Để làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn thảm khốc này, luật sư (LS) Tôn Nữ Thu Hà và LS Vĩnh Thái, bào chữa cho hai bị cáo Bùi Thái Sơn và Hà Minh Tâm, cùng đại diện của những nạn nhân đã yêu cầu tòa trưng chiếc lưỡi móc đầu đấm nối giữa hai toa số 3 và toa số 4 bị đứt gãy trong vụ tai nạn.
Lý do, chiếc lưỡi móc đầu đấm này sau khi giám định, Viện khoa học hình sự Bộ Công an chỉ kết luận: "Vết đứt gãy trên phần lưỡi móc đầu đấm thu tại toa xe số 31555 đoàn tàu E1 bị tai nạn ngày 12/3/2005 có điểm gãy do quá tải, phù hợp với hậu quả vụ tai nạn", chứ không nói rõ nó có bảo đảm chất lượng an toàn cho việc chạy tàu hay không.
Sau khi hiện vật đã được trưng trước tòa, trả lời chủ tọa về vết hàn trên chiếc lưỡi móc đầu đấm, ông Trần Đức Giao (Tổng GĐ Công ty vận tải hành khách Hà Nội, đại diện ngành đường sắt) thừa nhận có vết hàn trong quá trình sửa chữa.
Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Xí nghiệp sửa chữa toa xe Hà Nội, cho biết, tàu E1 mang số hiệu D19E909, đã đưa vào sửa chữa ngày 30/8/2004, đến ngày 11/9/2004 sửa chữa xong và đưa vào vận hành khai thác. Trong quá trình sửa chữa, chiếc lưỡi móc đầu đấm đã bị bào mòn và được hàn lại để gia cố. Và việc hàn ở chiếc lưỡi móc này đã được cho phép trong quy định về sửa chữa nhỏ của ngành đường sắt.
LS Tôn Nữ Thu Hà yêu cầu thư ký phiên tòa ghi chi tiết này vào biên bản và yêu cầu ngành đường sắt cung cấp hồ sơ chứng minh xuất xứ của chiếc lưỡi móc nắm đấm này. Ông Trần Đức Giao đã cung cấp một số hồ sơ nhập khẩu của Công ty xuất nhập khẩu cung ứng vật tư đường sắt về lô hàng lưỡi móc đầu đấm được sản xuất từ Trung Quốc, năm 1999 và một bản thiết kế hoàn toàn không có cơ quan nào thẩm định, ngoài con dấu của Liên hiệp đường sắt Việt Nam. Và trong khi chiếc lưỡi đầu đấm bị đứt gãy trưng tại tòa được xác định nối giữa toa số 3 và 4 thì trong chứng nhận chất lượng sản phẩm của Trung Quốc lại ghi đầu đấm toa xe số 2.
Trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa và LS, cả ông Trần Đức Giao lẫn ông Nguyễn Văn Huyên đều cho biết sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc. Thế nhưng, khi tiếp cận hồ sơ kiểm định sau khi sửa chữa và đưa vào vận hành của Cục Đăng kiểm VN, LS Vĩnh Thái đã phát hiện trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật toa xe của Cục đăng kiểm VN lại ghi lưỡi móc đầu đấm là của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, phiếu chất lượng đo vết nứt chi tiết phụ tùng toa xe, phần lưỡi móc đầu đấm không có chữ ký của giám định viên. Trả lời những thắc mắc này, ông Huyên lúng túng và nại rằng đây là vấn đề "chuyên môn" mà LS chưa hiểu. Những biểu hiện thiếu minh bạch này cùng với hồ sơ không trùng khớp liên quan đến chiếc lưỡi móc đầu đấm cho thấy ngành đường sắt tiếp tục có khuất tất trong việc xác định nguyên nhân của vụ tai nạn.
Liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, anh Nguyễn Đức Hải, chú rể trong gia đình gồm 14 người vào Đà Nẵng để tổ chức đám cưới, trên chuyến tàu E1 bị nạn (có 4 người chết và 6 người bị thương) đã bức xúc: "Tôi không chấp nhận cách giải quyết hậu quả của ngành đường sắt. Từ khi vụ tai nạn xảy ra, ngoài tiền chi trả bồi thường của bảo hiểm, tôi chưa ký nhận bất kỳ khoản tiền nào của ngành đường sắt, các khoản thăm viếng tại bệnh viện là tấm lòng của các nhà hảo tâm, tại sao ngành đường sắt lại kê thành tiền bồi thường thiệt hại cho chúng tôi. Vấn đề này nếu không giải quyết rõ ràng, tôi sẽ kháng cáo lên TAND tối cao và kiện ra Quốc hội".
Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh, nạn nhân sống tại Huế cũng cho biết, ngoài tiền bảo hiểm chi trả và các khoản thăm viếng, chị chưa nhận bất kỳ khoản bồi thường nào của ngành đường sắt, tại sao lại kê đã bồi thường cho chị hơn 3 triệu đồng?
Hôm nay 29/4, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.
(Theo Thanh Niên)