Tân Nhàn kết hôn lần thứ hai vào tháng 1/2021. Bạn đời hiện tại của Tân Nhàn sinh năm 1980, là Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Viện trưởng của một viện khoa học công nghệ. Ngoài ra, anh còn giảng dạy trong lĩnh vực thể thao. Cô không để chồng lộ diện trước truyền thông bởi muốn giữ cho mình khoảng trời bình yên sau ánh đèn sân khấu. Vợ chồng cô có một cậu con trai năm nay ba tuổi.
Dịp này, Tân Nhàn lần đầu nói về cuộc sống và công việc từ khi trở thành Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Là giọng ca nổi bật của dòng nhạc dân gian phía Bắc, vì sao chị quyết định bớt chạy show để dành phần lớn thời gian cho việc giảng dạy?
- Khi bước chân vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi luôn ngưỡng mộ những người thầy, khao khát làm tốt cùng lúc hai vai trò nghệ sĩ biểu diễn cũng như công tác đào tạo. Là một nghệ sĩ được khán giả yêu quý là điều vô cùng tuyệt vời nhưng việc trở thành nhà giáo, đào tạo nhiều tài năng cho đất nước lại là sứ mệnh lớn lao tôi muốn theo đuổi. Trong công tác giảng dạy, tôi không ngừng học hỏi, trau dồi, đặc biệt là truyền lửa âm nhạc cho thế hệ trẻ, nuôi dưỡng tài năng mới cho nền âm nhạc Việt Nam cũng như cung cấp cho thị trường những ca sĩ chất lượng cao từ cái nôi khoa Thanh nhạc.
- Vai trò mới ảnh hưởng thế nào đến các dự định trên con đường nghệ thuật của chị?
- Tôi hiện toàn tâm toàn ý cho việc phát triển các chương trình của khoa nên chưa dám nghĩ tới việc làm liveshow riêng mà chỉ duy trì ra CD, album mới hàng năm. Từ rất lâu rồi, tôi dù bận đến đâu cũng sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu năm nào cũng phải có sản phẩm mới. Tôi làm như vậy vì tình yêu với nghề, khát vọng cống hiến và làm gương cho học trò về sự nghiêm túc.
- Chị làm thế nào để cân bằng cùng lúc vai trò của một nhà quản lý, giảng viên, nghệ sĩ cũng như làm vợ, làm mẹ?
- Tôi chẳng có cách nào khác ngoài việc phải cố gắng nhiều hơn. Các bạn giảng viên khác có thể về khi hết giờ còn tôi sẽ dạy ngoài giờ hoặc dồn hết lịch vào sáng và nửa buổi chiều, đôi khi có thể dạy thông trưa để có thời gian về đón con.
Muốn hoàn thành nhiều vai trò cùng lúc nên tôi phải biết sắp xếp sự ưu tiên và chấp nhận hy sinh khi cần. Nếu dành nhiều thời gian cho biểu diễn thì tôi sẽ phải lơ là việc ở trường cũng như việc gia đình. Vì vậy, dù được rất nhiều lời mời biểu diễn nhưng tôi phải chọn lọc, chỉ có thể tham gia các chương trình lớn. Từ khi bắt đầu và mãi sau này, tôi vẫn sẽ coi công tác giảng dạy là quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu. May mắn là tôi có sự hỗ trợ lớn từ gia đình, đặc biệt là ông xã nên mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc ở khoa.
- Ông xã nói gì khi chị bận rộn nhiều việc cùng lúc?
- Chồng đôi khi cũng phàn nàn nhưng vẫn sẵn lòng hỗ trợ để tôi toàn tâm toàn ý phát triển sự nghiệp, đặc biệt là trong công tác giảng dạy. Anh không trách cứ vì biết rằng tôi luôn cố gắng vì gia đình nhiều nhất có thể. Ngoài những lúc đi diễn, tôi không bao giờ đi chơi, cafe tụ tập bạn bè mà thường về nhà sau giờ làm, ăn cơm cùng gia đình để cả nhà quây quần bên nhau. Bên cạnh đó, tôi ít nhận show đi xa, dành trọn vẹn cuối tuần cho gia đình.
- Vợ chồng chị phân vai khi dạy con như thế nào?
- Ở nhà tôi, bố dạy các con là chính. Mẹ không khó tính, các con không sợ lời mẹ nói nên tôi chỉ chăm sóc thôi còn phần dạy dỗ dành cho chồng.
- Dễ tính với các con còn khi ở trường, chị dạy học trò như thế nào?
