![]() |
Giờ ăn trưa của học sinh bán trú tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. |
Hiện nay, trên địa bàn TP HCM có trên 900 trường học bán trú, trong đó có khoảng 300/458 trường tiểu học. Ngoài một số trường đặt suất ăn công nghiệp, phần lớn các trường đều tổ chức bếp ăn tập thể.
Nhưng dù là nấu ăn tại trường hay mua suất ăn công nghiệp thì chất lượng bữa ăn vẫn là một yếu tố mà các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm
Theo số liệu của các trường vào đầu năm học, chi phí cho mỗi suất ăn đã tăng lên 10-20% tuỳ địa bàn, trung bình chi phí tiền ăn mỗi học sinh bán trú hiện nay từ 8.000 đến 12.000 đồng/ngày. Điều này góp phần làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho các phụ huynh, ngoài ra còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ dinh dưỡng đối với học sinh.
Trường tiểu học Minh Đạo, quận 5, có trên 2.000 học sinh học bán trú, do đó mỗi ngày đội ngũ cấp dưỡng của nhà trường phải chuẩn bị một khối lượng thức ăn tương đối lớn. Khoảng 6h sáng, các cấp dưỡng đã phải có mặt tại trường để nhận thực phẩm, tiếp đến là công đoạn sơ chế và chế biến.
Thông thường, bữa ăn gồm có cơm, món mặn, canh và món tráng miệng. Trung bình, mỗi học sinh sẽ ăn hai bát cơm, bát thứ nhất ăn với thức ăn mặn và bát thứ hai ăn với canh. Ngoài ra, nhà bếp luôn nấu dư ra một ít để đáp ứng nhu cầu ăn thêm của một số em... “Đối với bậc tiểu học, nhiệm vụ chính là dạy học chứ không phải nuôi dưỡng như bậc mầm non nên quan niệm của chúng tôi là cho học sinh ăn no là chính…”, cô Võ Ngọc Thu, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định. Ngoài bữa ăn trưa, học sinh còn có một bữa ăn xế vào khoảng 14h với thức ăn nhanh như bánh, chè... “Để đa dạng bữa ăn xế của các em, nhiều bữa nhà trường định thay món chè bằng sữa, tuy nhiên giá một hộp sữa thường từ 3.000 đến 4.000 đồng/hộp là quá cao so với số tiền ăn 8.000 đồng/ngày nên đành chịu”, cô Thu cho biết thêm.
Khoảng 11h ngày 21/9, chúng tôi đến Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Đây đang là giờ ăn của các em học sinh khối 1, khối 2. “Mỗi bữa ăn của học sinh, chúng tôi đều cố gắng đảm bảo đủ từ 900-1.200 kalo/em. Để học sinh ăn hết khẩu phần ăn, thực đơn sẽ được thay đổi mỗi ngày. Nhà bếp có trách nhiệm lên thực đơn/tuần và thông qua ban giám hiệu duyệt. Hiện nay, tiền ăn là 10.000 đồng/ngày chỉ đủ để nhà bếp cung cấp bữa ăn chính cho học sinh…”, cô Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Không tổ chức bếp ăn tập thể, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, Trường tiểu học Đống Đa, quận 4… chọn phương án đặt suất ăn công nghiệp. Hơn 10h30 phút, thức ăn sẽ được nhà cung cấp đem tới. Đến giờ ăn, các bảo mẫu phát cho mỗi em một khay, cũng có đầy đủ các món cơm, mặn, canh và tráng miệng. Về chất lượng của bữa ăn, mặc dù nhà trường đưa ra thực đơn nhưng lại không trực tiếp nấu nên mỗi suất ăn có đảm bảo đủ 900-1.200 kalo hay không thì ban giám hiệu nhà trường không thể biết. Theo ghi nhận của PV, có không ít học sinh không ăn hết khẩu phần ăn.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, tình trạng dinh dưỡng ở trẻ các cấp học phổ thông không hề tốt hơn trẻ nhỏ, trẻ lứa tuổi mầm non như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ. Thực ra, còn có nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn. Theo đó, thống kê vào 2006, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ 6-14 tuổi là 32,8%.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề mà các trường tổ chức bán trú, nhất là các trường tổ chức bếp ăn tập thể đặc biệt quan tâm. Khi được hỏi nguồn thực phẩm được lấy ở đâu, hiệu trưởng các trường tổ chức bếp ăn tập thể đều khẳng định lấy ở các công ty như Vissan, Hạ Long… “Biết là lấy thực phẩm ở các công ty có tên tuổi sẽ mắc hơn mua hàng ở chợ nhưng mà yên tâm về chất lượng”, cô Thu, Trường Minh Đạo cho biết. Khoảng 6h mỗi ngày các nhà cung cấp thực phẩm sẽ đưa thực phẩm tới trường. “Ban giám hiệu nhà trường phân công nhau đến sớm để cùng đội ngũ cấp dưỡng kiểm tra khâu tiếp phẩm. Thực phẩm nào không đạt yêu cầu đều bị loại ra”, cô Điệp, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nói.
Mặc dù các trường đã rất cẩn thận trong vấn đề đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, tuy nhiên hầu như năm nào cũng có một vài trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt là một số trường ở các quận ven như quận Bình Thạnh, quận 12, các huyện ngoại thành và những trường đặt suất ăn công nghiệp.
Thày Nguyễn Nghĩa Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, quận Tân Bình, cho rằng ngộ độc thực phẩm trong trường học đang bị coi là chuyện hên, xui. Việc kiểm định chất lượng bữa ăn bán trú phụ thuộc hoàn toàn vào cán bộ y tế học đường, qua kinh nghiệm về màu sắc và mùi vị đồ ăn. Quy trình kiểm định hầu như không có sự hỗ trợ của các thiết bị y tế, ngoài những khay lưu thức ăn mẫu…
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)