Những đứa con nhà họ Kiều kể về hành trình trưởng thành của năm anh em Kiều Nhất Thành, Kiều Nhị Cường, Kiều Tam Lệ, Kiều Tứ Mỹ, Kiều Thất Thất. Năm 1977, người mẹ qua đời sau khi sinh con trai út Thất Thất. Nhà quá nghèo, Thất Thất được gửi cho dì ruột nuôi dưỡng, Tứ Mỹ cũng suýt nữa bị bán đi. Sống cùng người cha vô lương tâm, những đứa trẻ sớm phải trưởng thành. Từ lúc 11-12 tuổi, Nhất Thành đã phải thay cả cha lẫn mẹ chăm sóc, dạy dỗ các em nên người.
Cảnh tượng người cha tranh ăn của con gây xót xa trong Những đứa con nhà họ Kiều
Tiếng cười, nước mắt của tình thân
Câu chuyện gia đình với mối quan hệ anh chị em ruột thịt là đề tài đã được khai thác quá nhiều trong phim Trung Quốc. Dù vậy, Những đứa con nhà họ Kiều tạo được những sức hút riêng. Nhịp phim nhanh gọn, tình huống trớ trêu được tung ra liên tục nhưng không lê thê. Cảnh bi và cảnh hài đan xen nhịp nhàng. Cho đến hiện tại, phim không gây mệt mỏi vì các cảnh tranh cãi và gào thét, không nhấn chìm khán giả trong biển nước mắt của nhân vật.

Lũ trẻ tranh nhau liếm nước cháo thừa của em bé.
Bi kịch của phim đến từ xuất thân, bối cảnh sống của gia đình và xung đột do khác biệt tính cách của mỗi thành viên. Anh cả Nhất Thành nghiêm khắc, khó tính. Anh hai Nhị Cường chân thành và chung tình, nhưng vì quá thật thà nên dễ bị kẻ xấu dụ dỗ. Chị ba Tam Lệ dịu dàng, sống vì người khác. Cô tư Tứ Mỹ đua đòi nhưng thẳng thắn, tình cảm. Cậu út Thất Thất hướng nội và tự ti.
Họ đều sống cho người nhà nhưng không hy sinh mù quáng. Ngược lại, mỗi người đều trân trọng lý tưởng và góc nhỏ của riêng mình. Phim khai thác nhiều kiểu tâm lý đời thường. Những tập đầu của phim làm người xem vừa thương vừa tức nhưng càng về sau, không khí phim càng tươi sáng, không rơi vào bi lụy như nhiều phim cùng chủ đề.
Gây phẫn nộ nhất là người bố Kiều Tổ Vọng. Đó là một gã đàn ông lười biếng, tự phụ, ham tiền, tham ăn, mê bài bạc. Nhà có một quả trứng, mình ông ăn lòng đỏ hấp, còn bốn đứa trẻ chung nhau bát lòng trắng nấu loãng và tưởng tượng đó là đủ thứ mỹ vị nhân gian. Lúc con cái đau bệnh, ông chẳng xót con mà chỉ lo tốn tiền thuốc men. Khi con trai bị người lạ xông vào nhà hành hung, ông không thèm ngó ngàng, chỉ than vãn đồ đạc trong nhà bị đập phá. Ngày các con còn nhỏ, ông mặc cả từng đồng học phí, chỉ mong con bỏ học. Sau này con cái lớn lên, ông vòi vĩnh từng đồng tiền ăn, tiền mặc.
Đối với một người cha như thế, năm anh em họ Kiều chỉ sợ và khinh chứ chưa từng nể trọng. Tuyến vai này đóng vai trò gây sóng gió chính trong gia đình, giống như đòn bẩy làm nổi bật nỗi khổ, nghị lực, tình thương và sự đoàn kết của anh em.
Cảnh phim người cha đòi tiền trợ cấp của các con
Sức quyến rũ thời đại
Trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc, phim đương đại hoặc phim về thời phong kiến, thời Dân quốc vô cùng phổ biến, nhưng phim đề cập hậu cách mạng văn hóa, về thời đại thập niên 1970, 1980, 1990 thì không nhiều. Đây là một điểm độc đáo làm nên sức hút cho Những đứa con nhà họ Kiều.

Tống Tổ Nhi đóng vai Kiều Tứ Mỹ - cô tư tân thời của nhà họ Kiều.
Tuy bối cảnh dàn dựng giả trong phim trường Hoành Điếm, bộ phim tái hiện khá chân thực kiến trúc nhà ở, không khí phố phường, kiểu dáng xe cộ, văn hóa đời sống và xu hướng thời trang Trung Quốc mấy chục năm trước. Nhiều tình huống trong phim gây cảm giác lạ lẫm, thú vị đối với thế hệ trẻ ngày nay nhưng lại đánh thức cả vùng trời ký ức ấu thơ hay thanh xuân của các thế hệ trước.
Đó là nỗi đau của những gia đình nghèo phải đem con đi bán, là những buổi tối cả xóm xôm tụ xem ké tivi nhà hàng xóm, là niềm hân hoan khi nhà mình lần đầu sắm tivi và tủ lạnh, là niềm tò mò háo hức trước sự du nhập của văn hóa ngoại lai thời mở cửa... Với những cảnh tượng nhuốm màu hoài cổ như thế, khán giả Việt Nam cũng tìm thấy sự đồng cảm.
Trải dài qua nhiều thập kỷ, bộ phim Những đứa con nhà họ Kiều điểm mặt đọc tên nhiều biểu tượng của nền văn hóa đại chúng Hoa ngữ. Âm nhạc của Đặng Lệ Quân, những cuốn phim của Châu Nhuật Phát, danh tiếng của tứ đại thiên vương Hong Kong, sự nổi lên của nhóm Những Chú Hổ Con đến từ Đài Loan, cơn sốt ngoại lai của Madonna, Michael Jackson cùng phong cách theo đuổi thần tượng trải qua từng niên đại là những yếu tố nâng đỡ thêm cảm xúc cho bộ phim.

Chuyện tình yêu trong Những đứa con nhà họ Kiều được thể hiện mộc mạc.
Lựa chọn diễn viên tinh tế
Những đứa con nhà họ Kiều có ba diễn viên đóng Nhất Thành và Nhị Cường, bốn diễn viên đóng Tam Lệ và Tứ Mỹ. Dàn sao nhí diễn xuất thông minh và sinh động. Dàn diễn viên trưởng thành gồm Bạch Vũ vai Nhất Thành, Trương Hiểu Ý vai Nhị Cường, Mao Hiểu Đồng vai Tam Lệ, Tống Tổ Nhi vai Tứ Mỹ đều hợp vai, ra chất nhân vật từ ngoại hình tới nét diễn. Nam diễn viên Lưu Quân khắc họa ông bố xấu tính một cách xuất sắc, làm khán giả ghét qua từng cảnh phim. Dàn diễn viên phụ của phim cũng vô cùng tròn vai.
Những đứa con nhà họ Kiều dài 36 tập, chiếu song song tại Việt Nam và Trung Quốc. Phim hiện nhận số điểm Douban khả quan 8,7/10, được coi là đánh thức hoài niệm của nhiều người Trung Quốc.

Nam diễn viên Lưu Quân thành công với vai diễn người cha tồi tệ.
Phong Kiều