Cuối tuần trước, hãng hàng không AirAsia do ông trùm Tony Fernandes kiểm soát, đã báo cáo quý thứ 7 liên tiếp lỗ ròng do các hạn chế đi lại và lệnh cấm của chính phủ Malaysia nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch. Hãng đã báo khoản lỗ 767,4 triệu ringgit (185 triệu USD) trong quý đầu năm nay, so với 803,8 triệu ringgit (193 triệu USD) một năm trước, theo hồ sơ của công ty.
AirAsia đã huy động được 336 triệu ringgit (81 triệu USD) từ hai đợt phát hành cổ phiếu tư nhân vào đầu năm nay và đang đàm phán với các tổ chức tài chính để có thêm nguồn vốn cũng như bên cho thuê để cơ cấu lại các thỏa thuận thuê máy bay hiện có. Công ty cũng đang thảo luận với các đối tác tiềm năng có thể đầu tư vào các phân đoạn kinh doanh cụ thể của tập đoàn.
"Thông qua những lần gọi vốn khác nhau mà công ty thực hiện, chúng tôi có đủ thanh khoản để duy trì hoạt động kinh doanh", hãng hàng không này tuyên bố trong báo cáo cuối tuần trước.
Triệu phú Tony Fernandes, ông chủ AirAsia. Ảnh: Bloomberg.
Các hãng hàng không và các ngành liên quan đến du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch khi các quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới. Khi các ca nhiễm mới ở Malaysia tiếp tục gia tăng, AirAsia cho biết doanh thu hãng đã giảm 91% xuống còn 205,1 triệu ringgit so với một năm trước.
"Ngay cả khi biên giới vẫn đóng cửa, tập đoàn đã chuẩn bị tốt, chỉ dựa vào các hoạt động trong nước trong năm nay. Chúng tôi vẫn tập trung và cam kết củng cố hơn nữa vị thế trong nước của mình lúc này trong khi chờ đợi những phát triển mới liên quan đến hàng không quốc tế".
Cũng như các hãng hàng không khác trong đại dịch, AirAsia rơi vào khủng hoảng, phải cắt giảm hàng nghìn việc làm và cố gắng gượng để sống sót. Một số chi nhánh của hãng cũng buộc phải ngừng hoạt động vĩnh viễn. Năm ngoái, AirAsia đã ngừng đầu tư cho chi nhánh AirAsia Ấn Độ, khiến tương lai của chi nhánh này phụ thuộc vào cổ đông lớn - Tập đoàn Tata Group. Trong khi đó AirAsia chi nhánh Nhật Bản cũng dừng hoạt động tại quốc gia này do ảnh hưởng của đại dịch.
Fernandes và đối tác kinh doanh của ông, Kamaruddin Meranun, đã tiếp quản AirAsia vào năm 2001 để xây dựng một hãng hàng không giá rẻ giúp cho việc di chuyển bằng đường hàng không phù hợp với túi tiền của những người dân. Fernandes sở hữu khối tài sản 335 triệu USD, theo thống kê của Forbes vào tháng 3/2020. Ngoài hàng không, tài phiệt 57 tuổi này cũng đầu tư vào các ngành khác như khách sạn, bảo hiểm và giáo dục.
Sơn Nam (Theo Forbes)