Tăng Tuấn không phải mẫu người sôi nổi, đàn đúm. Anh tự quyết định cuộc sống của mình theo cái cách riêng. Điển hình nhất như việc Tăng Tuấn dành dụm tiền và lặng lẽ mua nhà ở Đà Nẵng. Anh thích sự bình an và một cuộc sống không quá bon chen. Chính thế mà nhiều đồng đội có tiền chọn mua nhà ở TP HCM hay Hà Nội thì Tăng Tuấn lại tìm đến Đà Nẵng. Anh đã chọn sẵn cho mình một môi trường sống, cung cách sống bình dị.
Tuy nhiên, điều anh còn thiếu sau rất nhiều nỗ lực cống hiến đó là sự thừa nhận. Không ít tiền đạo lên ngôi Vua phá lưới hoặc giành danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc ở các giải trẻ nhưng khi lên V-League thì chìm nghỉm. Điển hình như chân sút một thời nổi đình nổi đám Phan Thanh Hoàn của SLNA. Thế nhưng, Tăng Tuấn chắc chắn sẽ không nằm trong số những cái tên chấp nhận sự tụt lùi ấy. Vua phá lưới vòng chung kết U21 năm 2006 Tăng Tuấn vẫn đang có sự thăng tiến đều đặn và ổn định. Anh muốn được mọi người ghi nhận về điều ấy.
Nếu như ở V-League 2011, Tăng Tuấn ghi được 8 bàn thắng, xếp thứ 4 trong danh sách những chân sút nội hàng đầu ở V-League (sau Công Vinh, Đình Tùng, Văn Quyết) thì năm nay Tăng Tuấn đang giữ vị trí thứ 3 (sau Văn Quyết, Công Vinh). Ở môi trường V-League, Tăng Tuấn càng lúc càng khẳng định được mình. Về với Bình Dương, nơi có rất nhiều cầu thủ giỏi như Vũ Phong, Anh Đức… nhưng Tăng Tuấn suốt mùa giải vừa qua đã lấy suất chính thức bên hành lang trái. Nhờ khả năng xông xáo, duyên ghi bàn, anh ghi những bàn thắng quan trọng, giải cứu cho Bình Dương nhiều phen. Ngay ở trận đấu gần nhất với Navibank Sài Gòn, trong một thế trận bế tắc bởi đối phương phong toả kín đường vào khung thành, cũng chính Tăng Tuấn là người đã giúp đội nhà tìm lại một điểm.
Tăng Tuấn vẫn chưa có duyên với đội tuyển quốc gia. Ảnh: An Nhơn. |
Tăng Tuấn không phải là mẫu cầu thủ hào hoa, hay tỉa những đường bóng hóc hiểm, sửa lưng đối phương. Anh cũng không có những pha đi bóng lắt léo làm say đắm lòng người. Anh cũng chẳng phải là chân sút phạt “siêu dị” cỡ như Minh Phương, Vũ Phong. Cái anh có chính là nền tảng thể lực sung mãn, độ nhạy cảm trước khung thành đối phương. Nếu đặt nặng tính đẹp mắt, người ta có thể quên đi Tăng Tuấn nhưng để cần một người có thể làm nên chuyện, khiến đối thủ luôn vất vả chống đỡ, có thể đặt niềm tin vào Tăng Tuấn.
Tiếc rằng không phải lúc nào, mọi người cũng nhìn ra điểm mạnh ấy của anh. Và chính vì lý do đó nên hai kỳ SEA Games liên tiếp, Tăng Tuấn đều có mặt trong danh sách triệu tập lên đội U23 quốc gia nhưng khi đăng ký đi Lào (2009) và Indonesia (2011) thì anh không có mặt. Bị gạt khỏi danh sách đó là nỗi đau lớn trong đời và cũng giống như lần bị văng khỏi tuyến trẻ của đội bóng quê hương Thanh Hoá. Tăng Tuấn quyết tâm khẳng định mình bằng tinh thần cầu tiến và sự xông xáo trong từng trận đấu.
3 trận đấu giao hữu của đội tuyển Việt Nam thời HLV Phan Thanh Hùng, một trong những điểm yếu đó chính là khả năng ghi bàn. Đội tuyển có thể chơi đẹp mắt, có thể lả lướt, đập nhả làm mãn nhãn người xem. Những pha đi bóng của Thành Lương, Quốc Anh, Tiến Thành có thể làm người hâm mộ ngưỡng mộ nhưng cái sự bùng nổ, sút bóng quyết đoán ở mỗi cơ hội có được, cái ánh nhìn rực lửa chinh phục khung thành đối phương bằng mọi giá thì chúng ta vẫn chưa có. Điều đấy có thể được bù đắp bởi Tăng Tuấn - chân sút đã chinh phục được các HLV ở HAGL lẫn ở Bình Dương nhưng vẫn chưa được nhớ tới trong những lần gọi vào đội tuyển quốc gia. Tăng Tuấn không nản, anh vẫn phấn đấu, chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất cho khát vọng vươn lên đỉnh cao của mình.
Bóng Đá Plus