![]() |
Nhà ở và cũng là điện thờ của thầy Bút - một “đệ nhất cao thủ” trong làng bói toán ở Vĩnh Khúc, từng là “chỗ dựa tinh thần” cho Lã Thị Kim Oanh. Tấm bia ghi “công đức” của Lã Thị Kim Oanh, do thầy Bút “dẫn mối” vẫn còn đó. |
Từ Hà Nội xuôi Quốc lộ 5 xuống chợ Đường Cái hỏi thăm đường vào làng Vĩnh Khúc, người ta tranh nhau nói về cái làng mà người ta vẫn cho rằng đất ấy có long mạch “phát” thầy bói!
Nhiều người còn dặn rằng, nếu muốn xem cho đúng, cho đủ thì nên tìm cho được thầy Vọng. Thầy Lê Thanh Vọng (40 tuổi) là “nhân tài” hiếm có, thầy có thể nhìn vào quả cau mà xem số, xét tướng trúng phóc cho từng người. Nhà thầy to, rộng nhất, nhì xã, lúc nào cũng nghi ngút khói hương, bao giờ cũng có hàng trăm người xếp hàng chờ đến lượt được xem bói. Khách chỉ cần vào “ghi danh”, “khai ra” tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp và ngồi chờ đến lượt gọi.
“Đại gia” thứ hai không thể không kể đến trong làng bói Vĩnh Khúc là Đặng Văn Hòa, 40 tuổi. Hòa gây ấn tượng trước mọi người bởi lai lịch khá đặc biệt. Từng làm trưởng thôn Đông Khúc (cũ) đến 6-7 năm. Cách đây ít lâu, Hòa bị dân cho về vườn vì “dính” vào vụ tham ô trong mua bán đất đai. Ở nhà đuổi gà cho vợ được một thời gian, do quá nhàn nhã, Hòa mang mấy cuốn tử vi rẻ tiền ra “nghiền ngẫm”, ngờ đâu nó lại nhập vào người và Hòa trở thành nhà “tiên tri” lúc nào không hay! Hòa trở thành thầy bói từ đó!
Ngoài thầy Vọng, Hòa thì hiện Vĩnh Khúc có khoảng 30 người đang hành nghề bói toán. Xã Vĩnh Khúc có 4 thôn (cũ), thôn ít, thôn nhiều đều “phát” ra thầy, trong đó nhiều nhất là thôn Vĩnh Bảo với gần 20 “thầy”.
Theo tìm hiểu của Người Lao Động thì nghề bói bắt đầu xuất hiện ở đây từ mãi những năm 1980. “Tổ nghề” bói là bà Nạp mù (năm nay hơn 80 tuổi). Vào những năm 1987-1988, danh tiếng của bà đã nổi như cồn, rất nhiều người lặn lội hàng trăm, hàng nghìn cây số đến nhờ bà bói giúp. Thu nhập từ nghề bói toán đã đưa gia đình bà từ một hộ nghèo đói trở nên khá giả, sung túc. Không ít người “đánh hơi” thấy bà làm ăn được, kéo đến xin làm đệ tử rất đông. Một số còn “cắp sách, cắp bút” tìm đến các “sư phụ” tận bên Hà Tây, Bắc Ninh “tầm sư học đạo” để rồi sau đó lại quay trở về quê hương hành nghề. Bây giờ, do tuổi cao, sức yếu, lại lú lẫn, bà Nạp đã “rửa tay, gác kiếm”.
Rời Vĩnh Khúc, đến một làng bói khác có số lượng thầy và “danh tiếng” không kém, đó là vùng quê thuộc khu vực cầu Hồ, nơi giáp ranh giữa 3 huyện Thuận Thành, Quế Võ, Tiên Du. Đặc biệt, mấy năm nay, danh tiếng các thầy tướng, cô đồng ở xã thuần nông này nổi như cồn từ Nam chí Bắc.
