Khán giả - một phần của đêm diễn. |
Quá bất ngờ, toàn bộ khán giả ngồi xem sững người, không kịp có phản ứng gì trước vở bi hài kịch.
Để ngăn cách ca sĩ và khán giả, hầu hết sân khấu ở các tỉnh đều được dựng rất cao so với mặt đất. Trong lúc hát, ca sĩ ngoài việc nhận hoa còn phải ký tặng ảnh, nhưng nhiều khán giả tinh nghịch giật tay, kéo ngã nhào xuống đất là chuyện bình thường. Nếu ca sĩ không giao lưu thì sẽ bị chê là "chảnh". Nữ ca sĩ T. kể: "Ca sĩ nam dù sao vẫn còn đỡ, ca sĩ nữ đi tỉnh sợ nhất là gặp những khán giả vờ xin chữ ký rồi tranh thủ sờ ngực, nắn tay, vỗ mông. Gặp chuyện cũng phải im lặng chịu đựng, không dám phản ứng. Nếu không lần sau quay lại tỉnh cũng khó mà hát hò". Nữ ca sĩ P. đi lưu diễn ở Hải Phòng trong lúc thay đồ đã bị hàng chục khán giả nam trèo lên mái nhà, dỡ tôn nhòm xuống.
Theo Đất Mũi, ở Hải Phòng, hầu như ca sĩ nhóm nhạc nào cũng từng một lần bị khán giả quậy phá. Ca sĩ Q. một lần hát ở quán bar bị một vị khách ép uống rượu. Khi anh từ chối thì bị ném nguyên một cái ly thủy tinh thẳng vào mặt lúc đang hát. May mà Q. nhanh mắt tránh kịp. Ca sĩ K. sau đêm diễn đã chịu hậu quả là chiếc xe hơi trị giá 30.000 USD mới toanh phải đi gò thùng, sơn lại và thay kính sau trận mưa đá.
Để đề phòng những rủi ro xảy ra, tất cả các ca sĩ ngôi sao đi tỉnh diễn đều tuân thủ nguyên tắc "đánh nhanh, rút gọn". Xe chạy thẳng vào gần sân khấu, ca sĩ lên hát xong là chui ngay vào xe, thoát khỏi đám đông thật nhanh. Vài năm trở lại đây, nhiều ca sĩ đi hát tỉnh thường thuê vệ sĩ đi kèm hoặc nhờ những người thân có vóc dáng cao to theo bảo vệ. Ca sĩ Ư.H.P., người luôn có hai nhân viên kèm sát khi lên sàn diễn, tâm sự:" Nhiều lúc thấy vệ sĩ gạt tay khán giả, P. cũng thấy khó chịu, nhưng nếu không làm như vậy thì có nguy cơ bị chèn ép đến ngạt thở. Có bảo vệ che chắn kỹ là thế, nhưng lần nào đi diễn P. cũng bị cào cấu rách tay, bị ngắt véo bầm tím cả người".