PV Thanh Niên bắt đầu cuộc tìm hiểu về sức mạnh của con bổ củi bằng những ký ức từ ngày ấu thơ... Ngày xưa sống ở quê nhà - vùng sông nước Hậu Giang, anh em tôi thỉnh thoảng moi được từ bọng cây ô môi vài con bổ củi. Con côn trùng này dài chừng 3 cm, toàn thân đen tuyền. Đầu nó dài bằng 1/3 thân và cực khỏe. Em tôi đặt bổ củi lên bộ ngựa rồi lấy tay đè lên đuôi nó và cứ thế cười khoái chí khi chứng kiến cảnh bổ củi liên tục "bổ củi" nghe cốc cốc... Xong, em tôi lật ngửa bổ củi và chỉ trong nhoáng mắt, nó đã tì đầu búng lên cao khoảng 30 cm rồi lật úp lại nhanh nhẹn bò đi. Loài bổ củi này quả có sức mạnh lạ thường. Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 1999) ghi: bổ củi là bọ cánh cứng, có phần ngực khớp với phần bụng, đầu ngóc lên hạ xuống trông như bổ củi. Riêng về "nhà" của bổ củi - cây ô môi - trong quyển "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", có ghi: “Quả ô môi chín dùng sống chữa táo bón, ngâm rượu uống làm thuốc tiêu, bổ giúp ăn ngon cơm, đỡ đau lưng, đau người. Lá ô môi tươi có thể sắc uống chữa đau lưng”. Bổ củi sống trong thân cây ô môi, lại có sức mạnh. Phải chăng đó là nguyên nhân của những lời đồn đại về dược tính "hồi dương, trị liệt" của nó?
Một bác sĩ ở Bệnh viện Y học cổ truyền Cần Thơ cho rằng, đến nay vẫn chưa có tài liệu nào nói cụ thể về dược tính của bổ củi. Tuy nhiên, những lời truyền tai về khả năng tăng cường sinh lực cho đàn ông của bổ củi là rất đáng quan tâm nghiên cứu. Bởi không ai dại gì bỏ ra 1,3 triệu đồng để mang về nhà một hũ rượu gạo 10 lít, trong đó chỉ có 1 thang thuốc bắc và 1.000 con bổ củi, để rồi uống dần dần và tiếp tục mách bảo nhau tìm mua uống... Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bao đời nay không chỉ nổi tiếng về dòng sông bảy ngã mà còn là nơi mua bán động vật hoang dã của cả vùng. Xứ sở này cũng là nơi sản sinh những thầy thuốc rắn lừng danh như thầy Năm Rô. Thầy Năm đã qua đời cách đây 2 năm, con ông là Lương Văn Minh tiếp tục nghiệp cha. Anh Minh năm nay tuổi 44, được cha truyền nghề chữa rắn cắn khi còn độ tuổi thiếu niên. Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh làm việc tại trại rắn Đồng Tâm ở Tiền Giang, và đã cứu chữa miễn phí không biết bao nhiêu trường hợp bị rắn độc cắn. Minh kể, vợ chồng anh trước đây kinh doanh rùa, rắn nhưng bây giờ chuyển sang nghề làm rượu thuốc tắc kè, bọ cạp, hải mã và nhất là rượu bổ củi. Minh có cả chục nghìn con bổ củi sống nhảy tanh tách. Anh kể, số bổ củi này anh mua từ Campuchia. Nước bạn còn rất nhiều rừng ô môi bạt ngàn, bổ một cây đôi khi bắt cả ngàn con. "Nhờ nguồn bổ củi dồi dào này mà khách hàng chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng là vài hôm sau tôi có ngay số lượng để giao hàng", Minh nói. Bên ly rượu bổ củi màu cánh gián thơm không thua rượu tây, Minh kể tiếp: "Nhờ thứ này tẩm bổ thường xuyên mà lúc nào cũng dẻo dai, đi lấy hàng, giao hàng miền Đông, miền Tây đều bằng Honda cả. Một con bổ củi sống tôi bán 1.100 đồng. Một bình rượu 1.000 con bổ củi (500 con xay nhuyễn, 500 con để nguyên) + 1 thang thuốc bắc hơn 20 vị + 10 lít rượu gạo gốc hơn 40 độ tôi ra giá 1,3 triệu mà người ta đặt mua làm không kịp". Anh kể, hôm rồi có một doanh nghiệp ở Đắk Lắk điện xuống kêu mang lên 10.000 con sống để pha chế. Anh bảo với số lượng đó thì phải cho 15 triệu đồng mới lên chế biến tận nơi được. Họ đồng ý ngay". Minh cười hề hề: "Cũng nhờ rượu bổ củi mà tôi có dịp ra Hà Nội. Anh em nhờ mang nguyên con sống ra đó rồi chế biến, ngâm rượu tại chỗ. Nói thật, bình rượu 1.000 con giá 1,3 triệu đồng tôi lời đúng 150.000 đồng. Vợ chồng tôi đâu túng thiếu gì...". Nhìn căn nhà khang trang, nội thất đắt tiền của Minh ngay mặt tiền huyện lỵ Phụng Hiệp, ai cũng tin là anh nói thật. Gặp một số khách hàng của Minh tại Cần Thơ. Ông Long khi mới tiếp xúc tỏ ra rất ngại nhưng khi nghe phóng viên cam đoan chỉ nêu tên tắt, ông mới mạnh dạn "khai báo" chuyện phòng the. Ông nói: "Tôi chưa tới 50 nhưng đã bị "yếu" từ nhiều năm qua, vợ sinh nghi có vợ bé nên cự hoài. Khổ tâm lắm, tôi tìm đủ thuốc nhưng chẳng ăn thua. Tình cờ một lần đi ngã bảy, tôi biết Minh và mua một lúc 10.000 con bổ củi sống.Vợ chồng nó rang tại chỗ và tôi mang về cứ xúc bỏ vô họng mà nuốt. Tọng xong số bổ củi đó, tôi như hồi xuân ông ạ! Hiện nhà tôi không bao giờ thiếu rượu bổ củi của thằng Minh". Còn ông Nguyện ở Bình Thủy đã ngoài 60 nhưng bà vợ sau chưa tới 50. Bị "trục trặc" do tuổi đã cao, ông phải cầu viện tới Minh và bây giờ thì "ngon lành". Ông cười ha hả chỉ vào hũ rượu, nói rượu này đúng là "ông uống bà khen". Thế nhưng ông cũng cảnh báo, rượu phải dùng trường kỳ, mỗi lần một ít, uống lần cả lít chỉ có nước chết. Ông có một số đồng nghiệp cũng dùng rượu bổ củi và ai cũng thừa nhận công hiệu của nó. Dân gian luôn có những bài thuốc hay. Tuy loài bổ củi chưa được đề cập một cách chính thức trong các tài liệu khoa học nhưng từ những thực tế đã kể trên, thiết nghĩ cũng nên có một cuộc nghiên cứu thấu đáo về loài côn trùng này. Bổ củi thật sự có dược tính, hay chuyện "hồi dương" chỉ thuần túy là yếu tố tâm lý theo kiểu "bổ củi có sức mạnh, dùng nó đàn ông chắc phải khỏe"?
|