Ngay từ khi ở thị xã Bắc Ninh, hỏi muốn xem một quẻ để mở công ty, thì tất cả mọi sự hướng dẫn đều hướng về đất ấy. Theo họ, An Bình có 3 thầy tướng được khách tứ phương suy tôn là có “tài thánh” bởi mỗi vị đều có những khả năng rất lạ, khách lũ lượt đến xem đều tấm tắc ngợi khen.
Nơi ghé thăm đầu tiên là nhà thầy Bút (Nguyễn Thành Bút). Trong giới thầy số thì thầy Bút được liệt vào hàng đệ nhất cao thủ, đệ nhất giàu có và đệ nhất cả thủ đoạn để làm mộng mị những người cả tin. Thầy Bút vào nghề đã gần chục năm nay. Mấy năm đầu còn tiếp khách bình dân, khi tiếng tăm vang dội thì thầy chỉ tiếp khách VIP, quan cấp huyện đôi khi thầy cũng lắc đầu.
Nhà thầy Bút lố nhố khách kẻ đứng người ngồi. Những chiếc xe hơi bóng nhoáng đã cố nhích vào trong vườn, nhưng vẫn có xe phải đậu nhờ ngoài ngõ dăm bảy chiếc. Xe máy đắt tiền xếp thành hàng dài ở trong sân. Trước sân nhà thầy, cạnh chiếc giếng giả cổ có đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát là điện thờ đặc quánh khói nhang. Thầy ngồi ở giữa sân, đang mải miết ghi bùa phát cho từng con nhang. Thầy vẫn có thói quen thế, không bao giờ “tác nghiệp” ở trong nhà.
Nghe khách thiết tha trình bày nguyện ước của mình thì anh bảo vệ bảo ngồi chờ để xin ý kiến thầy. Khi những lá bùa đã phát được gần hết lượt, thầy ngẩng mặt lên nhìn rồi khẽ lắc đầu. Anh bảo vệ thuyết minh rằng cái lắc đầu ấy được hiểu là không có người giới thiệu đến nên trong cung ngũ hành của thầy không có mặt, nên không xem được.
Các thầy Góc ở Ngũ Thái, cô Lùn ở Nghĩa Đạo, cô Nên ở Nguyệt Đức, thầy Trẻ ở thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, mỗi người đều đoán một kiểu không hề trùng hợp nhưng phần lớn là lành ít dữ nhiều! Muốn thoát khỏi “cái số nghiệt ngã” ấy, thì tất nhiên phải thành tâm theo sự hướng dẫn của thầy, của cô.
Sự bùng phát của hàng loạt thầy bói, cô đồng trong thời gian gần đây, theo ông Trần Đình Luyện, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bắc Giang, là do mấy năm nay các di tích văn hóa được tôn tạo, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được khôi phục, các lễ hội diễn ra thường xuyên và đây được coi là cơ hội cho bọn núp bóng tín ngưỡng văn hóa để kiếm lợi lộc.
Thầy bói xuất hiện nhiều đến nỗi năm 2002, cô Phương, được xem là “thủ lĩnh” của phường coi bói Bắc Ninh, Hưng Yên đã đứng ra tổ chức đại hội “thầy bói - cô đồng” của mấy tỉnh phía Bắc tại tư gia để khuếch trương thanh thế. Nếu cơ quan chức năng không kịp thời ngăn chặn thì đại hội kỳ quặc này đã “thành công tốt đẹp”!
Hầu hết những kẻ tự xưng cái gọi là “thầy” này có trình độ văn hóa thấp, đa số chưa học hết cấp tiểu học, nếu như không muốn nói là không có học. Có nhiều kẻ từng là phường con buôn, đồ tể, một chữ Hán bẻ làm đôi không biết, chứ chưa nói gì đến việc am hiểu thuật toán, càng không thể “tiêu hóa” được Kinh Dịch.
