Tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) gặp em T. (ở Hà Tây) đang quay lại kiểm tra “tình hình” 6 tháng sau khi mổ. T. kể, sau khi có kinh nguyệt, trong vòng khoảng 1 năm, vú trái của em tự nhiên phát triển một cách không thể kiềm chế được, cả về thể tích và trọng lượng. Hai bầu ngực lúc nào cũng căng cứng, đau, tăng cảm giác, các hoạt động bị ảnh hưởng bởi một bên ngực đồ sộ này.
T. rất ngại giao tiếp, bởi vì luôn bị các bạn cùng lứa chỉ trỏ, trêu chọc. Tại bệnh viện, T. được khẳng định là mắc bệnh phyllod, căn bệnh làm tăng xơ hóa tổ chức tuyến vú. Sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối u xơ chiếm gần toàn bộ ngực trái, T. đã trở lại là một thiếu nữ bình thường với bộ ngực lý tưởng.
Cũng mắc căn bệnh xơ hóa phì đại tuyến vú phyllod là chị K. (30 tuổi ở Hải Dương). Vú chị đột ngột lớn một cách bất thường sau khi mang thai lần đầu tiên, sa trễ và tuyệt nhiên không có sữa, tuyến vú sưng to, rất đau. Sau khi sinh, vú chị càng phát triển, cản trở các sinh hoạt, đau cổ và vai. Chị vào viện và được mổ vào tháng 11 để cắt bỏ khối u xơ và phần da thừa. Chị được các các bác sĩ tái tạo lại bầu ngực, đẹp chẳng khác gì thời thiếu nữ!
Ông Sơn cho biết, ngày càng nhiều các trường hợp ngực phát triển một cách thái quá đã được “xử lý” tại khoa Phẫu thuật Tạo hình. Không chỉ riêng bệnh phyllod, tình trạng phì đại tuyến vú cũng gây ra nhiều phiền hà cho chị em phụ nữ.
Anh còn nhớ trường hợp bệnh nhân B. ở Hậu Giang, một thiếu nữ mới 16 tuổi mà đã phải “mang” hai bầu ngực khổng lồ 4 năm trời. Thể tích vú của B to một cách kỷ lục: 800-900ml mỗi bên, to gấp mấy lần người bình thường. Mỗi lần đến kỳ kinh nguyệt, B. lại đau không thể chịu đựng được, đi lại khó khăn. Do phải “mang vác” bộ ngực quá nặng nên B. bị đau lưng và bắt đầu có dấu hiệu bị thoái hóa đốt sống cổ.
B. chấp nhận thành người thất học, bởi em không thể vượt qua mặc cảm để đến trường. Rất may sau khi nghe người quen mách bảo, B. đã lặn lội ra Hà Nội để phẫu thuật, chấm dứt 4 năm kinh hoàng vì bệnh tật của mình.
Cũng khổ sở vì bộ ngực, nhưng L. (20 tuổi, Hà Nội) phải đối mặt với câu chuyện ngược lại: teo tuyến vú bẩm sinh. Lúc dậy thì, mặc dù có kinh nguyệt nhưng tuyến vú của L. tuyệt nhiên không phát triển, kể cả hình thể lẫn núm vú. L. khổ sở, nhưng rất may sau khi được phẫu thuật đặt túi nước biển, ngực của L đã được cải thiện trông thấy. Điều khiến cô thực sự vui mừng là kỹ thuật này không hề ảnh hưởng tới khả năng mang thai và nuôi con sau này của cô.
Ngực không phát triển là hậu quả của khá nhiều bệnh, như teo tuyến vú bẩm sinh, teo vú do chiếu xạ hoặc dùng hóa chất, thiểu sản tuyến vú bẩm sinh hoặc thiểu sản tuyến vú sau sinh đẻ.
Bệnh nhân M. năm nay 23 tuổi. Từ khi lên 2, M. được chẩn đoán là bị u máu phẳng vùng ngực trái, và được chỉ định chiếu xạ. Đến lúc dậy thì, ngực trái của M. không phát triển được, dẫn đến tình trạng biến dạng lồng ngực trái.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, các bác sĩ đã quyết định tái tạo lại vú trái của M. bằng kỹ thuật giãn da và đặt túi lộn ngực. Nhìn M. không ai có thể nghĩ là trước đây, chị sở hữu núi đôi “bên lở bên bồi” như vậy.
Tình trạng “tuyết lê” trở nên teo tóp sau khi sinh con tương đối phổ biến. Có những người sau thời gian cho con bú, vú gần như bị san phẳng! Lại có những người bị bỏng, nhũ hoa dúm dó trông rất kinh sợ, và khi điều trị bỏng, bác sĩ chỉ kịp nghĩ đến chuyện cứu người chứ không “lo kịp” cho chuyện thẩm mỹ nên sau khi được cứu sống, bản thân bệnh nhân cũng không dám ngắm bộ ngực của mình.
Lại có những người bị ung thư vú, cắt bỏ gần như hoàn toàn bầu ngực. Mặc cảm bệnh tật, họ không còn nghĩ đến cái đẹp cho chính bản thân mình nữa. Và cũng chính vì thế mà cuộc sống của họ thay đổi hẳn, đời sống vợ chồng gần như không còn nữa. Họ sống thiếu tự tin, bi quan cho tương lai của mình.
Điều đặc biệt là những người “gặp vấn đề về vú” thường còn rất trẻ, tương lai còn dài nhưng lại không được sống cuộc sống của một thiếu nữ đúng nghĩa.
Theo Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, hiện tại, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn gần như đã làm chủ được kỹ thuật tái tạo vú hiện đại, không thua kém gì nước ngoài. Điều quan trọng là sau khi phẫu thuật, các chức năng của cơ thể vẫn đảm bảo hoàn toàn bình thường.
“Một bệnh nhân trẻ tuổi của tôi bị thiểu sản tuyến vú bấm sinh, càng lớn khối lượng và hình thể của vú càng nhỏ lại. Sau phẫu thuật đặt túi độn ngực, cô ấy gọi điện thông báo mình đã có người yêu. Cô ấy băn khoăn là nếu hai người có mặn nồng quá, thì ngực của cô có bị “hỏng” không. Tôi cười, động viên cô ấy và khẳng định, chẳng có gì phải lo lắng cả, cứ hưởng hạnh phúc đôi lứa như bất kỳ một cô gái bình thường nào khác”, ông Sơn kể.
Anh cho biết, đây là kỹ thuật “độc quyền” của Bệnh viện và đang trong quá trình hoàn thiện nên tạm thời chưa “bật mí” những kỹ thuật chi tiết, cụ thể.
“Lúc này, tôi chỉ có thể khẳng định rằng, bệnh viện chúng tôi không phải bó tay trước bất kỳ sự bất thường nào ở ngực chị em. Vì thế, không có lý do gì để chị em phải khổ sở, cam chịu với bộ ngực dị dạng của mình. Hiện chúng tôi đang vận động tài trợ để có thể miễn phí hoặc giảm chi phí cho bệnh nhân nghèo. Chi phí một ca như vậy chẳng khác gì chi phí cho một ca phẫu thuật bình thường”, ông nói.
(Theo Giadinh.net)