- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng xem phim Trọng Trinh đóng thích hơn phim Trọng Trinh làm đạo diễn?
Đạo diễn Trọng Trinh. |
- Tôi khởi nghiệp là một diễn viên và ít nhiều đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Khi bước sang nghề đạo diễn, hơn chục năm nay tôi đã làm nhiều phim, có những phim được và phim chưa được, nhưng khán giả vẫn có ấn tượng nhiều hơn với hình ảnh một diễn viên. Hy vọng sẽ đến lúc khán giả nhìn tôi ở cả hai công việc.
- Anh ngấp nghé tuổi 50 mà vẫn giữ "phong độ", bí quyết gì vậy?
- Vì tôi sống giản dị, hồn nhiên và luôn giữ cho lòng mình thanh thản....
- Trọng Trinh khiến người đối diện xao xuyến vì còn là người khôn ngoan, khéo léo. Anh nghĩ sao?
- Tôi không biết người xung quanh nghĩ về mình ra sao, nhưng cho dù thế nào, tôi vẫn coi tất cả là bạn bè. Bạn bè ở đây không phải là vai vế mà là cách đối xử với nhau. Tất nhiên, có người ghét tôi, có thể do phần này phần kia tôi chưa được. Vì thế phải biết đâu là "bạn", đâu là "bè". Sau này, có kinh nghiệm hơn nên tôi bớt... hồn nhiên đi. Quả thật, ngoài cuộc sống, tôi rất kém phân thân. Cũng như khi bước ra sân khấu, dưới ánh đèn tôi quên hết mọi chuyện và diễn như một kẻ nghiện, đôi lúc có cảm giác mình tan vào nhân vật. Bước ra cánh gà một lúc mới hồi được.
- Công việc xốc vác của một đạo diễn có làm anh phôi pha chất "nghệ"?
- Tôi nghĩ, khi đã là nghệ sĩ, trở thành người của công chúng, được người xem ngưỡng mộ, cần biết cách ứng xử đúng mực và lịch thiệp. Nghệ sĩ có chút tên tuổi phải biết giữ mình, tránh gây nên sự phản cảm và mỗi thất vọng trong lòng công chúng.
- Các phim anh làm đạo diễn: "Nấc thang mới", "Ban mai xanh"... đề cập đến việc giới trẻ trên con đường tiến thân đã phải trả giá, phải hy sinh. Đây là những vấn đề có thể làm hấp dẫn, nhưng sao vẫn chưa thuyết phục được người xem. Anh lý giải thế nào?
- Phim về giới trẻ, sau một vài phim lóe lên thì rồi vẫn cứ... tầm tầm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một yếu tố theo tôi nghĩ, là do đôi lúc ta không dám nhìn thẳng vào vấn đề này. Tôi kể chuyện thật 100%: một cô sinh viên ngày đi học tối làm nghề massage. Làm nghề này mới đủ tiền cho cô ăn học và gia đình ở quê. Xã hội còn nhìn nghề này với con mắt hơi khe khắt nhưng cô vẫn phải chấp nhận. Đó là nghề chính đáng, lao động bằng sức lực. Ai giải cho cô bài toán ấy và ai hiểu nỗi niềm của cô gái ấy. Phim truyền hình vẫn nặng về tuyên truyền giáo dục chứ chưa đi sâu vào thực chất vấn đề mà giới trẻ quan tâm.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)