Nguyễn Vân
Mưa giăng trắng trời, gió rít liên hồi mang theo nước mưa và làn sương đêm thấm đẫm quất vào da thịt, len lỏi tới từng ngóc ngách cơ thể làm nhói buốt con tim. Vậy mà trong thời khắc ấy biết bao con người vẫn gồng mình trên những chuyến xe ngất ngưởng, đầy ắp những rau, củ, quả. Họ vội vã lao đi trong đêm cho kịp phiên chợ sớm.
Họ đau đáu một nỗi khát khao có thể đem đến cho những người thân yêu của họ một cuộc sống đủ đầy hơn. Họ nhẩm tính và mong mỏi có thể tích luỹ được một số vốn ít ỏi để trang trải cho cuốc sống thường nhật, một phần đóng học cho con, một phần dành cho lúc trái nắng trở trời, một phần để sửa sang nhà cửa, mua sắm những vật dụng gia đình, và nếu có thể... thì một phần để lo việc đối nhân xử thế - lo việc khóc việc cười của thiên hạ giữa chốn nhân gian.
Trở về ngôi nhà nhỏ thân thuộc của mình tôi vẫn không sao chợp mắt được. Vì quá giấc chăng? Hay vì hình ảnh những con người đêm đêm lặng lẽ trên con đường trơn ướt lạnh mướt mải với cuộc sống mưu sinh đầy cơ cực đã làm lay động trái tim vốn nhạy cảm của tôi. Bất giác những thước phim quay chậm của đoạn phóng sự "những cụ già mưu sinh trong đêm đông" lại khiến lòng tôi quặn thắt. Thương thay cho những bậc cao niên tuổi ngoài 70 móm mém phều phào, lập cập run rẩy kiếm từng đồng bạc lẻ còm cõi nơi vỉa hè, đường phố bằng việc bán nước, bơm xe, bán báo để sống nốt những tháng ngày hiu hắt của tuổi già. Trong những phút giây kiệt cùng như thế họ vẫn gắng gượng bước đi không một lời than thân trách phận.
Đã hơn chục năm qua, cụ Nhâm chọn góc vỉa hè làm nơi bán báo kiếm sống. Ảnh: Bá Đô - VnExpress. |
Thử hỏi một số người trẻ thời nay có động lòng trắc ẩn khi chứng kiến những mảnh đời cơ cực như thế? Dường như một số người đã trở nên lạnh lùng vô cảm, sướng quá hoá rồ, hễ mở miệng là nói tục chửi thề, vung tiền không cần suy nghĩ, ăn mặc quần áo kiệm vải, sài thuốc lắc và thác loạn trong những điệu nhạc cuồng quay. Lối sống tầm gửi, buông thả, thích tìm cảm giác mạnh, "phiêu" và thể hiện mình của họ có thể tặc lưỡi đổ tại phần nào vào sự ngông cuồng của tuổi trẻ, sự thiếu trải nghiệm với đời, thiếu kỹ năng sống. Còn một số bậc làm cha, làm me, thậm chí làm ông, làm bà không hiểu sao vẫn ăn no rửng mỡ, bỏ bê cả gia đình, đánh đổi cả công danh, sự nghiệp để rồ dại miết mải chạy theo một cô gái làng chơi hoặc một gã sở khanh chuyên nghiệp.
Chẳng biết có khi nào những con người ấy bước đi chậm lại để nhìn lại mình, nhìn lại đời và từ nơi sâu thẳm con tim họ có xót xa, tiếc nuối những ngày sống hoài, sống phí? Họ cảm nhận gì khi đứng trước những số phận lang thang cơ nhỡ không một chốn đi về. Và họ thấy sao khi ở trước những em bé tật nguyền mà vẫn vượt lên trên số phận để làm nên những kỳ tích cho cuộc đời?
Dẫu biết, một đời ai cũng phải trải qua những thăng trầm của cuộc sống. Và đôi khi bước chân trên đường đời mỏi mệt, ta để nỗi buồn choán ngợp tâm tư. Những phút giây kiệt cùng như thế, ta thấy mình chẳng còn chút sức lực, ta muốn trốn chạy, muốn buông xuôi tất cả, muốn được trở về tuổi ấu thơ để gục đầu vào lòng mẹ, để được yêu thương, an ủi, vỗ về. Nhưng thời gian cứ trôi và cuộc sống không ngừng tiếp diễn với guồng quay khắc nghiệt.
Và mỗi chúng ta đều phải tự bước qua nỗi buồn của bản thân để bước tiếp chặng đường dài phía trước với bộn bề công việc còn dang dở. Ta nhủ lòng mình hãy sống sao cho mỗi ngày qua đi là mỗi ngày các con ta luôn tự hào về cha mẹ của chúng.
Ngắm nhìn bọn trẻ đang say sưa trong giấc nồng, hai má chúng ửng hồng lên vì nẻ, vì hơi ấm và cả vì niềm hạnh phúc được sống trong tình yêu thương vô bờ của các bậc sinh thành mà lòng mình ngập tràn cảm xúc. Chợt thấy yêu hơn bao giờ hết ngôi nhà và những đứa trẻ dễ thương của mình.
Ngoài trời mưa vẫn rơi, gió vẫn rít qua từng khe cửa, nhưng hy vọng và tin rằng những ngày đông ảm đạm sẽ qua, mưa sẽ ngừng rơi, bình minh sẽ ló rạng và nắng xuân sẽ lại về gõ cửa từng con phố, nhành cây. Ta khẽ mỉm cười để chào đón một ngày mới sắp bắt đầu!