Nằm đối diện chùa Ngọc Hoàng (chùa Phước Hải), quận 1, TP HCM, tiệm đồ chay khiến thực khách trẻ thích thú với thực đơn sushi chay vị vừa lạ vừa quen. Trong đó, sushi tảo đỏ có phần "cá hồi" gây ấn tượng với nhiều người bởi trông như lát cá hồi sống trong sushi Nhật. Món ăn do anh Quang Minh, người từng là đầu bếp tại một nhà hàng Nhật, nghĩ ra. Anh cho biết sushi tảo đỏ được lấy cảm hứng từ ẩm thực Nhật Bản. Dù có kinh nghiệm nấu nhiều món chay lẫn món Nhật, anh vẫn tốn không ít thời gian nghĩ ra công thức hoàn chỉnh cho lát cá hồi đẹp mắt.
Anh Minh không tiết lộ công thức cụ thể của "cá hồi", chỉ cho biết nó được làm từ tảo đỏ xay nhuyễn, trộn với bột, rau câu... Để tạo hình miếng phi lê cá màu cam hồng lẫn những vân trắng trông như thật, anh sử dụng màu thực phẩm. Toàn bộ quy trình làm "cá hồi" mất khoảng hai tiếng đồng hồ. Sau đó, miếng phi lê cá được cấp đông rồi dùng dần. Mỗi sáng đến quán, anh rã đông "cá" về nhiệt độ phòng. Miếng cá mềm mềm, có chút độ dai, béo nhẹ.
Ngoài thành phần chủ chốt là "cá hồi", các thành phần còn lại của sushi tảo đỏ như: cơm Nhật, dưa leo, cà rốt, xà lách... chuẩn bị khá nhanh, khoảng 10-15 phút là xong. Khi có khách gọi món, anh dùng một chiếc mành tre, bắt đầu cuộn sushi.
Anh trải một lớp rong biển lên trên mành tre, sau đó trải đều cơm Nhật. Cơm được nấu sẵn, để nguội và phải có độ dẻo mới đúng điệu. Tiếp đến là các loại nhân sushi như dưa leo, cà rốt, "cá hồi", xà lách. Dùng mành tre cuốn thật khéo sao cho tất cả thành phần dính chặt vào nhau, tạo thành một cuộn dài rồi xếp từng lát "cá hồi" thái mỏng lên trên cùng.
Sushi trang trí theo đúng kiểu món Nhật, đặt trong đĩa dài, kèm vài lát gừng hồng. Tương tự sushi mặn, sushi tảo đỏ được phục vụ với chén nước tương pha wasabi. Khi ăn, thực khách kẹp miếng gừng ngâm chua ngọt, chấm nước tương.
"Nếu không nói, có lẽ tôi không nhận ra đây là món chay bởi nó rất giống các món sushi cá hồi mặn. Mùi wasabi xộc lên mũi, càng mang lại cảm giác chân thật hơn", chị Tâm (quận Tân Phú) nói.
Bài và ảnh: Vi Yến