"Tiên" đang tắm ở suối Đá Bàn. |
Đang lang thang ở thị trấn Dương Đông, phóng viên Lao Động bất ngờ bị tay lái xe ôm tên Tú gạ gẫm: "Đi "tắm tiên" không anh?". Dường như cái lắc đầu nhẹ hều của tôi không làm Tú cụt hứng. Tú giới thiệu tiếp: "Tắm tiên ở đảo này là phải ngược lên rừng, bên dòng suối trong xanh anh sẽ được các "tiên nữ" chiều". Ừ, thì đi cho biết.
Rời trung tâm thị trấn Dương Đông, mất đúng một giờ Tú đưa tôi đến một địa danh khá nổi tiếng: suối Đá Bàn. Len lỏi, uốn lượn như một con trăn trong cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, dòng suối Đá Bàn trong vắt kéo dài hàng cây số, rồi bất ngờ gặp các tảng đá chắn ngang tạo nên cột nước đổ từ trên đỉnh núi xuống gắn kết nhau hình những mái nhà vòm, sơn động...
Vắng lặng, chỉ có hai cặp nam nữ đang âu yếm quàng cổ nhau đi ngược lên hướng đầu nguồn dòng suối. "Đi buổi sáng thế này thú vị vì ít người, muốn làm gì cũng thoải mái, không ngượng. Có hai điểm, suối Tranh và suối Đá Bàn, nhưng suối Đá Bàn kín đáo hơn", Tú bảo.
Theo lời Tú, "tắm tiên" đang trở thành một tour hấp dẫn, các "em" nhảy qua "thị trường béo bở" này ngày một đông. Có hôm mấy vị khách "VIP" gặp được mấy "nàng tiên" chiều hết cỡ, khoái chí bồi dưỡng vài trăm ngàn là chuyện thường.
Những ngày nghỉ cuối tuần, anh đến mà xem đã con mắt lắm, khách tây có, ta có, họ kéo nhau vô đây "tắm tiên" nhiều lắm! Uống chưa hết 3 lon bia, tay lái xe ôm bạn của Tú dẫn đến hai "tiên nữ" chừng 18-20 tuổi. Tú nháy mắt bảo tôi: "Toàn "hàng hiệu" cả đấy!".
Hai "tiên nữ" lúc đầu còn tỏ ra e dè trước khách lạ. Nhưng chỉ một loáng sau, hai "tiên nữ" đến từ An Giang trở nên hồn nhiên bước xuống dòng suối trong bộ đồ hai mảnh. "Tiên nữ" tên Lan (không biết thật hay giả) vừa đùa giỡn trong dòng nước mát, vừa tiếp chuyện: "Hàng ngày bán quán cà phê cho bà chủ, ai rủ đi tắm thì tranh thủ đi buổi sáng, buổi chiều bận bán quán. Em chỉ giúp vui mấy anh thôi. Nghề này nguy hiểm lắm". Trong khi những cô gái bán bia, họ chiều khách trong phòng lạnh, được ăn đủ thứ... thì các "tiên nữ" phải đối mặt với những rủi ro, đá đâm thủng chân, lại dìm mình trong dòng suối lạnh ngắt, không sạch sẽ gì cho lắm. Có hôm đang tắm, trời đổ mưa thế là về cảm lạnh, nằm sốt li bì mấy ngày liền, tiền bo 100.000 - 200.000 đồng không đủ mua thuốc. Đã vậy chỉ được rảnh thời gian buổi sáng, chiều muốn đi thì phải nộp tiền cho bà chủ 20-30 nghìn đồng. Có những hôm tắm nguyên cả buổi sáng, bị khách "xù" thế là "tiên" đành bấm bụng móc tiền túi đưa cho bà chủ.
Sau một giờ ngâm mình trong suối, trước khi từ giã, Lan không quên ghi vội mấy dòng chữ và số điện thoại gửi tôi: "Cần tắm tiên xin liên hệ...".
"Thiên hạ bây giờ cũng có lắm kiểu ăn chơi, nhưng ăn chơi theo kiểu "tắm tiên" ở Phú Quốc thì hơi lạ", một vị khách du lịch đến từ Hà Nội nhận xét. Còn Colin, một du khách nước ngoài cũng tỏ ra ngạc nhiên trước thứ dịch vụ "tắm tiên" ở đây. Anh nói: "Tôi từng đi Thái Lan, Phu - khet, Myanmar, nhưng "tắm tiên" như ở Phú Quốc thì chưa từng gặp". Theo Colin, "tắm tiên" trên suối ở Phú Quốc môi trường nước không được sạch nên thua xa dịch vụ "tắm tiên" trên các đảo nhỏ không có người ở. Chỉ cần thuê chiếc tàu của ngư dân đánh cá tốn khoảng 600 nghìn đồng/ngày, bo "tiên nữ" khoảng 200.000 đồng nữa, tuy tốn nhưng tuyệt vời, an toàn hơn nhiều.