Nhà Hoàn (Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An) là một căn nhà ngói hai gian nằm lọt giữa một bên là đập nước và một bên là con đường cao hơn nền nhà. Chỉ có Liên, vợ Hòan (14 tuổi) ở nhà. Thằng con gần 2 tuổi gửi ông bà nội còn Hoàn (22 tuổi) đang đi cất cá. Căn nhà nhỏ không nhiều đồ đạc là mấy song nó cũng chẳng gọn gàng gì trong bàn tay của người vợ trẻ còn nằm trong độ tuổi U20.
Cô rót nước mời vội khách rồi chạy vọt ra ngoài đuổi đàn lợn con đang hoại vườn rau. Nhìn khuôn mặt sạm đen, cánh áo đã sờn nhăn và rách một bên hông cùng với cái quần dính đầy nhọ nồi, mủ chuối, ít ai nghĩ rằng người thiếu phụ ấy mới chỉ 19 tuổi... "Em học hết lớp 5 là bỏ. Ở nhà ăn tốn cơm cha mẹ chi bằng lấy chồng. Với lại ở quê em con gái bước sang tuổi "hâm" (qua tuổi 20) là coi như "ôi" (ế) rồi, nên ai cũng lo".
Cô vừa cười vừa nói. Ngồi nghe cô kể chuyện, được biết chú em chồng sinh năm 1984 cũng vừa cưới vợ, cô vợ sinh năm 1988. Như để khẳng định lời nói của mình là đúng 100%, cô lật đật đứng dậy lấy bút ghi địa chỉ của chú em tên Biển.
Nhà cậu Biển ở cuối xóm Bàu, cửa khép hờ, trước nhà là một lũ con nít đang chơi ô quan. Một cô gái lớn nhất hội vội đứng dậy hỏi "Anh chị tìm ai?". "Chúng tôi tìm nhà cậu Biển". "Dạ, nhà đây ạ, mời anh chị vào nhà chơi".
Sau một hồi ngồi nói chuyện, khách mới ngẩn người ra khi được cô giới thiệu: "Em là vợ của anh Biển". "Sớm gì nữa hả chị, quê em thế là muộn ấy. Con gái chỉ học cho biết chữ thôi chứ học mần chi nhiều. Qua tuổi 20 mà chưa lấy là coi như ở "cồi" (ế). Làng em chẳng có ai đi học như bọn chị cả, may ra thì đến lớp 9 là bỏ. Ngồi nghe cô kể chuyện, chốc chốc lại tung viên sỏi lên hạ xuống mà thấy thương cho cái tuổi xuân thì của cô.
Quả thật, ở cái xã này số lượng con em đậu vào các trường ĐH, CĐ khá nhiều, thành danh cũng nhiều nhưng lời ru "'sớm" cũng không phải là hiếm, thậm chí ngày càng nhiều. Mỗi năm có đến vài chục cặp ở độ tuổi U20 đi đăng ký kết hôn. "Son phấn có thời, không làm được gì nên hồn thì cũng kiếm lấy tấm chồng không chết già à", Huyền bộc bạch. Không phải chỉ mình Huyền mà hầu như đó cũng là lời tâm sự của các cô gái trước khi bước lên xe hoa.
Từ nhà Biển trở về, tôi chợt nghe giọng ru trẻ đang cất lên. Lúc đầu là tiếng ru bằng giọng à ơi, nhưng sau đó cô chuyển sang hát nhạc vàng rồi đến nhạc trẻ. Ru khản cả tiếng mà đứa trẻ vẫn khóc. "Con cho nó bú đi, nó đói rồi". Bà mẹ già đứng ngoài vườn nói vọng vào.
Dường như một bà mẹ chồng nuôi gia đình trẻ con trong nhà không còn là chuyện hiếm ở các làng quê. Nhiều cô gái về làm dâu còn phải "chửi" vì cái tội mải chơi và ngủ nướng. Tuy vậy cũng không hẳn cô gái nào cũng không biết chăm lo cho gia đình. Huệ lấy chồng ở cái tuổi non 18. Thời kỳ cô có mang cũng là lúc mẹ chồng ốm nặng. Trong nhà chỉ có ông bố già, vợ chồng cô và người chị từ khi lọt lòng chỉ biết ngồi một chỗ. Thế là mọi việc trong gia đình đều dồn vào tay cô.
Nhiều đêm xoa bóp cho mẹ chồng mệt quá cô cứ ngủ gà ngủ gật. "Nhìn thấy nó tui thương quá, tui đành gọi điện cho con chị đang làm thuê ở trong Nam về chăm sóc cho mẹ để nó dưỡng sức chuẩn bị cho đứa bé ra đời". Bố chồng Huệ tâm sự. Hầu như những cô gái trước khi lấy chồng đều có một suy nghĩ đơn giản: "Đâu cũng là nhà... Lấy rồi hãy hay...". Vì thế, có những người thêm tuổi để đi đăng ký, có người kết hôn đã rồi đăng ký sau.
Khi mọi việc đã đâu vào đấy, họ mới thấy mọi việc không như mình tưởng. "Cái gì cũng phải làm. Chiều chiều muốn đạp xe nhà bạn chơi mà cũng không có thời gian. Chưa lấy chồng thì lo ế, lấy rồi lại muốn về nhà mẹ đẻ mà ăn chơi cho khỏi phí tuổi xuân", Lợi tâm sự. Đó cũng là tâm trạng chung của các cô gái sau khi lấy chồng. Tuy vậy xu hướng lấy chồng sớm cũng không giảm đi khi những cái "sợ" vẫn còn cố hữu...
Bây giờ, việc lấy chồng sớm không còn là chuyện lạ ở thôn quê. Có khi đó còn là vấn đề được cho là cần thiết. Nó không chỉ nằm ở khuôn mặt ngây thơ của những cô gái mới lớn mà còn là vấn đề của các ông bố bà mẹ. "Đi làm thuê cũng khổ mà ở với mình cũng lo ế. Chi bằng cho nó lấy chồng, không gì cũng còn gần cha mẹ. Luật pháp có lên tiếng phản đối thì sự đã rồi cũng phải chịu", một ông bố nói.
(Theo Phụ Nữ VN)