Họ thường học mót qua người nọ, người kia, hoặc đọc được ở mấy cuốn tử vi in lậu. Như thầy Vọng, vốn xuất thân từ một anh nông giang quèn của xã, trình độ học vấn mới qua lớp 3, thuộc diện nghèo đói nhất xã. Năm 1993, sau khi khỏi bệnh trong một trận ốm thập tử nhất sinh, trở dậy Vọng mở phủ, lập đền thờ cúng suốt ngày đêm, rồi tự tuyên bố mình đã được “thánh” cho ăn lộc, có thể nhìn thấu sự đời! “Phương tiện” mà Vọng hành nghề chỉ là một quả cau. Đây là quả cau của thân chủ đã dâng lên “thánh” từ mấy hôm trước, cúng lễ, phù phép xong một hồi, hắn mới bổ quả cau ra làm tư, từ đó châm ba nén hương, cho nhả khói vào quả cau và bắt đầu “tuôn” ra những “lời vàng, ý ngọc” cho các thân chủ. Sai nhiều, đúng ít, nhưng nhờ biết “marketing” mà danh tiếng của Vọng nổi lên từng ngày. Khách hàng mọi nơi cứ nườm nượp kéo đến. Nhờ “công sức” lao động đó, giờ đây Vọng đã có cả một gia tài là những căn nhà đồ sộ, nguy nga tọa lạc ngay trên vùng quê lam lũ. Không chỉ có vậy, nghe đâu thầy Vọng còn mới mua được một căn nhà 6 tầng trị giá vài tỉ đồng ở Hà Nội.
Lý lịch của thầy Bút cũng na ná như thầy Vọng. Chưa học hết trường làng, ngày trước nhà thầy cũng nghèo lắm, buôn bán toàn thứ làng nhàng. Ra huyện vẫn tong tong chiếc xe đạp “cởi truồng”. Vậy mà chỉ mấy năm “ăn lộc thánh”, thầy đã xây được tòa biệt thự nguy nga nhất huyện, mua cả ô tô chạy chơi.
Nhiều “quan lớn” nhờ thầy bày cho đường đi nước bước trong đường công danh cũng như làm ăn buôn bán. Nhiều ông, nhiều bà dính “phốt” cũng vội vã tìm đến, mong thầy giải hạn. Đã một thời người đàn bà bán trời không văn tự Lã Thị Kim Oanh coi thầy như một “chỗ dựa tinh thần”. Các phi vụ làm ăn phi pháp, Lã Thị Kim Oanh đều tìm đến để thầy dùng “khả năng đặc biệt” của mình cố vấn, chỉ bảo. Thân thiết vậy, nên khi thầy vận động quyên góp để cung tiến gần 1,5 tỉ đồng cho việc tôn tạo các đình, chùa trong làng thì Lã Thị Kim Oanh cũng thoải mái vung tiền. Không biết số tiền mà người đàn bà hào phóng ấy “dâng ngài” là bao nhiêu, chỉ biết giờ trên tấm bia ghi công đức những người tham gia cống tiến, Lã Thị Kim Oanh xếp hàng đầu.
PV quay lại nhà thầy Bút không phải trong vai con nhang mê muội đến xin thầy mách nước làm ăn, mà muốn tìm hiểu “khả năng kỳ lạ” của thầy. Trước máy ghi âm, hàng chục khách đến xem, thầy thản nhiên kể về sự diệu kỳ mà cõi trần chỉ riêng thầy có được.
