- Quan điểm của anh thế nào về khái niệm ăn khách và câu khách?
- Muốn ăn thì phải câu mới ăn được. Vì thế ăn khách và câu khách chỉ mang một nghĩa, quan trọng là cách nói. Nhiều người dùng từ câu khách một cách miệt thị, nhưng với tôi nó rất bình thường, không có gì là xấu xa cả. Khán giả cũng có nhiều loại, nên sẽ có loại mồi câu khác nhau. Với những khán giả bình thường thì dùng mồi này. Còn muốn câu nhà phê bình để họ khen mình thì phải dùng loại mồi khác.
- Anh phân những loại mồi này theo tiêu chí nào?
- Khán giả thì câu bằng sự trẻ trung, tươi mới, hiện đại, tiết tấu nhanh, mạnh... để họ thấy nó gần với cuộc sống, hơi thở của mình. Họ cần và chấp nhận nó. "Câu" nhà phê bình thì tiết tấu phải chậm chạp, mọi cái uể oải, để nhân vật nói vài ba câu sâu sắc, dạy đời, giáo điều. Khi đó mọi người sẽ khen loạn cả lên.
![]() |
Một cảnh nude trong Những cô gái chân dài. |
- Mở đầu trong "Những cô gái chân dài" là cảnh Minh Anh tắm khỏa thân. Cảnh đó thực sự cần thiết cho bộ phim hay chỉ đơn giản là một chiêu câu khách?
- Chính xác đó là cảnh câu khách, nhưng không phải câu khách rẻ tiền. Qua cảnh đó, khán giả sẽ thấy được tính cách của Minh Anh, một cậu trai nhí nhố, trẻ trung, đồng thời cũng giới thiệu được luôn mối quan hệ với Khoa (Trương Thanh Long đóng). Tính cách đó có 100 cách để làm, nhưng tôi chọn cảnh tắm, vừa câu được khách, vừa giới thiệu được đặc điểm nhân vật. Không lẽ để tránh bị chê là câu khách, tôi lại phải để Minh Anh ngồi đọc cuốn Chiến tranh và hòa bình.
- Anh nghĩ sao khi nhiều người nghe những tuyên bố này của anh thầm tiếc cho Vũ Ngọc Đãng từng làm phim "Chuột"?
- Đừng quy chụp như vậy. Mỗi tác phẩm mang một ý nghĩa khác nhau. Bản thân tôi đánh giá Những cô gái chân dài cao cấp hơn nhiều lần Chuột. Phim Chuột rất dễ. Dễ ở chỗ mọi người cứ lầm tưởng đó là cái sâu sắc, nhưng thật ra nó lại rất bình thường, cứ tưởng triết lý, nhưng lại không hề triết lý. Làm chục phim Chuột, tôi cũng làm được. Tôi bộc lộ quan điểm của mình, vì tôi không đồng tình khi mà phim nào chúng ta cũng nói là phim nghệ thuật, nhưng khán giả có xem đâu. Vậy thì hãy kéo khán giả đến rạp, bằng cách nào cũng được. Có thể mình làm sai, không sao cả, sai thì sửa. Mười phim có 7-8 phim sai, 2 phim đúng cũng được, miễn là khán giả đến rạp.
- Anh còn tiếc nuối điều gì cho "Những cô gái chân dài"?
- Tất cả tài năng tôi đã đưa ra hết rồi, vì thế không tiếc nuối gì hết.
- Anh nghĩ thế nào nếu người ta nói: tài năng Vũ Ngọc Đãng chỉ thế thôi sao?
- Tôi cố tình đưa Những cô gái chân dài đi theo chủ đề cũ. Nếu Chuột thuộc dạng phim không dễ xem, người nào thích rất thích, người nào ghét rất ghét, thì Những cô gái chân dài đơn giản, dễ xem, xem cũng được, không xem cũng được, xem mà không nhớ gì cũng chẳng sao. Tôi muốn làm phim để khán giả giải trí chứ không phải để khôn ra. Tôi biết làm phim này người ta sẽ thất vọng, điều đó không quan trọng, vì tôi chắc chắn những người khó tính không bao giờ mua vé đến rạp, và tôi không định đánh vào đối tượng khán giả này. Tuổi hay xem phim nhiều nhất là dưới 30, trên 30 người ta ít đến rạp lắm. Những người lên án đã bắt đầu già rồi, cũ lắm rồi.