, tu sửa và chỉnh máy chạy cực tốt.
Hỏi ra càng kinh ngạc hơn. Thuộc thế hệ 8X, Hồ Minh Thụy đang là giám đốc điều hành Công ty truyền thông VTH, giám đốc tổ chức sự kiện của Công ty truyền thông Quan Việt, chủ quán Hội quán ở Nhà văn hoá Thanh niên. Anh cười tít cả mắt: "Mở hội quán là để đón anh em trong CLB ghé chơi (trưa nào cũng có vài chục người đến ăn trưa và đàm đạo về CD). Bọn tôi vẫn thường tổ chức các bữa cơm từ thiện cho 100-200 trẻ nghèo tại đây, giúp trẻ ở mái ấm Củ Chi hay Long Khánh, Long Thành...".
Đã là dân chơi CD thì gặp nhau y như người thân. Các thành viên SCDC thường tổ chức du lịch bụi, đi xuyên Việt, cùng hiến máu nhân đạo, cùng ký tên vì công lý... Đi đâu cũng có hội có thuyền. Dân CD rất bụi bặm. Họ thường là dân truyền thông, quảng cáo, thiết kế, kiến trúc sư, nhạc sĩ, hoạ sĩ... trái ngược với dân đi xe scooter (xe tay ga).
Câu lạc bộ Sài Gòn CD. |
"Vợ cả" hay "vợ hai"?
Một chiếc CD săn lùng mua không dễ, giá từ 25-30 triệu đồng, sửa lại theo đời cũ. Dòng 1997 là dòng cuối. Cổ nhất là CD đời 1976. Nhưng cũng có những chiếc hàng độc đắt không thua Spacy. Có nhiều người chuyển từ xe Vespa, Mobilette sang chơi CD, vì họ chê tốc độ hai loại xe kia quá chậm, hoặc "thời trang", chảnh choẹ, nữ tính quá. Trong khi anh CD mạnh mẽ, đàn ông, kiểu dáng rất bốc. Cấu trúc của chiếc CD 125 phân khối cũng rất bền, chạy đường dài vẫn ngon, với 2 động cơ thay phiên. (Loại CD 200 phân khối hiện rất hiếm). Người ta vẫn gọi CD là "vợ" của mình; nếu ai đã có vợ rồi thì chiếc xe sẽ là "vợ hai".
Có cả một thế hệ như Thụy, những chàng trai khá thành đạt, làm một lúc vài công ty, có đủ tiền mua ôtô, nhưng lại chịu chơi với CD mà thôi. Họ tuyên bố quan niệm của mình rất thẳng thừng: Chơi xe không kiểu cách, miễn gần gũi, nam tính. Những ai chơi CD dường như muốn chống lại xu thế nữ hoá của những anh chàng chuyên cưỡi mấy chiếc xe dành cho đàn bà. Như một khách nước ngoài từng ngạc nhiên thốt lên: "Ở VN, tôi thấy 95% đàn ông đi xe của phụ nữ! Thật là lạ. Không thấy đa số đàn ông đi xe phân khối lớn".
Chiếc xe cũng giống như chủ nhân, có thể lăn lóc bụi trần, đi đường rừng, lội suối, đi xuyên Việt, đi đến tận những vùng xa, rừng sâu mà các nhà từ thiện chưa tới được, để giúp người nghèo. Dân CD trích quỹ từ các vụ mua bán xe để làm việc thiện.
Đi CD là thể hiện cái tôi cá tính, cái tôi nghệ sĩ, biết kết nối với cộng đồng. Dân CD sành điệu còn sắm thêm thiết bị GPS (thiết bị định vị toàn cầu giá từ 300-400 USD) để khi đi đường rừng không bị lạc. Mặc đồ quân đội nhiều túi hộp. Vừa rồi, cả nhóm của Thụy đưa xe cổ ra Hội An diễu hành nhân Festival Hội ngộ các di sản Đông Dương.
