Giữa tháng 11, tỷ giá VND/USD của NH Ngoại thương chi nhánh TP HCM mấp mé 16.100 đồng/USD. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, tỷ giá VND/USD đang đi theo chiều ngược lại. Ngày cuối tuần 22/12, tỷ giá VND/USD mua vào của NH Ngoại thương TP HCM chỉ còn 16.067 đồng/USD. Mức giá này còn thấp hơn tỷ giá ngoại tệ liên NH do NH Nhà nước công bố. Tỷ giá liên NH do NH Nhà nước công bố trong ngày cuối tuần (22/12) là 16.088 đồng/USD, cộng với biên độ 0,25%, đúng ra các NH có thể mua USD của doanh nghiệp và người dân ở giá 16.128 đồng/USD. Giá mua vào của các NH giảm mạnh, kéo giá USD trên thị trường tự do giảm theo. Theo một giám đốc NH, hiện nay ưu tiên mua ngoại tệ của những doanh nghiệp xuất khẩu. Những trường hợp chưa cần thiết thì NH đề nghị khách hàng giữ lại, song song đó NH giảm giá mua để giảm bớt nhu cầu bán ngoại tệ. Theo thông lệ, nguồn cung ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm nhưng năm nay tăng mạnh hơn. Xuất khẩu năm 2006 đạt mức cao, gần 36,9 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm trước. Hiện các doanh nghiệp đang hối thúc nhau thanh toán để kịp quyết toán sổ sách cuối năm nên lượng ngoại tệ tăng đột biến. Cũng đang vào cao điểm của kiều hối, ước tính có không dưới vài trăm triệu USD được chuyển về VN trong những tháng trước tết. Bên cạnh đó, kiều bào về quê ăn tết cũng mang theo một lượng rất lớn ngoại tệ tiền mặt cần chuyển thành VND để chi xài. Đặc biệt, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán VN đã thu hút các qũy đầu tư nước ngoài vào VN mang theo hàng trăm triệu USD, trong khi các năm trước không có nguồn ngoại tệ này hoặc có nhưng không đáng kể. Nhu cầu bán ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn nhưng các NH đành “bó tay” vì không có đủ VND để mua. Theo nhiều chuyên gia NH, lạm phát cao cũng là một mối lo nhưng cần phải cân nhắc, không nên tuyệt đối hóa việc chống lạm phát. Việc không đưa VND ra mua ngoại tệ có thể góp phần kiểm soát lạm phát, nhưng cũng phải “trả giá” vì dòng vốn nước ngoài đang bị “nghẹn” ở các NH do không thể chuyển hóa ra VND và các doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị thiệt do VND lên giá. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên nên kết hợp nhiều mục tiêu và tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc. Giám đốc một NH cho biết theo qui định, các NH chỉ được giữ một lượng ngoại tệ ở mức qui định, gọi là trạng thái ngoại tệ. Tỷ lệ trạng thái ngoại tệ được NH Nhà nước theo dõi hằng ngày, nếu vượt NH sẽ bị phạt. Trong trường hợp số ngoại tệ NH mua vào vượt trạng thái ngoại tệ thì NH đó phải bán bớt, nếu vẫn không có nơi mua thì NH Nhà nước phải mua với tư cách là người mua cuối cùng. Tương tự, nếu thị trường thiếu hụt ngoại tệ thì NH Nhà nước sẽ là người bán ra cuối cùng để giảm sức ép tăng giá ngoại tệ. Trong thời gian gần đây, các NH thương mại liên tục bị đe dọa vượt trạng thái ngoại tệ. Họ đã nhiều lần “gõ cửa” nhưng NH Nhà nước vẫn “lắc đầu”. Ngoại tệ hay lạm phát? Có ý kiến cho rằng NH Nhà nước từ chối vai trò người mua cuối cùng có thể vì lo ngại việc đưa thêm tiền ra lưu thông, nếu không tính toán kỹ, về lâu dài có thể gây sức ép lên lạm phát và giá cả. Bình luận về VND lên giá, một chuyên gia NH cho rằng việc VND tăng giá so với USD chỉ là tạm thời do mất cân đối cung cầu tạm thời, nhưng nó cũng ẩn chứa những điều không bình thường vì về lâu dài VND sẽ tiếp tục giảm giá thêm so với USD. Cũng theo chuyên gia này, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (TQ) cũng đã chịu sức ép tăng giá và Ngân hàng Trung ương TQ đã hóa giải bằng cách đưa thêm tiền ra để mua ngoại tệ. Biện pháp này đã góp phần tạo quĩ dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên đến 1.000 tỷ USD của TQ, giúp hàng hóa xuất khẩu của TQ rẻ hơn, góp phần rất lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của TQ. Tại VN, trong một số năm trước Chính phủ cũng đã đưa tiền ra mua ngoại tệ để VND không bị lên giá, vừa không có lợi cho xuất khẩu đồng thời tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Chuyên gia này cũng cho rằng việc đưa VND ra để mua vào ngoại tệ nếu biết tính toán sẽ không làm gia tăng lạm phát. Với VN, khi qũy dự trữ ngoại hối quốc gia còn “khiêm tốn” thì đây là cơ hội tốt để mua thêm ngoại tệ. (Theo Tuổi Trẻ) |