- Tôi nổi tiếng là một cô giáo khó tính (cười). Học viên, sinh viên do tôi hướng dẫn đều rất sợ cô và học rất nghiêm túc. Có lẽ bởi sự khó khăn đó nên tôi có rất nhiều học trò giành giải cao trong các cuộc thi uy tín cả trong nước lẫn quốc tế. "Ôi sợ lắm, cô ghê lắm", "Vào lớp cô Tân Nhàn là phải chăm học"... là những câu nói các bạn thường xuyên nói với nhau.
- Lần đầu đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn của đêm nhạc 'Cảm xúc tháng 10' với tư cách Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chị gặp những áp lực gì?
- Tôi gặp áp lực từ năm ngoái khi là Phó khoa phụ trách và đảm trách tất cả công việc trong khoa cũng như chương trình Cảm xúc tháng 10. Đó quả thực là thời điểm stress vì mọi thứ đều mới mẻ, lần đầu đứng mũi chịu sào mọi thứ. So với lúc ấy, tôi giờ thấy nhẹ nhõm và thư thả hơn nhiều vì đã có kinh nghiệm tổ chức biểu diễn, vận hành chương trình.
- Nghệ sĩ thường có cái tôi cao, đơn vị chị quản lý lại toàn các ngôi sao hàng đầu của làng nhạc thính phòng cổ điển lẫn dân gian, chị làm thế nào để dung hòa khi đứng đầu tập thể?
- Tôi may mắn không phải làm gì vì khoa có truyền thống tốt đẹp qua nhiều năm. Ở khoa Thanh nhạc không có khái niệm người nổi tiếng. Tuy là ngôi sao ngoài thị trường âm nhạc nhưng mọi người khi về khoa đều rất dung dị, tương trợ lẫn nhau và không bao giờ làm khó ban chủ nhiệm khoa. Tôi không bao giờ nghĩ mình là nghệ sĩ nổi tiếng ở bên ngoài thì về khoa phải thế này thế kia và mọi người cũng vậy. Chúng tôi đều gác lại cái tôi riêng để xây dựng tập thể, vì sự lớn mạnh và phát triển của khoa.
Dù là người đứng đầu nhưng tôi lại ít tuổi gần nhất khoa. Nhiều thầy cô trong khoa như NSƯT Lan Anh, Lê Anh Dũng, Anh Thơ... đều là tiền bối của tôi, bên cạnh đó còn có nhiều bạn bè là đồng môn của tôi ở lại trường làm giảng viên. Vì vậy, ở khoa không có khái niệm sếp hay nhân viên mà luôn dành sự tôn trọng cho thế hệ đi trước.
- Tân Nhàn khi là giảng viên và nhà quản lý có gì khác nhau?
- Từ khi là giảng viên, tôi đã chú trọng đào tạo, biểu diễn song song. Ở cương vị quản lý, tôi có nhiều cơ hội để thực hành các ý tưởng. Trong hai năm gần đây, tôi đã tổ chức các chương trình biểu diễn rất chất lượng thường niên cho khoa. Bên cạnh đó, tôi xây dựng tổ chuyên môn chuyên đào tạo các thí sinh tham gia các cuộc thi trong nước và quốc tế. Tôi may mắn trở thành người đứng đầu của khoa nên thỏa sức đưa vào những thử nghiệm mới trong việc đào tạo để phát triển khoa.
Tân Nhàn sinh năm 1982 tại Hà Nam, từng theo học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và được biết tới từ khi giành giải Nhất dòng nhạc Dân gian tại Sao Mai 2005. Cô tốt nghiệp cao học chuyên ngành Nhạc thính phòng cổ điển từ 2017. Ca sĩ đạt học vị tiến sĩ năm 2019, được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT và lên chức Trưởng khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng năm 2024. Trong sự nghiệp ca hát, Tân Nhàn gặt hái nhiều thành công với dòng nhạc dân gian và luôn chú ý đến việc tôn vinh các chất liệu âm nhạc truyền thống với các sản phẩm: Yếm đào xuống phố, Níu dải lụa đào, Công cha ngãi mẹ sinh thành... Trong vai trò là giảng viên, Tân Nhàn đã góp sức đào tạo ra những gương mặt nổi bật như: Lại Thị Hương Ly (giải ba Sao Mai 2017), Nguyễn Thanh Quý (giải ba Sao Mai 2019), Lan Quỳnh (giải nhất Sao Mai 2022)... |