Ngoài các chàng trai, còn có cả những mỹ nhân cũng mê CD như điếu đổ. Cô Lâm Phạm Bảo Khuyên - thế hệ 7X chuyên về truyền thông, quảng cáo, lồng tiếng cho phim - cũng sắm một chiếc CD đời 92. Các nghệ sĩ như Công Ninh cũng tậu chiếc CD 39 triệu đồng, chỉnh trang lại ngốn thêm 7 triệu, mới ra con xe ưng ý. Hiện nay, ở Sài Gòn có khoảng trên 100 chiếc CD. "Cũng có cái lạ là bọn tôi dựng ngang tàng ở đâu thì cũng không sợ bị mất xe. Chỉ thi thoảng mất phụ tùng. Mà mất đâu tốn đó. Mỗi cái gương thôi đã phải bỏ ra 300 ngàn đồng sắm lại".
Dân đi CD tham gia dã ngoại xuyên Việt. |
Kết nối nhờ ngựa sắt
"Chiếc xe đã thay đổi động cơ sống của tôi. Đi Vespa gây ô nhiễm vì xả khói, khi chuyển sang CD tôi mới thấy có chiếc xe hợp với tính cách của mình. Nhưng quan trọng nhất là khi gia nhập CLB, tôi có nhiều bạn mới, cùng chia sẻ mục đích sống. Càng quen nhiều, càng thấy dân CD bây giờ nhiều người giỏi lắm, có trình độ, có hiểu biết, nhất là thế hệ trẻ. Dân chơi CD sống lành mạnh, vì ngoài công việc, họ bỏ thời gian chăm sóc xe, đi làm từ thiện, đi du lịch xuyên Việt. Chiếc xe "ăn" hết tiền rồi, còn đâu mà nghiện ngập hay chích choác...", anh Lê Hoàng Đạt, tay chơi xe đạp cổ, Vespa cổ, giờ đến CD đời 92 nói.
Với Nguyễn Nhật Vũ, một nhà thiết kế nữ trang từng giành suất học bổng ở Italy về, chiếc xe là người bạn thực sự. Nhờ chiếc xe, anh gặp nhiều người bạn tốt, cùng đam mê như mình, cùng hợp tác làm ăn. Hiện Vũ mở công ty riêng ở quận 5.
Tương tự, chàng kiến trúc sư Vân cưỡi lên chiếc CD của mình khi phải đi đến các công trình ở vùng xa, địa thế hiểm trở, tự hào cho rằng đi loại xe này vừa bền, vừa tiết kiệm. Vân nói: "Đây là loại xe thịnh hành ở Nhật thời trước, dùng để đưa thư, chở hàng. Giới trẻ Nhật thì không khoái loại này như giới trẻ VN. Người Việt khoái chạy CD chỉ bốn năm trở lại đây thôi. Chạy loại xe này thấy tính tình mình hình như cũng đằm lại".
Dân chơi CD hai miền cũng khăng khít gắn bó với nhau. Để ráp được một chiếc CD ưng ý, tay rocker kiêm kiến trúc sư Hoàng Nghĩa ở Hà Nội đã phải mời anh em Sài Gòn trong CLB ráp giúp. Đi xuyên Việt, hễ xe hư có thể gọi ngay cho chuyên gia CD - Tuấn Eccentic, người có thể sửa xe qua... điện thoại vì quá rành các "căn bệnh" của CD. Giàu nhất hiện nay về số lượng xe CD là anh Bản, 30 cái. Vừa đi lùng hàng ở các tỉnh, ở Campuchia, anh vừa đem về chỉnh trang và nhượng lại cho những ai yêu thích "hoàng tử đen" với giá vừa đủ lời.
Khi tiếp xúc với những người mê xe máy cổ CD, có người cho rằng dường như đang hình thành một thế hệ hippy mới chống lại trào lưu ưa chuộng những tiện nghi thời trang, đưa chiếc xe trở về mục đích tiện dụng và giữ mối quan hệ tích cực với cộng đồng. Sống thực chất, không màu mè, chan hoà, thân ái cũng là phương châm của các tay chơi ưa trung thực này.
(Theo Lao Động Cuối Tuần)