Tân Vua hài kịch chiếu rạp dịp Tết 2019, là phiên bản mới của phim kinh điển Vua hài kịch ra mắt trước đó 20 năm. Trong vai trò biên kịch, đạo diễn kiêm nhà sản xuất, vua hài Châu Tinh Trì giữ đồng nhất chủ đề hành trình thành - bại của nghề diễn viên ở cả hai phim. Nhưng từ cặp tình nhân vô danh trở nên nổi tiếng của phim cũ, nhân vật trung tâm của câu chuyện lần này đổi sang một cô gái tên Như Mộng.
Cuồng si điện ảnh, Như Mộng "mài mặt" ở phim trường hơn 10 năm tìm cơ hội. Cô cam lòng làm diễn viên quần chúng, có khi bị treo ngược cơ thể cả ngày trời, có lúc mặt mũi bôi trát đen nhẻm, không ít lần thương tích đầy mình vì chịu đánh thay diễn viên ngôi sao. Nhìn vào những minh tinh đi lên từ vai quần chúng như Tôn Lệ hay Triệu Lệ Dĩnh, Như Mộng tự động viên bản thân dùng nỗ lực đổi lấy thành công. Ước mong lớn nhất của cô là được các nhà làm phim ghi nhận thực lực.
Nhưng với số đông người trên phim trường, diễn viên quần chúng chỉ là phận tôm tép, chẳng đáng để họ bận tâm. Những vai diễn không rõ mặt, không đặt tên, không có nổi một câu thoại hay vừa lên hình liền bị giết chết vốn cũng chẳng đòi hỏi kỹ thuật diễn xuất. Vậy nên, dù Như Mộng cố gắng thế nào, chủ động bày tỏ nguyện vọng và thể hiện năng khiếu ra sao, cô không được mấy ai để mắt tới.
Lăn lộn trên phim trường đã lâu, vậy mà Như Mộng không ý thức được hiện thực này. Nhưng không chừng, cô hiểu nó rõ đến mức đủ sức ngoảnh mặt làm ngơ. Bị chửi mắng, đánh đập, xúc phạm ngoại hình và nhân phẩm, cô diễn viên trăm lần như một - tảng lờ ánh mắt, nở nụ cười nhạt, cất giọng "văn mẫu": "Tôi không sao. Tôi thấy bình thường. Tôi vẫn vui". Như Mộng giống như đã "miễn dịch" với mọi điều xấu xí phía sau màn ảnh. Và bị đối xử tệ bạc đã thành quen, đến khi được quan tâm và chăm sóc, cô chợt thấy bất ổn, tim vỡ vụn, lệ tuôn rơi vì cảm giác bị thương hại.
Đặt cho nữ chính tên Như Mộng, cuốn phim của Châu Tinh Trì đưa thêm câu thoại: "Nhân sinh như mộng" để khái quát cả kiếp sống của nhân vật, cũng như câu chuyện của cả bộ phim. Chữ "mộng" ở đây mang nghĩa là giấc mơ, hoài bão; đồng thời phản ánh cuộc đời lắm nỗi bi ai như cơn ác mộng kéo dài; và cũng ám chỉ tư tưởng, lối sống ảo mộng, xa rời thực tế của nữ chính.
Bất chấp mọi trở ngại để chạm vào danh xưng diễn viên, Như Mộng khiến người xem xúc động nhưng cũng bất bình. Không ngoại hình, không tiền bạc, không chỗ dựa, năng lực lại chỉ thường thường bậc trung, phải chăng cô ấp ôm giấc mộng hư ảo, ép mình khoác lên tấm áo rộng thùng thình?
Nâng niu giấc mộng sự nghiệp, Như Mộng còn "mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ". Cả tuổi xuân, cô dựa vào hai giấc mơ này để nuôi dưỡng tâm hồn, kéo dài kiên nhẫn và giữ bản thân sinh tồn giữa xã hội đầy rẫy điều độc hại. Nhưng nếu nhìn từ góc độ thực tế hoặc ít nhiều thực dụng, cũng có thể thấy Như Mộng mắc kẹt trong những hư ảo. Mọi thứ cô làm, mọi điều cô mong cầu đều chỉ dừng lại trong hai chữ "giấc mơ", biết đến chừng nào mới thành hiện thực?
Coi giấc mơ là lẽ sống, Như Mộng vô thức biến đời thực của mình thành một thế giới ảo. Đến một ngày, cả hai giấc mộng cùng vỡ tan, diễn viên không làm được, chuyện yêu đương vốn dĩ chưa từng tồn tại, cuộc đời của Như Mộng xem như mất đi sinh khí.
Vài lần được đưa vào phim, bản nhạc giao hưởng Hồ thiên nga được đạo diễn Châu Tinh Trì sử dụng như chiếc chìa khóa xóa nhòa hai bờ mộng - thực. Mỗi lần chất nhạc thiết tha, ma mị vang lên, Như Mộng lại khẽ nhắm hai mắt, nhưng tâm thế ở mỗi cái nhắm mắt chẳng hề giống nhau.
Nửa đầu phim, bản nhạc hòa cùng một nhịp với vẻ mộng mơ của nhân vật, khi cô tận hưởng từng phút giây sống trong không khí phim trường. Dù ăn mặc rách rưới, nhận lương ba cọc ba đồng hay ăn cơm hộp tạm bợ, cô cũng cười nhẹ nhõm và mãn nguyện.
