Horslaloi
(Cuốn sách của tôi)
Khi đọc truyện và xem phim Bộ bộ kinh tâm, có một chi tiết khá ấn tượng. Sau khi Lương Phi qua đời, Nhược Hy quỳ trước cửa cung của bà vái tạ thì gặp Khang Hy đang bước tới với một đoàn thái giám, thị vệ. Đột nhiên, hoàng đế dừng bước, ngoảnh nhìn về phía cửa cung. Rồi chỉ chốc lát sau, lại phẩy tay ra lệnh khởi giá. Nhược Hy lúc ấy có cảm thán một câu “Thì ra đây là tình yêu của đế vương, cũng chỉ là ngoái đầu nhìn lại trong nháy mắt!”. Vị Hoàng đế ấy, hoá ra lại bạc tình đến vậy.
Đến khi hạ chỉ trừng phạt Bát a ca, cũng chính vị Hoàng đế ấy đã đay nghiến xuất thân hèn kém của mẹ chàng - Lương Phi, “tiện phụ Tân giả khố”. Vô cùng tuyệt tình.
Trong lịch sử, hậu cung Khang Hy có tới hơn hai nghìn mỹ nữ, sinh cho Khang Hy những 37 người con, trong đó có 25 nam và 12 nữ. Con số hậu phi chính thức cũng ngót nghét 20 người. Vì thế, người đời vẫn gán cho ông cái mỹ danh Hoàng đế đa tình bậc nhất.
Nhưng thân là quân vương, dù có đa tình, rồi bạc tình hay tuyệt tình đi chăng nữa, có lẽ vẫn tốt hơn chung tình. Vì đã gánh số kiếp Hoàng đế, thì mấy ai kề cận được với người mình yêu, sớm tối bên nhau đến đầu bạc răng long?
Khang Hy dưới ngòi bút của Phỉ Ngã Tư Tồn, tiếc thay, lại là một vị hoàng đế chung tình. Và câu chuyện Sân không vắng vẻ tàn xuân đã mang đến một cái nhìn rất khác về vị hoàng đế tài ba này, cũng như về mối tình với Lương phi.
Huyền Diệp đối với Lâm Lang, có thể nói là vừa gặp đã yêu. Lần đầu tiên nhìn thấy nàng đang đứng trong làn nước sông, khẽ hát bài Du xa ca, đến khi nàng lên phục vụ trà nước ở ngự tiền, hắn biết mình động lòng với nàng mất rồi. Hắn là vua, là thiên tử, đã muốn gì ắt sẽ có được. Vậy mà hắn âm thầm tiếp cận nàng, dịu dàng chăm sóc nàng từng ly từng tí chứ chẳng hề ép buộc. Cùng nàng luyện chữ, cùng nàng đi dạo. Đến khi ngỏ lời với nàng, thì lại bị cự tuyệt “Thân phận nô tì thấp hèn, không xứng Vạn Tuế gia quan tâm.” Bao nhiêu tâm ý đổ sông đổ bể, đâm ra phản ứng có phần trẻ con khi sai thái giám… đuổi bắt hết ve trong sân vườn Đông Noãn Các, chỉ vì “Vạn Tuế gia nghe tiếng ve, đang buồn bực cả người.”
Đến khi nàng chấp nhận theo hắn, thì hắn ngày đêm quấn quýt lấy nàng không rời, khiến các hậu phi không ngừng thắc mắc, rằng không biết có phải long thể của hắn không ổn hay không mà suốt “hai mươi ngày gần đây, Vạn Tuế gia đều nói 'Lui!'" khi thái giám mang khay đựng thẻ bài tới.
Nhưng hắn là hoàng đế. “Mặc dù Trẫm có cả giang sơn nhưng cũng không thể làm theo cảm tính được”. Khi nghe nói nàng bị thái hậu gây khó dễ, hắn cũng chỉ có thể nói với nàng, “nhất định sẽ nghĩ cách cho sự lâu dài của chúng ta”. Tối hôm ấy, hắn dù không đành lòng, vẫn phải lật thẻ bài, sau nhìn bóng dáng nàng lui ra, lại không nỡ, lại hứa, rằng “Ngã tâm phỉ thạch, bất khả chuyển dã”, dù có thế nào cũng không thay lòng đổi dạ. Một thân hoàng bào, lời nói ra lại chân thành đến thế, đủ để biết hắn yêu nàng đến mức nào.
Chỉ vì yêu, nên mới tuyệt vọng khi phát hiện ra, trong tim nàng từ lâu đã có bóng hình kẻ khác. “Hoá ra là sai rồi. Bản thân đã sai lầm ngay từ đầu mất rồi”. Chỉ vì yêu, nên mới ghen đến mờ mắt với thần tử, chỉ vì đó là kẻ có được tình yêu của nàng.
