Mô hình taxi bay. |
Ý tưởng của Avcen không hề mới. Ngày 17/11/1947 người Mỹ đã cho ra mắt chiếc máy nhẹ đầu tiên có vỏ bằng sợi thủy tinh và keo vô cơ. Chiếc Convaircar, sản phẩm của Công ty Consolidated Vultee Aircraft với tính năng được coi là chiếc ô tô bay đầu tiên trong lịch sử kỹ thuật hàng không, đã cắm đầu xuống sa mạc California sau đó ít hôm.
Đầu những năm 1960, khi máy bay phản lực lên xuống thẳng đứng ra đời, độ ồn của nó không cho phép sử dụng gần khu dân cư. Tuy vậy, Lầu Năm Góc ngày ấy đã chấp thuận một kế hoạch 5 năm để đặt nền móng kỹ thuật cho ô tô bay, hoạch này về sau Boeing kế tục và một số thử nghiệm vẫn đang được tiến hành tiếp - không giải pháp nào đủ chín về giá trị thương mại. “Nếu ai đó pha trộn ô tô với máy bay thì sẽ được một sản phẩm với mọi thứ bất cập của cả hai ngành, kết quả là ra đời một phương tiện giao thông nặng nề, chậm chạp, đắt tiền đã thế lại còn khó điều khiển”, kỹ sư Mars Moore của NASA kết luận.
Jetpod P-200, cứu tinh của những thành phố lớn tắc nghẹt xe cộ? |
Từ nhiều năm nay, để tránh tiếng ồn và nguy cơ tai nạn, người ta di chuyển hoặc quy hoạch mới các sân bay lớn ra xa thành phố. London Stansted, Barcelona Gerona, Berlin Schoenefeld... là tên những phi trường mà khi đến đó hoặc từ đó đi hành khách không có sự lựa chọn nào khác ngoài phương tiện giao thông công cộng hay taxi và hệ quả là mọi sự vui sướng được hưởng trên ghế máy bay sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi bực bội vì nghẽn đường, muộn giờ...
Một trong những sáng kiến gần đây nhất của các thành phố lớn là P&R (Park and Ride) ép người ngoại tỉnh đánh xe vào những bãi đỗ ở ngoại vi rồi đi xe công cộng (nhiều khi miễn phí) tới trung tâm. Bay trên không vẫn là nhanh (và đỡ tắc đường) nhất, song lấy đâu ra phương tiện và diện tích làm sân bay giữa biển người như vậy?
Năm 1989, Mike Darce cho ra đời một công ty dịch vụ mang tên Avcen, đối tượng khách chủ yếu là các chính khách hay doanh nhân với quỹ dịch chuyển không được eo hẹp lắm, vì phương tiện phục vụ là máy bay trực thăng và phi cơ nhẹ để nhanh chóng khắc phục khoảng cách cùng tình trạng đường sá chật chội của nội thành London. Nhược điểm là ngoài giá cao, trực thăng gây tiếng ồn khó chịu và máy bay nhẹ cũng cần một đường băng dài mà giá đất ở London thì nằm ngoài phạm vi của mọi suy tính thông thường.
Với con bài mới, taxi bay Jetpod do chính Avcen thiết kế, tình hình sẽ đổi khác về cơ bản. Phương châm của Mike Darce được tóm gọn trong nhóm chữ tắt VQ-STOL (Very Quiet Schort Take Off and Landing) nghĩa là taxi bay của Avcen sẽ không gây tiếng động lớn, sử dụng đường băng rất ngắn để cất cánh, hạ cánh. Động cơ của Jetpod gồm 2 turbin đặc dụng gắn phía trên tầng cánh và hoạt động nhẹ nhàng. Chưa hoàn tất các chuyến bay thử nghiệm, dự án Jetpod đã nhận được đơn đặt hàng của hội hồng thập tự, cảnh sát cứu hỏa và thậm chí của bên quân sự và nhiều cá nhân. Với bán kính hoạt động tới 480 km, đồng thời rất năng động và kinh tế, Jetpod là một giải pháp kỹ thuật đầy hứa hẹn đáng nể.
“Jetpod sẽ là một hình thức P&R hiện đại", Mike Darce trả lời phỏng vấn trên đài BBC. Địa điểm xuất phát vẫn là các sân bay lớn, taxi chỉ đợi cho đủ người là xuất phát. Mỗi chiếc taxi có thể cất cánh 50 chuyến hằng ngày, 50 km vào nội thành sẽ chỉ mất có 4 phút và giá vận chuyển 60-80 euro mỗi vé hoàn toàn có thể cạnh tranh được với taxi thường. Đường băng 125 m cũng có thể tạo dựng được ở khắp nơi và khi cần Jetpod có thể dùng đường phố làm nơi lên xuống. Để thay thế xe cấp cứu hay chở cảnh sát cứu hỏa, người ta sẽ khẩn trương chắn một đoạn phố để Jetpod hoạt động. Theo dự kiến của Avcen, giải pháp mang tính cách mạng này sẽ thay đổi bộ mặt của giao thông nội đô ở các đô thị đông đúc. New York, Tokyo, Berlin... có thể xây hàng chục phi trường mini cho Jetpod, tùy trường hợp có thể đặt sát các bệnh viện cấp cứu để bảo đảm thời gian tính.
Avcen không chỉ nghĩ đến khía cạnh kinh tế. Thực trạng môi sinh ở các điểm đến tương lai buộc các nhà thiết kế phải tìm ra giải pháp thân thiện với môi trường. Bay ở độ cao khoảng 200-250 m, Jetpod sẽ không vượt quá độ ồn của phố xá bên dưới.
Theo Thể Thao Văn Hoá, Jetpod đầu tiên sẽ là mô hình T-100, bảo đảm những nhu cầu tối thiểu của một taxi nhưng với giá bình dân. Sau đó sẽ nối tiếp mẫu P-200, một dạng dịch vụ chất lượng cao với ít chỗ ngồi hơn. Các cấu trúc đặc dụng (cảnh sát, y tế, tư nhân) sẽ do bên đặt hàng quyết định. Nhiều tư nhân đã hỏi mua, sau khi biết giá mỗi Jetpod chỉ khoảng 750.000 euro. Avcen đang cùng ĐH Tổng hợp London thử nghiệm các chất nhân tạo mới để làm cho vỏ Jetpod nhẹ hơn.
Từ năm 2010 trở đi, taxi bay sẽ thành chuyện thường nhật ở các đô thị lớn.