![]() |
Bộ trưởng Phạm Quang Nghị trao bằng xếp hạng di tích quốc gia phố cổ HN |
Cả tuyến phố đi bộ và các phố lân cận đều được trang hoàng cờ, hoa, đèn lồng rực rỡ. Chương trình Lễ hội tôn vinh phố cổ được bắt đầu từ 6h30 với đoàn rước gồm đội múa rồng, trống đại, đội nhạc dân tộc, ngai vàng... khởi hành từ đền vua Lê đi quanh hồ Hoàn Kiếm đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đến 7h30 - thời điểm khai mạc - thì trời đổ mưa to khiến cả Ban tổ chức và quan khách đến dự đều lo lắng, vì buổi lễ khó có thể diễn ra theo dự kiến. Ông Phan Đăng Long, Giám đốc Sở Văn hoá thông tin Hà Nội, thở dài ngao ngán: "Mưa to quá và kéo dài thì đành phải hoãn buổi lễ".
May mắn là sau hơn 30 phút, trời tạnh mưa và mát mẻ, lễ hội văn hoá được diễn ra trong nỗi vui mừng của người dân phố cổ. Tại buổi lễ, ông Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin, đã trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia khu phố cổ Hà Nội cho UBND thành phố, Ban quản lý phố cổ và cùng quan chức thành phố cắt băng khai trương tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân. Lãnh đạo thành phố cùng đoàn rước đi trong phố đi bộ đến đền Bạch Mã làm lễ dâng hương.
![]() |
Một số chương trình ca nhạc bị rút ngắn. |
Buổi biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, truyền thống tiếp tục diễn ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sự góp mặt của gần 100 diễn viên. Tuy nhiên, nhiều tiết mục ca múa hiện đại về phố cổ đã được Ban tổ chức rút lại vì lo thời tiết xấu và thiếu thời gian.
Theo Bộ trưởng Phạm Quang Nghị, lễ hội là dịp tôn vinh văn hoá phố cổ Hà Nội, đưa nét văn hoá truyền thống đến với bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay các ngôi nhà cổ đang đứng trước nguy cơ hư hỏng và xuống cấp. Để bảo tồn phố cổ lâu dài, người dân trong khu vực phải có ý thức bảo vệ di sản. Ngoài ra, Hà Nội không nên trông chờ vào nguồn đầu tư tu bổ của Chính phủ mà phải tìm nhiều nguồn vốn khác từ trong và ngoài nước.
Nhiều khách du lịch tỏ vẻ bất ngờ khi được chứng kiến những màn lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Chị Clare Prondfoot, người Scotland, nhận xét: "Tôi rất thích lễ hội đậm bản sắc dân tộc của các bạn, thật vui là được chứng kiến tận mắt những hoạt động văn hoá này". Chị cũng thích thú khi được biết tuyến phố Hàng Đào - Hàng Đường trở thành phố đi bộ. "Phố chỉ dành cho người đi bộ sẽ an toàn hơn cho mọi người khi ngắm cảnh, mua sắm. Ở Scotland cũng có nhiều phố đi bộ rất đông vui", chị Prondfoot nói.
Nhiều người dân Hà Nội đến với phố đi bộ tỏ vẻ thích thủ trước diện mạo mới của tuyến phố này. Chị Mai Hương, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, nhận xét: "Tôi thật sự choáng ngợp khi thấy cảnh trang hoàng lộng lẫy trên tuyến phố, hàng hoá sầm uất, đường phố sạch sẽ. Tuy nhiên, liệu hiện trạng này có được lâu dài hay không. Vả lại, tôi thấy người dân trong khu phố mặc đồ ở nhà như may ô, quần đùi mà cứ thong dong ra đường, trông hơi mất mỹ quan". Những người khác cũng lo ngại rằng, họ đang đi bộ dưới lòng đường thì bị xe máy, xe đạp trên các tuyến cắt ngang đâm sang, lộn xộn rất mất an toàn. Ngoài ra, xe máy trên tuyến đi bộ vẫn để lộn xộn trên hè, lấn chiếm lối đi cho người đi bộ.
![]() |
Người đi bộ dưới lòng đường, xe cộ để trên vỉa hè. |
Hầu hết người dân trong tuyến phố đi bộ cũng hy vọng vào sự thay đổi diện mạo cho khu phố. Bà Lương An, 11 Hàng Đào, cho biết: "Tôi hy vọng nhiều khách nước ngoài đến thăm Hà Nội và vào khu phố đi bộ mua sắm hàng hoá. Tôi chỉ lo ngại là phố biến thành chợ, mất trật tự hoặc mất vệ sinh về ban đêm nếu chính quyền không có biện pháp hữu hiệu".
Theo quan sát của VnExpress, phần lớn các tuyến đường xung quanh khu vực diễn ra lễ hội đều bị ùn tắc trong thời gian diễn ra buổi lễ, nhất là phố Tràng Tiền, Hàng Bông. Nhiều điểm trông giữ xe tư nhân "bung" ra nhận trông xe với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng/xe máy.
Theo UBND thành phố Hà Nội, các buổi tối cuối tuần, những điểm di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng như trụ sở Ban quản lý phố cổ, Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 48 Hàng Ngang, Đình Đức Môn, chùa Cầu Đông... sẽ được mở cửa để khách đến tham quan miễn phí.
9h sáng nay, thành cổ Hà Nội (đường Nguyễn Tri Phương) cũng bắt đầu mở cửa miễn phí, đón khách đến tham quan tại nhiều khu vực như: Đoan Môn, Hậu Lâu, điện Kính Thiên, nhà Con Rồng, nhà D67, hầm D67...