Nhiều người chen lấn trước Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim để hy vọng sở hữu được một món hàng với giá giảm trong những ngày vừa qua. |
Chiều 12/12, tại Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim (quận 1, TP HCM) người vào xem, mua hàng rất đông. Có những người ở tận Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng lặn lội lên TP HCM để mua hàng giảm giá. Tại Nguyễn Kim, có những chiếc tivi màn hình tinh thể lỏng cao cấp giá niêm yết hơn 31 triệu đồng nhưng được giảm đến hơn 18 triệu. Hiện nay, trung tâm Nguyễn Kim đã bán hết tivi LG của đợt giảm giá nên muốn mua được các món hàng "trợ giá" này, khách hàng phải đóng tiền trước và đợi đến ngày 15/12 mới nhận được hàng. Vì vậy có những khách phải... nài nỉ nhân viên bán hàng được lấy hàng ngay dù đó là các sản phẩm mẫu dùng để trưng bày. Một nhân viên nói, ngay ngày đầu tiên (8/12) đã bán hết 60% lượng hàng của cả đợt khuyến mãi này.
Theo đại diện Siêu thị điện máy Chợ Lớn, đã có khoảng 10% mặt hàng của siêu thị giảm giá mạnh trong đợt này. Trong số đó khoảng một nửa giảm giá đến 40-50%. Phần lớn sản phẩm giảm giá là hàng đã qua model hoặc hàng trưng bày lâu, tồn kho. Vị đại diện này cũng cho biết, từ nay đến Tết Đinh Hợi, siêu thị sẽ thương thảo với nhà sản xuất để liên tục hỗ trợ giá cho người tiêu dùng, nghĩa là sẽ còn những đợt giảm giá về sau. Tại các trung tâm khác như Ideas, Lộc Lê, Đệ Nhất Phan Khang cũng có các chương trình giảm giá để thu hút khách hàng. Tại trung tâm Ideas, khi mua tivi tinh thể lỏng có thể nhận được những phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng/phiếu. Nếu người tiêu dùng không muốn nhận phiếu thì có thể trừ vào giá trị của mặt hàng mình mua.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc marketing Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim, cho biết: "Mục đích chính của chương trình này là kích cầu tiêu dùng". Tuy nhiên, chương trình có hơn 20.000 sản phẩm của 20 chủng loại mặt hàng vẫn được bán đến hết thời gian đã công bố. Ông Phú cũng khẳng định tất cả những model sản phẩm trong chương trình đều là thuộc các dòng sản phẩm mới, được sản xuất trong năm 2006. Không phải đây là "của cho của bỏ" vì ngay bản thân các nhà sản xuất cũng phải thuyết phục từ tập đoàn của họ để được phép thực hiện mức giá tài trợ này. "Đây thực chất là một chương trình marketing sản phẩm vì không ai tự giết mình bằng cách hạ giá thành. Ví dụ, một nhà sản xuất thay vì bỏ tiền tài trợ cho một đội bóng để quảng bá thương hiệu thì tham gia chương trình này họ tài trợ trực tiếp cho khách hàng, tiếp cận thẳng với một nhóm khách hàng cụ thể", ông Phú nói.
Chiết khấu hoa hồng cho đại lý mặt hàng điện tử và điện lạnh vào khoảng 20-30%; đồng thời người phân phối cũng được hưởng nhiều quyền lợi khác từ nhà sản xuất. Tuy nhiên, đổi lại các đại lý phải duy trì doanh thu, thể hiện qua các đơn đặt hàng hằng tháng hoặc hằng quý. Thường về cuối năm, áp lực tiêu thụ hàng tồn kho đã đẩy nhiều nhà phân phối vào thế buộc phải tiêu thụ hết để thanh toán chiết khấu (nhà sản xuất luôn trích chiết khấu vào cuối kỳ). Chính vì vậy, nhiều đại lý đã phải "chia sẻ" phần lãi với người tiêu dùng để lấy doanh thu. Hầu hết các nhà sản xuất thời điểm này đều tuyên bố sẽ không có chuyện giảm giá những mặt hàng điện máy, điện tử trong thời gian tới vì thuế nhập khẩu các mặt hàng này sau khi Việt Nam tham gia WTO vẫn chưa thay đổi gì nhiều so với hiện nay.
Cách giải thích của nhà bán xem ra là hợp lý, nhưng thực tế có bao nhiêu người tiêu dùng thực sự mua được hàng khuyến mãi, giảm giá? Một người kinh doanh hàng điện máy có kinh nghiệm cho rằng: "Rất ít. Những người đến trễ sẽ được khuyên nên mua một mặt hàng khác, giảm giá ít hơn".
(Theo Thanh Niên)