Khoảng nửa đêm, một hình thù quái đản, tóc xoã, mặt bôi đen, lưỡi dán giấy đỏ dài, bỗng ho khẽ một tiếng, rồi lừ lừ tiến vào trong lều. Em học trò canh xác hoảng sợ, bỏ chạy. Không may, chân em vướng vào một lỗ rách giữa chiếu và dẫm lên da thịt cái thây. Thế là xác chết bỗng giẫy mạnh một cái như bị điện giật, chồm lên, quờ tay níu lấy chân cậu bé. Con ma, vốn là một cậu bé nghịch ngợm mặc dù sợ rúm cả người, vẫn liều chết lao tới, ghì chặt "con quỷ nhập tràng", mong cứu bạn...
Rạng sáng, các thầy dòng vào lều bỗng sững lại trước một cảnh thương tâm: giữa lều là 3 cái xác bé bỏng, co quắp nằm đè lên nhau: xác em bé sợ "ma", xác "quỷ nhập tràng" và xác "con ma giả"... Căn cứ vào cách ăn mặc của "con ma giả" và tư thế của ba xác chết, cảnh sát và các thầy dòng đã dựng lại diễn biến của câu chuyện theo trình tự kể trên.
20 năm sau, trong thư viện của Trạm sinh học Poiaconda trên bờ sông Đen ở vùng Bắc Cực, giáo sự Lê Quang Long, người Huế, đã tình cờ tìm ra chìa khoá của chuyện buồn xảy ra trên quê hương ông, trong một bài báo của tập san "Kỹ thuật và Tuổi trẻ", số 193. Báo kể lại một chuyện tương tự, nhưng đánh thức "quỷ nhập tràng" không phải một em bé, mà là một con mèo đen! Dòng điện rất mạnh của sự khiếp đảm do cơ thể mèo, quạ và cậu bé phát đi đã làm cái xác "bị giật bắn". Mọi tế bào của một cơ thể sống đều là những pin điện tí hon. Dòng điện của chúng rất yếu. Với thực vật: điện của tế bào rễ củ hành là 50 mV, của tảo Nitella là 60 mV, của bèo Nhật Bản là 65 mV... Với động vật và người, điện của tế bào cảm quang mắt là 40 mV, của bắp thịt là 60 mV, của não là 90 mV...
Ta lấy một ví dụ: cách đây khoảng 5.000 năm, người cổ Ai Cập sống trên bờ sông Nile đã biết: "dưới sông có những con cá trê (Malapterus) quật ngã được nhiều thú lớn như trâu bò khi chúng xuống sông uống nước bằng những cú đánh hiểm hóc và đột ngột, mà mắt của người trần không sao thấy kịp". Ngày nay, khoa học đã phát hiện trên 900 loài cá có khả năng phóng điện như vậy. Loài nào cũng mang trên mình 1-2 "nhà máy điện", gồm vô số đơn vị phát điện trị số 60-120 mV. Cá đuối điện (Torpedo) trong biển Italy hay quần đảo Guyan có 90 "cột điện" đấu song song, mỗi cột gồm 400 "tấm điện" đấu nối tiếp. Cá chình điện ở Nam Mỹ (Electrophorus) có 140 cột điện và 6.000 tấm điện. Lúc săn mồi hoặc đánh nhau với kẻ thù, cá phóng liên tiếp 3-5 (có lúc 30-50) xung điện, mỗi xung điện của cá chình điện có thể lớn tới 600 V, với cường độ 1 ampe. Người ta đã có lần đo được trên một con cá đuối điện lớn miền Tây Âu (Torpedo occidentalis) dòng điện phóng đi lớn cỡ 1.000 V, với công suất 6 kW! (Theo Prosper, 1962).
Năm 1974, dư luận Italy xôn xao vì có một em bé tên là Supina, lúc cáu giận, có thể đốt cháy sách, chăn, màn, và cả chiếc giường em đang nằm. Tổng thống Italy dạo ấy là Santorini, đã treo giải 50.000 USD cho ai giải thích được hiện tượng đó. Thực ra, "lưỡi tầm sét" đáng sợ của "ông Thiên Lôi" 12 tuổi đó là tia chớp điện phóng đi từ 15 tỷ tế bào - pin sống của não cậu bé!
Mấy năm sau, đến lượt Đài truyền hình nước Nga thông báo: cô bé 13 tuổi Lútmila dùng má gây điện từ, hút một lúc... 6 chiếc bàn ủi! Còn Manzacki ở Ba Lan thì tuyên bố: não người là một trạm thu và phát sóng điện từ có chiều dài sóng lớn vài mươi mét, nên chẳng có gì lạ nếu ta có khả năng "thần giao cách cảm"!
Những chuyện giật gân như vậy nhiều vô kể trong các tập san và tạp chí vật lý, hoá học, sinh học đông tây kim cổ và cả trong đời thường. Bệnh viện lớn nào của ta chẳng có máy ghi điện tim? Và khoa tâm thần của các bệnh viện Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Cần Thơ... đều có máy ghi điện não.
Nhà vật lý Anh M. Faraday, người phát hiện và ứng dụng điện cảm ứng vào chữa bệnh đã có lần nói: "Cho dù điện vật lý có hấp dẫn bao nhiêu thì cũng chẳng thể nào đem so được với sức cuốn hút kỳ diệu của điện sinh học, của dòng điện đang sống trong mỗi chúng ta".
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)