![]() |
Vợ chồng anh Lập đang ngồi bên chiếc sừng tê giác và bộ xương chưa rõ nguồn gốc là xương gì. |
Sáng 18/11, tại nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Lập, 40 tuổi và chị Nguyễn Thị Kim Thoa, 42 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Chị Thoa đang nằm vật vã trên võng, vừa quệt nước mắt vừa nói: "Mất hết rồi, tại sao biết bị lừa mà chúng tôi vẫn bị lừa, khổ quá chị ơi".
Mãi sau chị mới bình tĩnh kể lại quá trình mình bị lừa. Vào đầu tháng 11 chị đang ở nhà thì có một thanh niên khoảng 30 tuổi, nói tiếng lơ lớ người dân tộc mang một con trăn 11kg bỏ trong túi nhựa (vì nhà chị Thoa kinh doanh thức ăn gia súc nên có bàn cân) đến hỏi chị có mua trăn không.
Vì trước đó ông chủ cây xăng gần nhà trả giá 800.000 đồng nhưng người thanh niên không bán, chị Thoa bảo không mua, người thanh niên bảo cho gửi lại, nếu có ai đến mua thì bán giùm với giá 1,1 triệu đồng và để lại cho chị Thoa một danh thiếp nếu có ai cần mua bán động vật hoang dã thì gọi cho anh ta.
Đến đầu giờ chiều có một người thanh niên đi xe BKS 61 đến hỏi: "Nghe mấy anh xe hon da ôm ở đầu đường chỉ nhà chị có bán trăn, tôi đến để mua về nấu cao cho bố". Nghe vậy chị Thoa liền bán cho người thanh niên với giá 1,1 triệu đồng. Chị Thoa gọi điện báo tin vui cho chủ trăn.
Vài phút sau chủ trăn đến lấy tiền và bo lại cho chị Thoa 100.000 đồng. Vài ngày sau, người bán trăn hôm trước đến nhà chị Thoa nói, đang có một sừng tê giác rất quý, bố anh ta muốn bán để mua đất trồng cà phê, chị xem có ai mua thì bán lại giùm, anh ta sẽ cho chị vài triệu tiền lời.
Khoảng 5 ngày sau người thanh niên mang theo một bao hàng quý hiếm đến nhà chị Thoa và bảo: "Trong bao này gồm một bộ xương và một chiếc sừng tê giác, nhưng tao chỉ bán sừng tê giác thôi còn bộ xương này tao để dành nấu cao".
Nghĩ đây là vật quý hiếm, vì vợ chồng chị cũng đã có lần thấy nhà hàng xóm có dùng loại sừng này để trị bệnh, hơn nữa chị cũng đang có mối tiêu thụ là một người thanh niên từng mua trăn trước đây. Sau một hồi tự giám định, vợ chồng chị quyết định thỏa thuận mua chiếc sừng tê giác với giá 230 triệu đồng.
Sau đó chị Thoa gọi điện thoại cho người mua trăn hôm trước anh ta bảo sẽ mua lại với giá 280 triệu đồng.
Chị Thoa kể: "Chắc vợ chồng tôi bị bùa hay bị thôi miên gì đó, nên khi nghe vậy tôi vội chạy đi gom tiền để mua sừng tê giác. Trong nhà mới bán được bầy heo, cộng với tiền mặt còn lại cũng tròm trèm được 50 triệu, chạy đi mượn cậu út được 60 triệu đồng và mang giấy tờ nhà đi cầm ở tiệm vàng được 120 triệu đồng để cho đủ 230 triệu đồng đưa cho người bán hàng gia bảo".
Khi kẻ bán hàng vừa đi khỏi, vợ chồng anh Lập và hàng xóm vội lấy hàng ra xem kỹ, anh Lập lấy dao rựa đập nát sừng tê giác ra từng mảnh nhỏ thì được nhiều người ồ lên: "Đây cũng là sừng nhưng mà là sừng... bò vì có màu nâu đen".
Biết bị lừa nhưng khi tỉnh ngộ nhận biết thì kẻ lừa đảo đã đi mất. Vợ chồng anh Lập giờ chỉ còn biết hối hận vì sự nhẹ dạ cả tin, giờ lại ôm thêm một khối nợ vì cái sừng tê giác dỏm này. Ở Tây Ninh không phải đây là lần đầu các nạn nhân bị lừa do tin tưởng vào món lời. Nhưng khi biết mình bị lừa, họ lại cho rằng mình bị mấy người đó bỏ bùa ngải để chiếm đoạt tài sản.
Những đối tượng đi lừa đảo thường "chọn mặt gởi vật gia bảo" vào những người có cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ ở khu vực vắng vẻ, nơi mà người dân mất cảnh giác nhiều nhất, sẽ dễ mắc bẫy của những kịch bản cũ rích mà các đối tượng lừa đảo là diễn viên diễn tuồng trước bà con.
(Theo Công An Nhân Dân)