Mười ngày sau khi có quyết định tăng giá xăng dầu của Nhà nước, các hãng taxi bắt đầu họp bàn và thống nhất cùng nhau tăng giá cước. Họ lý giải là trong quý I/2004, giá xăng đã được điều chỉnh tăng lên nhưng các hãng taxi đã không tăng giá cước, lần này là giá xăng tăng cao quá nhiều nên các hãng taxi không chịu nổi, buộc phải tăng giá giá cước. Đây là chuyện bình thường vì chi phí tiền xăng chiếm phần lớn trong giá thành vận chuyển taxi.
Tuy nhiên, các hãng taxi đã tăng cước không bình thường, “đánh lừa” người tiêu dùng. Đa số khách hàng đi taxi không để ý hay so kè giữa giá cước cũ và mới vì họ cảm thấy có vẻ hợp lý khi tài xế nói rằng giá xăng tăng 1.000 đồng/lít nên taxi buộc phải tăng cước thêm 1.000 đồng/km để khỏi bị lỗ và lãi chút ít. Giá cước cũ trước đây là 5.000 - 6.000 đồng/km, tùy theo loại taxi “xịn” hay “tàng tàng”, tùy theo xe của công ty, HTX hay xe taxi dù, nay tăng lên 6.000 - 7.000 đồng/km, từ cây số thứ 25 hoặc 30 km, giá cước là 4.000 đồng/km. Theo một số tài xế taxi, số người đi taxi vượt quá 25 km/lần chỉ chiếm khoảng gần 8%, đa số khách hàng đi cự ly khoảng 20 km/lần.
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đưa ra một con tính đơn giản, cho thấy khách hàng đi taxi bị “móc túi” bao nhiêu tiền khi giá cước tăng thêm 1.000 đồng/km: trung bình taxi chạy 100 km tiêu hao hết 10 lít xăng (loại xe mới có dung tích động cơ nhỏ tiêu hao chỉ có 7-8 lít cho 100 km), chạy 20 km hết 2 lít xăng. Nếu một khách hàng đi taxi đoạn đường dài 20 km, theo giá cước mới thì phải trả thêm 20.000 đồng trong khi chi phí tiền xăng tăng thêm chỉ có 2.000 đồng, các hãng taxi đã “trấn lột” của người đi xe 18.000 đồng, gấp 9 lần chi phí tiền xăng tăng thêm. Nếu một nhân viên công ty thường xuyên phải đi taxi đến ngân hàng để gửi và rút tiền mặt (do phải bảo đảm an toàn số lượng tiền mang theo) 10 lần/tháng, cự ly 20 km/lần thì tổng tiền cước taxi lên tới l,4 triệu đồng/tháng, trong đó có 180.000 đồng đã bị taxi móc túi.
Các hãng taxi còn có nhiều cách kinh doanh kiểu “mù mờ” để tăng lợi nhuận như: không niêm yết giá công khai bên ngoài thành xe hoặc bên trong xe (duy nhất chỉ có taxi của Công ty Mai Linh là có ghi rõ giá cước bên ngoài thành xe). Khi đã lên xe rồi, rất ít khách hàng hỏi giá cước, khi trả tiền thấy giá cước cao hơn xe khác thì đã muộn, khách hàng bắt buộc phải trả tiền cho tài xế. Hầu hết các xe taxi đều cậy con số ghi dung tích phân khối động cơ ở đuôi xe, chẳng hạn như số 0.8 dung tích động cơ chỉ có 800 phân khối), 1.3 (1.300 phân khối), 1.6 (1.600 phân khối)... Một số taxi cũ “mông má” lại các HTX, ngoài cậy số ghi dung tích, còn cậy luôn cả nhãn hiệu xe như nhãn Kia Pride (xe cũ giá chỉ có vài chục triệu đồng/xe) để người tiêu dùng không biết là loại xe gì, phân khối bao nhiêu, xe mắc tiền hay xe “giá bèo”. Thông thường cùng một dòng ô tô du lịch những xe có dung tích động cơ lớn hơn có giá bán cao hơn nhiều các xe có dung tích động cơ thấp hơn và tiêu hao xăng cũng cao hơn nhiều. Do đó, các hãng taxi đều đặt hàng các hãng sản xuất ô tô thiết kế xe có dung tích động cơ thấp (thường chỉ có 1.300 phân khối) để tiết kiệm xăng và không ghi số dung tích ở đuôi xe, nhưng vỏ ngoài và nội thất của xe giống y chang xe cùng năm sản xuất, cùng nhãn hiệu nhưng có động cơ 2.000 phân khối. Điều này sẽ làm cho người đi taxi tin tưởng là mình đang ngồi trên ô tô loại sang trọng. Những taxi cũ thường sử dụng xăng loại rẻ tiền hơn xăng Mogas 92. Ngoài chuyện một số taxi sử dụng đồng hồ đo km gian lận, khá nhiều taxi thường chạy đường vòng để kiếm thêm tiền của khách hàng, nhất là những khách hàng vãng lai ở các tỉnh khác đến TP HCM thường không thuộc đường. Một đoạn đường taxi đi tắt chỉ hết 5 km nhưng họ chạy vòng vèo có thể lên đến 15 km. Nếu có khách hàng nào biết đường thì tài xế chống chế là phía trước bị kẹt xe, sửa đường, cấm đường để đón khách VIP... và rồi cuối cùng khách đi xe phải “cắn răng” mà trả tiền.