Nhưng cũng chính vì yêu, mà vờ quên đi sự thật ấy, vẫn tự lừa mình dối người, rằng nàng toàn tâm toàn ý với hắn. Vì cái đêm nàng bị sảy thai, hắn phóng ngựa như bay từ Củng Hoa về kinh, lòng đau như chết lặng khi biết nàng ở sau cánh cửa kia, biết nàng đang khóc, biết nàng cần hắn hơn lúc nào hết, nhưng quy định trong cung không cho phép hắn được bước qua ngưỡng cửa ấy, hắn đã biết rằng hắn không thể thiếu nàng.
Hắn lại hết mực sủng ái nàng như trước, thậm chí còn ân cần, dịu dàng hơn, nhất là khi nàng mang thai lần nữa. “Trên thế gian này nàng không phải sợ gì cả. Tất cả Trẫm đều gánh vác thay nàng”, “Trẫm muốn thử xem ai dám tính kế với người của Trẫm”.
Thế nhưng, nếu đó là Thái hoàng Thái hậu? Người bà hết mực yêu thương hắn, dốc lòng dạy dỗ hắn thành một đấng minh quân được người đời ca tụng. Thiên tử Đại Thanh không thể có nhược điểm. Hắn quá si mê nàng, không chịu chấp nhận sự thật rằng trong lòng nàng không có hắn, vì bảo vệ nàng mà không tiếc tay giết người diệt khẩu. Nhược điểm ấy, nhất định phải loại trừ.
Vì thế, dù Hoàng đế đã phải quỳ trước mặt Thái hoàng Thái hậu, đau đớn mà nói rằng “nàng là tính mạng của Huyền Diệp, Hoàng tổ mẫu tuyệt đối không thể lấy đi cái mạng này của tôn nhi được”, bà vẫn nhất quyết bắt hắn phải rời xa nàng.
Cuối cùng, hắn chấp nhận. Rời xa nàng để bảo vệ nàng. Nàng hạ sinh Dận Tự được một trăm ngày, hắn không hề đến thăm. Suốt mười năm sau đó, cũng chẳng hề gặp mặt. “Đau cũng không đè xuống được, cho nên mới không chạm vào nữa”.
Khi được tin nàng mất, hắn ho ra máu. Hắn sủng ái Hoà phi, vì Hoà phi giống nàng. Đến khi Hoà phi sảy mất đứa con duy nhất, hắn kề cận an ủi, như muốn bù đắp cho chính nàng năm xưa, cách một cánh cửa mà không thể bước qua. “Chỉ có hắn biết được, thật ra, cả một đời này đều luôn nhìn người khác thành nàng. Chỉ có nàng, mười năm nay đều là nàng, cả đời này chỉ sợ cũng là nàng”.
Trong phần đôi lời tác giả, Phỉ Ngã Tư Tồn có nói một câu thế này: “Rõ ràng biết người ta không tốt, trái tim người đó không ở đây, nhưng yêu thì cũng yêu rồi, chẳng thể nào thay đổi được, như Khang Hy nói với Hiếu Trang: 'Hoàng tổ mẫu à, tôn nhi cũng chẳng còn cách nào'”. Vì vậy, có rất nhiều độc giả càng thêm khẳng định rằng từ đầu chí cuối, trong lòng Lâm Lang vẫn chỉ có một mình Dung Nhược, chứ chẳng có Huyền Diệp. Nàng biết không thể từ chối hắn, vì hắn là vua. Nàng muốn xin hắn một đứa con để có chỗ dựa trong chốn hoàng cung nhiều âm mưu, thủ đoạn, chứ chẳng phải nàng yêu nên muốn có con với hắn.
Nhưng tôi nghĩ rằng, Lâm Lang có yêu Huyền Diệp. Đó không phải mối tình đầu thanh mai trúc mã, sau tuyệt vọng đến mức gần nhau trong gang tấc mà biển trời cách mặt. Nhưng đó cũng là tình yêu. Nếu không yêu, vì sao lại thêu túi cho hắn? Nếu không yêu, vì sao mỗi lần gần hắn, mặt lại không tự giác mà đỏ, chân tay thêm phần luống cuống? Nếu không yêu, vì sao lại kết tóc thề hẹn trong đêm đó? Tình yêu ấy không day dứt đến hết đời như mối tình đầu bị ngăn trở với Dung Nhược, tình yêu ấy đa phần là cảm động trước tấm chân tình của Huyền Diệp. Nhưng đó chắc chắn là tình yêu. Và Huyền Diệp ngốc nghếch kia, trên triều thì là hoàng đế uy phong lừng lẫy, nhưng trong tình yêu thì vẫn mãi mãi mang mặc cảm của người đến sau, thế nào cũng không tin là trong lòng nàng có hắn.
Giọng văn nhẹ nhàng như nước chảy, kết cục tuy buồn, nhưng những mảnh vỡ phần ngoại truyện cũng kéo lại được một vài tháng ngày hạnh phúc. Trong những truyện của Phỉ Ngã Tư Tồn từ trước đến nay, có lẽ đây là truyện hay nhất.