Sang đến nửa sau phim, Như Mộng khép bờ mi để nước mắt lẫn vào làn mưa, dồn nén những tổn thương, rạn vỡ. Đời sống hạ màn chỉ là một tấn kịch dối lừa, cô chìm vào giai điệu Hồ thiên nga như để tìm đường thoát ly thực tại. Cũng chính bởi chi tiết này, những đổi khác tốt đẹp về sau trở nên mơ hồ và gây ngờ vực với khán giả. Cuộc sống thực sự đúng như điều Như Mộng vẫn tâm nguyện: "Người cố gắng nhất định thành công" hay đó vẫn chỉ là một cơn mơ hư ảo?
Đặt tên phim Tân Vua hài kịch là lối chơi chữ ngược nghĩa của Châu Tinh Trì. Như Mộng không biết bao lâu nữa mới trở thành vua của dòng phim hài nhưng chắc không ai giành được từ tay cô ngôi vị vua của những bi kịch. Chi tiết cơm hộp nhiều lần xuất hiện trên màn ảnh, tái hiện nhịp sống qua loa, đồng lương ít ỏi của kiếp diễn viên quần chúng. Ngoài ra, theo ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay, "lãnh cơm hộp" nói đến các nhân vật chết trên phim. Điều này ngụ ý về những vai diễn ngắn hạn, những cơ hội mong manh của Như Mộng và nhiều người cùng cảnh ngộ.
Đối trọng với cô gái trẻ trong hành trình diễn xuất là ngôi sao hết thời Mã Khả. Dù là một người cách xa hào quang vạn dặm hay một kẻ hào quang đã thành chuyện quá vãng, họ cũng chịu đựng cùng một cảm giác bị cả làng phim hắt hủi. Mượn hình tượng của hai nhân vật này, kịch bản tái hiện nhiều phận đời chật vật định vị bản thân, kiếm tìm sự sẻ chia trong xã hội đương đại.
Phim duy trì phong cách trào phúng quen thuộc của Châu Tinh Trì, đưa đẩy những tiếng cười xót xa. Liên tiếp dội những thiệt thòi xuống cuộc đời Như Mộng, phim tạo ra nhiều khoảnh khắc lắng đọng, gợi nhiều suy ngẫm. Không cần làm diễn viên như nhân vật, ai cũng tìm thấy sự đồng điệu bởi hiện thực bắt nạt, lừa đảo phim đề cập ở nghề nào, môi trường nào cũng nhiều vô kể.
Song hành mạch truyện chính về giấc mộng nghệ thuật hư ảo của Như Mộng, tuyến truyện về gia đình của nhân vật này gây nhiều xúc động, dù chỉ được thể hiện qua những lát cắt nhỏ. Hình ảnh người cha già bề ngoài độc miệng, hành xử thô lỗ nhưng thật tâm thương con vô hạn, âm thầm quan sát và bảo vệ con hay chân dung người mẹ bất luận con lựa chọn thế nào cũng một lòng ủng hộ đều gần gũi đời thường. Cảnh tượng người cha, người mẹ đôi mắt ngấn lệ khi xem thước phim ghi lại hành trình làm diễn viên cực khổ của con gái dễ chạm vào nỗi lòng khán giả.
Cái hay nhất của Tân Vua hài kịch nằm ở khâu casting. Châu Tinh Trì lựa chọn dàn diễn viên mang gương mặt chân chất, bình phàm để nhập vai những phận đời bình dân, thu nhập thấp, mang đến cảm giác chân thực. Không nổi trội nhan sắc nhưng diễn xuất dung dị, điều tiết chuyển biến cảm xúc nhịp nhàng, Ngạc Tĩnh Văn bước vào cuộc đời Như Mộng một cách tự nhiên, làm người xem tin vào câu chuyện cô trải qua trên màn ảnh.
Không chỉ phát huy tinh thần của cuốn phim năm 1999 (Châu Tinh Trì và Trương Bá Chi đóng chính), Tân Vua hài kịch còn cài cắm nhiều tình tiết để tri ân các phim nổi tiếng và ký ức làm diễn viên quần chúng của Châu Tinh Trì. Đồng thời, tác phẩm cũng hoài niệm điện ảnh Hong Kong thời vàng son thập niên 1960, tôn vinh giải thưởng Kim Tượng và gợi nhắc hai bản hit của nhạc đàn Hong Kong nhiều năm trước.
Vượt lên hình hài một tác phẩm chọc cười, bộ phim gửi gắm nhiều nghĩ suy về cảm giác đơn độc của người trẻ thời nay. Đoạn kết gợi mở những cảm nhận riêng biệt tùy ý khán giả. Có người cho rằng đó là kết thúc có hậu, có người nhận ra nó là sự nối dài của bi ai. Nhưng dù lựa chọn theo hướng nào, người xem cũng muốn dành cho từng nhân vật những vòng tay an ủi.
Mỗi tuần một phim hay' là chuyên mục chỉ có trên Ngôi Sao, cập nhật bài viết tại mục Phim lúc 0h thứ 6 hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 8, mời quý độc giả cùng sẻ chia 'Nỗi cô đơn nơi thành thị'.
Phong Kiều