Đêm, bạn ở các khách sạn quanh khu Hoà Bình có thể thả bộ ra chợ mà không cần một phương tiện đi lại nào. Từ ngày 22/11/2003, phố đi bộ Đà Lạt đã chính thức hoạt động. Phố đi bộ quy định mỗi tuần diễn ra trong thời gian từ 19-22h vào thứ 7 và chủ nhật. Do đó, du khách cần lưu ý điểm này, khi đi chợ đêm, nếu vô tình đi xe gắn máy chạy lạc vào phố đi bộ vào hai ngày đó... sẽ bị công an giữ xe.
Khu phố đi bộ trở thành chợ đêm gồm khu Hoà Bình, vòng qua các đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Đại Hành, Tăng Bạt Hổ, Trương Công Định, Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh… Khu chợ đêm chạy dọc ngay chân cầu thang nối khu Hoà Bình với tầng lầu chợ Đà Lạt, dọc theo khu Hoà Bình và dọc theo con đường trước chợ.
Ngày xưa chợ Đà Lạt có tên là chợ Cây được xây dựng vào năm 1929 do công sứ Pháp Chassaing cho dựng lên ngay rạp Hoà Bình bây giờ để cho người dân có chỗ buôn bán. Chợ khi đó dựng bằng gỗ thông nên người dân gọi là chợ Cây. Chợ Cây bị cháy vào năm 1937, khi đó, chợ nằm trên một thung lũng trồng rau xanh. Mãi đến năm 1958 chợ mới được dời xuống khu vực hiện nay.
Chợ đêm Đà Lạt là nét hấp dẫn của thành phố cao nguyên, góp phần tạo không khí trong đêm cho khách du lịch nhàn tản. Nhất là tối thứ bảy và chủ nhật, thói quen ra đường trong đêm của người Đà Lạt cũng đã thành hình, thay vì trốn lạnh trong nhà.
Nét độc đáo hơn cả ở chợ đêm chính là khu "chợ la" - khu này bán quần áo cũ. Từ 4h chiều đến 10h đêm, khi những người buôn bán bắt đầu dọn hàng, khách bắt đầu đi dạo thì những tiếng "la" mời hàng vang dội cả một vùng mà thành tên: "chợ la".
Chợ la nằm ngay đường đi qua chiếc cầu vào tầng trên chợ Đà Lạt. Du khách thường có cái thú ghé thăm "chợ la". Tại đây, bán chủ yếu là áo lạnh đã qua sử dụng, đủ màu, đủ cỡ, đủ kiểu... với giá khá bất ngờ. Tiếng "la" vang nhịp nhàng cả một góc trời và như quen thuộc. Bên này: "năm năm lăm", "năm năm lăm" (55.000 đồng một chiếc áo), thì bên kia la: "bốn bốn năm" (45.000 đồng). Đó là giá rao, còn có ngã giá nữa sau khi lựa chọn chán chê.
Bạn có thể ghé vào một điểm bán hàng ở "chợ la" lựa thoải mái những "núi" áo lạnh, giá bán chỉ từ 20 đến 80 nghìn tuỳ theo chất lượng chiếc áo. Chợ rau cũng la nhưng la… khẽ.
Tản bộ dọc các kiốt trên phố Hoà Bình, có thể ghé những tiệm khắc gỗ thông, "ghi" tên trên tấm gỗ làm kỷ niệm. Con đường đêm trước chợ hắt sáng ánh đèn, hai bên lề không khí buôn bán sôi động. Vẫn là những tấm bạt trải ra, quần áo ở đây chủ yếu đồ len như áo khoác, áo len, mũ len, khăn choàng... đa dạng. Khu này bán tương đối nhỏ nhẹ, không "la" như khu trên kia. Cũng trong chợ đêm, lẫn lộn vài hàng bán các loại thổ cẩm. Hàng thổ cẩm Đà Lạt đẹp và phong phú, giá tương đối cao như chiếc ví đựng tiền 30.000 đồng nhưng được nhiều du khách chọn. Còn đồ len dẫu không thích hợp với xứ nóng, nhưng du khách vẫn mua...
Chợ đêm Đà Lạt còn một góc nhỏ bán ốc, hột vịt lộn. Quán để từng nồi ốc toả khói trong sắt se lạnh đất trời. Ăn ốc nóng trong đêm lạnh thật thú vị, uống sữa đậu nành cũng bốc khói, quên cái rét đêm cao nguyên. Khác với chợ rau ban ngày, những người bán rau đêm chủ yếu cho khách mua biếu tặng cũng ngồi dọc theo đường và tiếng mời khe khẽ như sợ khuấy động không gian. Đôi khi khách cũng tay xách nách mang chỉ vì thích mua hàng hơn là có nhu cầu.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)