Một trong những câu chuyện ấy chính là tình yêu đẹp như huyền thoại của vợ chồng một phóng viên chiến tranh đến từ... phía bên kia của cuộc chiến, đối với đất nước Việt Nam.
Chuyện kể của vị Chính uỷ
Trưa 30/4/1975, khi chiếc xe tăng 390 húc thẳng vào cổng chính của Dinh Độc lập, sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, nội các của địch bị bắt gọn, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đã phải đọc lời tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh ngay sau khi lá cờ của ta tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Nhưng chắc ít người biết rằng, có một người lính Cụ Hồ đã tài tình thảo tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống nguỵ vào giờ khắc lịch sử quan trọng ấy. Đó là Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính uỷ Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203.
![]() |
Ông Bùi Tùng và nhà báo Gallasch trước Dinh Độc lập. |
Nửa đêm 29/4/1975, Lữ đoàn 203 thuộc Quân đoàn 2 trở thành lực lượng đột kích chủ yếu chuẩn bị tấn công vào nội đô Sài Gòn và là đơn vị đầu tiên chiếm được Dinh Độc lập.
Cựu Chính uỷ Bùi Văn Tùng nhớ lại: "Ngay sau khi ta chiếm được Dinh, tôi và một số sỹ quan lãnh đạo khác vào trong Dinh, được báo cáo Tổng thống ngụy và toàn bộ nội các đã bị bắt. Trong thời khắc quá đặc biệt và bất ngờ ấy, người chiến sỹ từng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như tôi, mà bỗng cảm thấy sững sờ, căng thẳng vì tình huống ngoài "kịch bản". Chợt nhớ chỉ thị của Tư lệnh Quân đoàn khi giao nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc lập đã phân công tôi chịu trách nhiệm giải quyết công việc trong Dinh. Sau phút căng thẳng, tôi chỉnh đón lại quân phục, rồi đĩnh đạc, đàng hoàng với tư thế người chiến thắng, bước nhanh vào phòng khánh tiết với đôi dép cao su trường chinh trên khắp các nẻo đường chiến trận nay đã tới tận sào huyệt cuối cùng, đầu não của địch. Trước mặt chúng tôi lúc ấy là toàn bộ nội các Sài Gòn với những mái đầu chải bóng nhoáng, trang phục cực kỳ sang trọng, ngồi chen chúc quanh bộ bàn ghế sáng như gương trong một phòng lớn hoành tráng, bài trí theo kiểu cung đình, nhưng trên gương mặt họ không giấu nổi vẻ kinh hoàng. Tân Tổng thống Dương Văn Minh, đeo kính trắng, mặc bộ ký giả màu sẫm, to cao, bệ vệ.
Sau đó tôi yêu cầu tìm đường dây thông tin để liên lạc tới Đài phát thanh, nhưng Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (ngụy) bảo không liên lạc được. Tôi quyết định ông Minh phải tới ngay Đài để tuyên bố đầu hàng. Họ sợ đi đường không an toàn, nhưng tôi khẳng định "Quân giải phóng sẽ đảm bảo an toàn cho các ông". 2 chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm được đưa đến để đưa họ đi. Tôi bố trí xe đầu chở ông Minh và ông Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng ngụy), do Đại uý Phạm Xuân Thệ phụ trách hộ tống, xe thứ 2 tôi cùng các chiến sỹ bảo vệ cùng mấy nhà báo của ta và một nhà báo Đức tên là Borries Gallasch".
Tại Đài PT, Trung tá Bùi Tùng đã soạn thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc. Nhưng không thể cho Tướng Minh đọc trực tiếp trên sóng, vì ngộ nhỡ ông ta nói lung tung, vì vậy phải thu âm lời ông ta đọc trước đã - Trung tá Tùng suy nghĩ như vậy. Nhưng người của Đài đã bỏ chạy hết, nên không có máy ghi âm. Trung tá Tùng phát hiện thấy phóng viên Gallasch có máy ghi âm, ông liền yêu cầu Gallasch thu âm giúp trước khi cho phát sóng. Trong khi Tướng Minh đọc đi đọc lại 3 lần vào máy ghi âm, Trung tá Tùng suy nghĩ: "Tổng thống ngụy có lời tuyên bố đầu hàng, vậy phải có người tiếp nhận sự đầu hàng ấy", thế là ông lập tức thảo luôn lời chấp nhận đầu hàng. Ngay sau khi phát đi bản tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy, trên sóng Đài PT Sài Gòn đã vang lên lời tiếp nhận đầu hàng của đại diện Quân giải phóng của chính Trung tá Tùng.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, bút tích của Trung tá Tùng thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy đã được trang trọng lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 2.