Thầy bảo, năm lên 6 tuổi, thầy ốm thập tử nhất sinh. Sau trận ốm đó, phần hồn của thầy đã chết. Mọi người trong gia đình thầy rất ngạc nhiên khi thấy thầy suốt ngày tha thẩn một mình ra gốc cây ở đầu ngõ ngồi. Mọi người không biết là thầy đang tâm sự với người cõi âm! Cũng từ đó, thầy thấy mình có khả năng nhìn thấu tương lai, quá khứ của tất thảy sinh vật ở cõi nhân gian. Chính vì thế, khi con nhang đến với thầy, thầy chẳng cần hỏi mà vẫn biết họ đang muốn gì, và thầy đưa đường chỉ lối cho họ hoàn thành tâm nguyện đó bằng một lá bùa. Lá bùa ấy, không biết được nội dung như thế nào, bởi chữ trên lá bùa ấy là “chữ Ả Rập”, chỉ thầy mới biết. Thầy khẳng định, việc làm của thầy không phải là mê tín dị đoan, mà hoàn toàn có cơ sở khoa học! Thế nhưng, bảo thầy giải thích “khả năng kỳ lạ” của mình theo khoa học thì thầy... chịu! Thầy bảo, chỉ người có khả năng siêu phàm hơn thầy thì mới lý giải được khả năng kỳ diệu đó nhưng hiện thời, trần gian chưa xuất hiện đấng siêu phàm ấy!
Tất cả các thầy bói đều chày cối ngụy biện cho việc làm phi pháp của mình. Có thầy bảo rằng mình hoàn toàn tín ngưỡng lành mạnh, có cô bảo mình xem tướng số dựa theo khoa học. Nhưng, chẳng ai giải thích được thế nào là tín ngưỡng lành mạnh, thế nào là khoa học mà cứ vòng vo để cuối cùng đi đến khẳng định ấy là hoạt động... tâm linh, không ai có quyền can thiệp!
Tất nhiên, trong nghề này, đã có không ít lần các thầy gặp phải những tay cứng đầu, cứng cổ, không thể lừa bịp được. Những lúc bí như thế, thầy giả cách lăn đùng ra giữa nhà, bảo “thánh” không cho “ăn lộc” nữa, vì tín chủ không thành tâm xem và như vậy người xem đành chịu không vặn vào đâu được nữa!
Theo ông Tuyến, ở Vĩnh Khúc, những thầy bói nổi tiếng đã trang bị được một hệ thống “vệ tinh do thám” khá quy mô, rải khắp mọi nơi, có nhiệm vụ khai thác, thu thập thông tin liên quan tới khách. Bất kỳ ai khi muốn đến xem đều phải ghi lại tên, tuổi, địa chỉ chỗ ở trước, rồi đợi ít nhất ba ngày sau thầy mới “phán”. Trong thời gian này, các thầy dùng điện thoại gọi xuống cho tay chân ở các địa phương thâm nhập thực tế. Sau đó, những “vệ tinh” dưới cơ sở sẽ “phôn” lại cho thầy những thông tin cơ bản như nhà cửa, xuất thân, bố mẹ, anh chị em làm nghề gì, thậm chí đến cả cha, ông, cụ, kỵ 3 - 4 đời trước sống ở đâu, mất khi nào... Nhận được những thông tin đó, các thầy bắt đầu xếp lịch xem, cứ như thế, đến lượt ai, chúng nói vanh vách một thôi, một hồi cho thân chủ nghe.
Theo ông Vũ Ngọc Long, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Tân Chi (Tiên Du), người từng dẹp bỏ “đại hội cô đồng” năm 2002, chính quyền cấp xã đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn sự bùng phát của “đại dịch” mê tín dị đoan. Hiện mức xử phạt hành chính cao nhất đối với những người hành nghề mê tín là 500.000 đồng là quá nhẹ, không có khả năng răn đe. Thêm nữa, là cấp cơ sở vậy nên cùng xóm cùng làng, phi nội tắc ngoại, rất khó làm mạnh tay. Ông Long còn cho rằng hoạt động mê tín dị đoan hiện nay có thể đã có đường dây, đã hình thành kiểu “hiệp hội”, “liên minh” giữa các thầy tướng số. “Liên minh ma quỷ” ấy không chỉ có sự tham gia của các đồng cô bóng cậu trên địa bàn tỉnh, mà còn có các thầy, các cô ở nhiều tỉnh khác. Thế nên dẹp được ở chỗ này, lại bùng phát ở chỗ kia.