Chai sữa đậu nành vỉa hè không có bất kỳ một nhãn hiệu nào, không biết được sản xuất tại đâu, ngày sản xuất, hạn sử dụng khi nào. Khi thì sữa được đóng vào chai thuỷ tinh màu xanh, lúc thì bằng vỏ chai bia, chai nước ngọt..., miệng chai được bịt bằng giấy nylon, bìa cứng hoặc nhựa...
Có thể nói là sữa đậu nành vỉa hè đã trở thành một thứ nước giải khát quen thuộc với nhiều người dân Hà Nội. Vào thời điểm này, khi thời tiết đang nóng dần lên, các cơ sở sản xuất sữa đậu nành vỉa hè cũng bắt đầu "tăng tốc" để sản xuất và đội quân rao bán sữa có thể phục vụ "thượng đế" đến tận quán hàng, thậm chí đến tận nhà vào mỗi buổi sáng sớm.
Chị T., bán nước ở phố Chân Cầm, nói: "Mỗi sáng, tôi nhập hơn 20 lít sữa đậu nành để bán cho 3 quán ăn vỉa hè ở đây đều hết veo. Ăn phở mà không có sữa cũng mất ngon".
Một điều chắc chắn là sữa đậu nành vỉa hè không thể thơm ngon, bổ dưỡng như các loại sữa của các hãng nổi tiếng, nhưng người tiêu dùng vẫn không chê vì sữa này quá rẻ.
Để có giá bán bình dân thì đương nhiên nhiều cơ sở sản xuất sữa rất tuỳ tiện. Các cơ sở này nằm trong nhà dân chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, đồ nghề chỉ là cái cối xay, chiếc nồi cáu bẩn, xô chậu hoen gỉ... Đáng ngại nhất là những chiếc chai đựng sữa sau khi được thu gom về chỉ được rửa qua loa rồi lại đóng sữa vào.
Theo bà Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Viện Dinh dưỡng, hầu hết các sản phẩm sữa đậu nành do các cơ sở tư nhân sản xuất đang bán trên thị trường đều nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Vì tụ cầu vàng tập trung nhiều ở mũi, họng và bàn tay, nếu người sản xuất không vệ sinh tay sạch sẽ hoặc bị viêm họng, sổ mũi thì nguy cơ nhiễm tụ cầu vàng rất cao.
Trong thực tế, bản thân tụ cầu vàng không gây ngộ độc, nhưng khi nó có mặt trong môi trường thức ăn thì sẽ xuất hiện độc tố tụ cầu trùng vàng và gây ngộ độc. Đây là một độc tố mạnh, nó có khả năng chịu nhiệt cao. Như vậy, với cách nấu sôi thông thường của sữa đậu nành, tụ cầu vàng vẫn sống sót, nó chỉ chết khi thức ăn, nước uống được đun sôi thật kỹ, ít nhất là 2 giờ đồng hồ.
Mặc dù các độc tố do vi khuẩn tụ cầu vàng sinh ra không gây chết người ngay lập tức, nhưng nó là nguyên nhân gây ra các bệnh rối loạn ở dạ dày, đường ruột, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Một nguy cơ nữa là các cơ sở sản xuất sử dụng đường hoá học Sacharin, loại phụ gia này đã được Bộ Y tế liệt vào danh sách cấm không được sử dụng trong chế biến thực phẩm, vì nó có khả năng gây ung thư.
Rõ ràng nguy cơ ngộ độc do dùng sữa đậu nành không đảm bảo vệ sinh rất có thể xảy ra, nhất là vào dịp hè. Sức khoẻ của con người bị đe doạ bởi thứ nước uống đang nằm ngoài vòng kiểm soát của cơ quan chức năng.
Hằng năm, ngành y tế đều có những đợt thanh kiểm tra nước uống, nước giải khát, nhưng chưa lần nào sữa đậu nành vỉa hè được kiểm tra cũng như xử phạt. Những người sản xuất vẫn kiếm lợi từ thứ nước uống rẻ tiền đó, còn người tiêu dùng thì lại coi thường chính sức khoẻ của mình.
(Theo Lao Động)