|
Nguy cơ tai nạn luôn thường trực trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. |
Ngoài nạn "đinh tặc", người dân sống gần đó còn hay nói với nhau về sức mạnh kỳ lạ của cung đường khiến cho rất nhiều người đang lái xe tự nhiên loạng choạng tay lái, đâm vào dải phân cách hay ngã xe bất ngờ, mặc dù đường khá vắng vẻ.
"Từ trường mạnh cũng không ảnh hưởng đến việc lái xe", tiến sĩ Hà Duyên Châu, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu. |
Phải chăng đó là một nguyên nhân làm tăng số tai nạn ở đây? Đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ mới được đưa vào sử dụng hơn 3 năm nhưng các vụ tai nạn có nguyên nhân tự đâm vào dải tôn sóng đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương hơn 50 người. Trong đó, riêng địa bàn huyện Thường Tín, Hà Tây từ đầu năm 2005 đến nay đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm 20 người chết và 3 người bị thương.
Anh Phạm Văn Mười, xe ôm trên chặng đi qua Thường Tín, Hà Tây, cho biết khi có khách, anh thường chạy vào đường 1A chứ không đi theo đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, mặc dù con đường này dễ đi hơn nhiều. Theo anh, đường cao tốc có nhiều mối nguy hiểm như gió to, lắm đinh, đã không ít vụ tai nạn xảy ra ở đây. Anh Trần Văn Long, chạy xe ôm cách Hà Nội 20 km khẳng định đã tận mắt chứng kiến nhiều vụ người điều khiển xe máy tự đâm vào lan can sắt bên đường. Đa số đều chết trước khi được đi cấp cứu.
"Có thể hạn chế tai nạn bằng hàng rào sắt kiểu lồng Faraday", ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Chủ nhiệm bộ môn dự báo, Trung tâm nghiên cứu tài năng con người. |
Những dấu hiệu khác thường này đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học Viện Địa chất (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Vì thế, từ đầu tháng 9, kỹ sư Vũ Bằng cùng cộng sự đã khảo sát toàn bộ tuyến đường này bằng thiết bị ăngten vạn năng theo phương pháp trường địa từ. Kết quả cho thấy, đoạn từ Pháp Vân đến km8 tiếp giáp Hà Tây, trường địa điện từ không có. Đi tiếp 1km về phía Nam đã xuất hiện trường điện từ. Từ km12 đến km15, trường điện từ này xuất hiện trở lại.
Đặc biệt, từ km17+500 đến khu vực tiếp giáp huyện Phú Xuyên (km24+500) thì cường độ của trường điện từ rất lớn, nó khiến thiết bị đo quay tròn với góc lớn hơn 360 độ. Quay ngược lại, tiếp tục đo cũng cho kết quả tương tự. Quá trình khảo sát dưới góc độ khoa học hoàn toàn khách quan với những số liệu và hiện trường những vụ tai nạn đã xảy ra, nhưng những khu vực có trường điện từ mạnh cũng trùng với nơi có mật độ tai nạn dày hơn.
Trường địa điện từ là gì?
Theo kỹ sư Vũ Bằng, nếu các vụ tai nạn giao thông không bắt nguồn từ nguyên nhân nhìn thấy, thì theo kinh nghiệm ở một số nước phát triển như Đức, Hà Lan, Ba Lan..., nó có nguyên nhân từ trường địa điện từ trong lòng đất nơi con đường đi qua.
Trường điện từ đó dân gian gọi là tia đất, là những yếu tố thuộc về môi trường sống có ảnh hưởng đến sức khỏe con người cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Trường điện từ tích cực là trường tác động làm cho con người khỏe mạnh. Nó hình thành do sự bức xạ của các khoáng vật, những tầng đất đá có tích điện (mang lại ion âm) mà con người có thể xác định để vận dụng chọn đất làm nhà hay nhiều việc khác vì sức khỏe.
Còn trường tiêu cực (hung khí), được các nhà khoa học gọi là ác xạ (tức bức xạ độc hại). Theo các kết quả nghiên cứu, loại trường điện từ này hình thành do sự phóng xạ trong lòng đất mà chủ yếu là xạ khí chất radon, đi qua vết nứt gãy trong lòng đất rồi lẫn vào không khí trên mặt đất.
Nồng độ phóng xạ nếu lớn, gọi là "dị thường", có tác hại đáng kể đối với cơ thể người, nhất là hoạt động của não bộ. Ngoài ra, do sự bức xạ của dòng nước ngầm bên dưới tạo ra pin điện hóa và trường địa điện từ phân ly tạo ra các ion (chủ yếu là ion dương) rất có hại cho sức khỏe con người.
Theo ông Vũ Bằng, có thể xử lý trường này bằng than hoạt tính thông qua việc đào rãnh dọc tuyến đường xảy ra tai nạn. Than hoạt tính có tác dụng khử được trường điện từ mạnh, chống bức xạ của tia đất. Bên cạnh đó, nếu có những khẳng định chắc chắn về hiện tượng trường điện từ thì nên lắp đặt trên đoạn đường này biển báo cho người điều khiển phương tiện giao thông biết để họ tập trung khi lái xe, tránh tai nạn.
Các nhà khoa học không thống nhất
Trong khi đó, tiến sĩ Hà Duyên Châu, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, lại cho rằng khó có thể khẳng định nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn là do trường điện từ, vì chỉ có bão từ xảy ra với cường độ mạnh mới ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
"Theo tôi, trên đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ nếu có vấn đề về từ trường thì đó chỉ là những dị thường về từ trường mà thôi, không có liên quan đến việc lái xe an toàn", ông Châu nói. Ông cho rằng để có những khẳng định chính xác nguyên nhân gây tai nạn thì cần có những nghiên cứu nghiêm túc.
"Có thể yên tâm về phương pháp đo của kỹ sư Vũ Bằng, vì thiết bị cảm ứng cầm tay cho kết quả không khác mấy với thiết bị hiện đại", tiến sĩ Vũ Cao Minh, Phó viện trưởng Viện Địa chất. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Chủ nhiệm bộ môn dự báo, Trung tâm nghiên cứu tài năng con người, lại cho rằng không có gì ngạc nhiên về chuyện kỳ lạ xảy ra tại đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo ông, trên thế giới từng có những vùng đất có những câu chuyện gần như hoang tưởng, nhưng thực tế vẫn xảy ra như tam giác quỷ Bermuda. Tàu thuyền đi vào khu vực đó tự nhiên biến mất. Hoặc có những vùng đất mà ở đó số người sinh đôi, sinh ba rất nhiều. Có vùng mà dân cư ở đó sống lâu hơn các vùng khác...
"Tôi từng nghe nói đến vùng núi Tản Viên (Ba Vì, Hà Tây), thời Pháp thuộc, máy bay Pháp không dám bay qua địa bàn này vì có rất nhiều vụ mất tích không rõ nguyên nhân. Theo tôi, nếu có điện từ trường ở đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thì cách khắc phục hiện tượng này là làm hàng rào sắt kiểu lồng Faraday. Hàng rào đan kiểu lưới mắt cáo, đặt thay vị trí của những dải phân cách".
Trong khi chưa có câu trả lời cuối cùng về nguyên nhân tai nạn, thì sự cẩn trọng của người đi đường là cần thiết. Các nhà khoa học Viện Địa chất cho biết họ sẵn sàng phối hợp với ngành giao thông và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, thẩm định vấn đề này, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
(Theo Khoa học và Đời sống)