Minh Quốc tại Bệnh viện đa khoa Phú Yên ngày 12/2. |
Đây được xem như là một tín hiệu cảnh báo dành cho ngành giáo dục về an toàn ở các phòng thí nghiệm trường học và cả những biện pháp nhằm ngăn chặn các tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với đông đảo học sinh...
Ngày 9/2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên tiếp nhận một ca cấp cứu bỏng độ 2, diện tích 10% ở các phần mặt, cổ và ngực. Nạn nhân là Phạm Minh Quốc, 15 tuổi, học sinh lớp 9B Trường THCS Lê Văn Tám (xã An Hòa, huyện Tuy An, Phú Yên). Quốc là học sinh giỏi nhiều năm liền và được Trường THCS Lê Văn Tám tuyển chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển học sinh giỏi cấp huyện, Trường THCS Lê Văn Tám đã tập trung 8 học sinh thực hành thí nghiệm trước khi lên đường tham gia cuộc thi. Vì học giỏi môn Hóa, Quốc được trường chọn vào thi môn Hóa thí nghiệm thực hành. Sáng 9/2, Quốc đang làm thí nghiệm tại trường với cồn công nghiệp thì bỗng lửa phụt lên gây bỏng nặng, cháy đen cả mặt và một phần ngực.
Hoàn cảnh gia đình Quốc rất khó khăn, để đến trường học là nỗ lực lớn của một học sinh ở vùng ven biển. Vậy mà Quốc đã vượt qua những khó khăn trở thành học sinh giỏi nhiều năm liền của Trường THCS Lê Văn Tám. Cha Quốc là thuyền viên vắng nhà thường xuyên, mẹ Quốc bị bệnh tim nhưng vẫn ngày ngày đi cào dắt (một loại giống con hến nhỏ sống ở bãi bồi ven biển), kiếm tiền mưu sinh. Tai nạn xảy ra với Quốc khiến gia đình càng thêm khó khăn. Theo bác sĩ Đỗ Đình Tùng (khoa Ngoại chấn thương - Bệnh viện đa khoa Phú Yên) thì Quốc nhập viện trong tình trạng sức khỏe rất kém. Qua 3 ngày điều trị, Quốc vẫn được theo dõi đặc biệt. Ngoài nguồn thuốc hỗ trợ của Viện Bỏng quốc gia, mỗi ngày gia đình phải chịu thêm chi phí từ 200.000-250.000 đồng. Gia đình Quốc hiện không biết xoay xở ra sao.
“Sát thủ” trong... túi quần
Bàn tay Hảo sau vụ nổ hóa chất. |
Đó là vụ nổ hóa chất dùng trong thí nghiệm xảy ra tại sân Trường tiểu học xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh, Phú Yên) và tác giả là Phạm Xuân Thương (14 tuổi, học lớp 8A Trường THCS xã Đức Bình Tây). Năm lớp 8, bắt đầu được học môn Hóa, Thương mê các lọ hóa chất đủ màu và đã âm thầm sưu tập... trộm đến 22 lọ hóa chất từ phòng thí nghiệm của trường.
Đêm 28/3/2005, Thương pha chế một lọ hóa chất rồi bỏ vào túi quần mang đến lớp học võ taekwondo, với ý định học xong sẽ... biểu diễn vài pha cho đồng môn xem. Trong lúc tập các động tác võ thuật, Thương bỗng thấy lọ hóa chất trong túi nóng ran, bèn lấy ra và đưa cho bạn đứng cạnh là Lưu Chí Hảo (cùng học lớp 8). Bất thần một tiếng nổ lớn vang lên... Hảo bị đứt rời mấy ngón tay, còn bàn tay Thương cũng bị dập nát. Đến giờ, vết thương của hai em đã tạm ổn nhưng bàn tay phải của Hảo bị đứt tiện 3 ngón, 2 ngón còn lại bị dị tật; bàn tay phải của Thương thì bị đứt gân 2 ngón và vài vết sẹo trong lòng tay. Hảo bây giờ buộc phải viết bằng tay trái...
Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, quản lý chặt chẽ các loại hóa chất thí nghiệm dùng trong nhà trường là chuyện không hề đơn giản. Riêng chuyện xây dựng phòng ốc để bảo quản dụng cụ học tập quá nhiều theo chương trình cũng là chuyện không thể đáp ứng trong ngày một ngày hai, chỉ có thể yêu cầu giáo viên và học sinh hết sức cẩn thận khi sử dụng hóa chất.
Sau những tai nạn này, điều mà dư luận quan tâm là làm sao thống nhất trong toàn ngành giáo dục cung cách quản lý an toàn, đến nơi đến chốn các loại hóa chất trong phòng thí nghiệm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng học sinh, giáo viên. Bên cạnh việc nhắc nhở, giáo dục học sinh, cần ràng buộc trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý giáo dục, giáo viên bộ môn... về sử dụng đồ dùng giảng dạy.
(Theo Thanh Niên)