Chứng nhân đặc biệt và tấm lòng yêu Việt Nam
Điều kỳ diệu mà hầu như không ai biết là toàn bộ bản lĩnh của Trung tá Bùi Tùng và việc ông viết lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh không ngờ đã được nhà báo Gallasch, làm việc cho báo Der Spiegel - Tấm Gương, Đức) ngay lập tức viết lại trong cuốn sách "Thành phố Hồ Chí Minh" (Ho-Tsch-Minh-Stadt) xuất bản tháng 9/1975 tại Đức, khi mà sự kiện Việt Nam chiến thắng giặc Mỹ xâm lược đang nóng hổi trên toàn cầu.
![]() |
Vợ nhà báo Gallasch và ông Bùi Tùng. |
Trong quyển sách này, nhân chứng đặc biệt Gallasch, một phóng viên chiến tranh đến "từ phía bên kia cuộc chiến" đã viết có nội dung: 7 giờ sáng 30/4, những chiếc trực thăng cuối cùng chở người di tản đã rời Sài Gòn, nhưng Gallasch không di tản, "mặc dù tôi sợ đến run cả hai đầu gối, nhưng vẫn quyết định đi bộ đến Dinh Độc lập vào lúc 11h", chính vì vậy Gallasch đã chứng kiến toàn bộ việc ra hàng của nội các ngụy cùng với vai trò của Trung tá Tùng trong chỉ huy giải quyết toàn bộ việc đầu hàng của nội các chính quyền ngụy trong Dinh, yêu cầu Tổng thống ngụy ra ngay Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng, rồi thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc.
Đặc biệt Gallasch đã miêu tả rất kỹ chi tiết ông Minh đề nghị được bỏ chức vụ Tổng thống trong tuyên bố đầu hàng, chỉ viết là "Đại tướng Dương Văn Minh", vì ông ta chưa kịp làm lễ nhậm chức. Nhưng Trung tá Tùng đã kiên quyết bắt ông Minh phải đọc tuyên bố đầu hàng với danh nghĩa Tổng thống, vì như vậy thì toàn bộ hệ thống chính quyền và quân đội ngụy mới tuân thủ, và súng mới ngừng nổ để bớt đổ máu. Nội dung lời tuyên bố đầu hàng mà Dương Văn Minh đọc trên Đài trùng khớp với nội dung được Gallasch chép lại trong sách từ máy ghi âm, và cũng trùng khớp với băng ghi âm của ông Nguyễn Nhã, một công dân Sài Gòn đã vô tình bật máy catseter ghi lại toàn bộ chương trình được phát đi từ Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975, đồng thời nó cũng trùng khít từng chữ đúng như bản thảo viết tay của Bùi Tùng lưu tại Bảo tàng.
Nhưng còn kỳ diệu hơn nữa, đó là khi Gallasch ốm rồi mất vào năm 1990, nhà báo này đã căn dặn vợ (cũng là một nhà báo của hãng Truyền hình Đức, đang thường trú tại Mỹ), hãy thay Gallasch đến Việt Nam, tìm lại Trung tá Bùi Văn Tùng. Bởi trong khói lửa đầy chết chóc của cuộc chiến lúc ấy tại Sài Gòn, Bùi Tùng đã tin cậy một phóng viên "phương Tây", đã cho đi cùng xe đến Đài phát thanh để ông được vinh dự chứng kiến việc tuyên bố đầu hàng của chính quyền Sài Gòn lúc đó.
Bà Gallasch đã thay chồng lưu giữ những tư liệu quý giá ấy hơn chục năm sau mới có dịp đến Việt Nam, tìm được vị Chính uỷ năm xưa, nay là Đại tá nghỉ hưu đã ngoài 80 tuổi, trao cho Bùi Tùng quyển sách Ho-Tsch-Minh-Stadt, nguyên bản bằng tiếng Đức, băng ghi âm lời Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng trưa 30/4/1975 và những tấm ảnh chụp nhiều cảnh và sự việc quan trọng diễn ra thời điểm lịch sử ấy của chồng bà.
Đại tá Bùi Tùng đã vô cùng cảm động khi nhận được những kỷ vật thiêng liêng của nhà báo Gallasch. Những kỷ vật ấy không chỉ thiêng liêng đối với cá nhân Chính uỷ Bùi Tùng, nó còn có giá trị lịch sử thiêng liêng đối với cả dân tộc Việt Nam, mà người "chép sử" có ý thức vô cùng to lớn đã trân trọng lưu giữ, bảo vệ nó, lại là một nhà báo phương Tây.
(Theo Phụ Nữ Thủ Đô)