Julia Le
Ngày xưa ấy, không hiếm khi ta nghĩ năm ta 6 tuổi, ta sẽ hạnh phúc vì lúc đó ta được đi học. Nhưng 6 tuổi thì cảm giác chính xác là phải dậy sớm đi học và phải học bài thay vì chơi bắn bi hay xem film họat hình.
Ta nghĩ 12 tuổi, ta sẽ hạnh phúc vì ta có thể tự sắp xếp lấy việc học của mình. Nhưng 12 tuổi ta lại thấy sao có nhiều môn học quá, chẳng rảnh được phút nào. Ba mẹ còn can thiệp sâu hơn vào các mối quan hệ của mình.
Chắc là 15 tuổi mình sẽ hạnh phúc vì vào cấp ba. Mình sẽ tự ý đèo nhau trên xe đạp, sẽ mặc áo dài, sẽ... Nhưng 15 tuổi vẫn thấy mình bé bỏng, lo lắng về tương lai.
Chắc 18 tuổi sẽ hạnh phúc. Khi đó ta đã vào đại học, được sống xa nhà. Nhưng 18 tuổi lại loay hoay, cầm đồng tiền ít ỏi tự làm ra mà mong mau tốt nghiệp. Với tấm bằng trong tay thì sẽ có nhiều tiền làm những điều mình thích.
Nhưng 21 tuổi, mình lại mơ về thời hai buổi cắp sách đến trường, chỉ biết ăn ngủ và mơ một ngày mai. Cầm bằng trong tay mới nhận ra mình đi làm mà chẳng cần bằng. Ông chủ luôn "vắt kiệt" sức lao động của ta trước khi ta nhận ra điều đó. Thậm chí chẳng còn đủ ngây thơ để mơ mộng nữa, chỉ tự nhủ: chắc ngày mai, khi có một gia đình để yêu thương, ta sẽ bớt mệt nhoài vì cuộc sống đa mang.
Trong khi nhiều người thèm được những thứ ta đang có nhưng ta lại trì hoãn thừa nhận rằng ta hạnh phúc ngay khi ta có gia đình. Ta sẽ lo lắng con ta chưa thành đạt, vẫn lo cơm - áo - gạo - tiền như cha mẹ ta đang lo. Rồi sẽ mơ về những đứa cháu trai cháu gái, mơ về ngày về hưu. Vậy là cả cuộc đời không phút nào thấy mình hạnh phúc. Có khi lại tiếc vì cả cuộc đời ta chưa bao giờ hạnh phúc và chẳng làm được cái gì cả.
Ngẫm thử đi bạn nhé! Có phải bây giờ mình vẫn ước gì được yêu thương chăm sóc như hồi 6 tuổi? Ta từng hạnh phúc vào thời điểm đó, chỉ là ta trì hoãn thừa nhận ta hạnh phúc.
Có phải ta vẫn thèm khát được bá cổ bạn bè đến lớp, được cha mẹ cho tiền đóng học, được xem ti vi, được mua quần áo, được ăn uống... Giờ thì để có những cái đó phải đổi bằng mồ hôi nước mắt. Ta hạnh phúc mà ta không biết phải không?
Có phải ta thèm có được những khát khao và trẻ trung như hồi 16 tuổi? Thèm cảm giác bồi hồi rung động trước một ai đó, thèm được mặc chiếc áo dài mỗi mùa thu mới và trong lúc gấp áo dài cất vào tủ thì nghĩ về kế hoạch cho mùa hè? Qua lúc đó rồi ta có phút nào có được hạnh phúc tương tự nữa không?
Có phải ta còn nhớ cảm giác ngày mình 18 tuổi, bước ra khỏi nhà và tự hào vì mỗi người trong lớp có quê khác với quê mình? Ta đã khẳng định bản thân trong cái lớp toàn những người lạ và đặc biệt ấy. Ta đã có những giờ phút thật khó quên với tập thể ấy. Đó là những ngày ta bắt đầu cuộc đời tự lập, là những ngày ta bắt đầu hoài bão của chính mình. Bao nhiêu người không đủ bản lĩnh để vào đại học? Bao nhiêu người phải dựa dẫm cha mẹ? Bao nhiêu người không có điều kiện được như ta? Ta hạnh phúc mà ta không biết đó thôi.
Có phải ta từng biết yêu ai đó? Có phải ta xin việc dễ dàng hơn cái hồi mười tám, đôi mươi? Có phải ta đang chuẩn bị cho cuộc đời dần ổn định? Ta đang gặp nhiều khó khăn nhưng ta đã là người lớn, ta không thể cậy nhờ dựa dẫm như hồi bé con. Ta phải gồng mình lên, băng qua cuộc sống, xây dựng những thứ mà ta có thể khẳng định đó là của mình.
Làm người lớn khó hơn mình tưởng nhưng sao trẻ con lại luôn mơ ước thành người lớn? Ta đang là niềm hạnh phúc mà mọi trẻ con đều ước ao. Ta là niềm tin của cha mẹ. Đừng chần chừ thừa nhận ta đang hạnh phúc vì ta thực sự đang hạnh phúc.
Khó khăn là điều tồi tệ với những kẻ yếu nhưng lại là cơ hội cho những người tài. Hạnh phúc thường đơn giản chỉ lòng người đa mang...
Vài nét về blogger:
Chào quý tòa sọan, em rất thích chuyên mục Chơi Blog.
Với em "Chí Phèo và Thị Nở vẫn có tình yêu rất nhân văn, chúng ta - những con người đẹp đẽ và lương thiện thì vì lẽ gì mà không yêu một tình yêu hơn cả nhân văn?" - Julia Le.
Bài đã đăng: Học từ tình yêu.