Không giống với cách chăm sóc con nhỏ của nhiều bà mẹ trên thế giới, Dr Hemapriya (hay Dr Henna, người Ấn Độ), nổi tiếng trên mạng xã hội Pinterest với các bài viết chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe trẻ em, chỉ cho bé uống sữa bò sau một tuổi. Bởi theo cô, sữa bò là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy và suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh Ấn Độ. Trong bài viết của mình, Henna chia sẻ cách sử dụng sữa bò trong thực đơn nuôi con của mình.
Khi nào tôi cho con uống sữa bò và uống bao nhiêu là đủ?
1. Trẻ dưới một tuổi không nên uống sữa bò.
2. Trong giai đoạn từ 1 tuổi đến 2 tuổi, bé nên uống sữa nguyên kem để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho tăng trưởng và phát triển não bộ trong những năm đầu đời.
3. Sau 2 tuổi, bé nên uống sữa tách bơ hoặc sữa có hàm lượng chất béo thấp hơn.
4. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyên các bà mẹ nên cho trẻ trên một tuổi uống khoảng 946 ml sữa mỗi ngày. Nếu vượt quá con số này có thể khiến trẻ bị thừa calories và giảm cảm giác ngon miệng khi ăn các đồ ăn khác.
5. Mỗi lần mẹ cho bé uống tối đa 100-150 ml sữa và nên tập cho bé uống bằng cốc thay vì bú bình.
Tại sao không cho bé uống sữa bò cho tới khi 1 tuổi?
Có nhiều quan điểm khác nhau về việc cho bé dưới một tuổi uống sữa bò nhưng hầu hết trong số đó đều không đồng tình. Khi bé ngoài 6 tháng, mẹ thường bị áp lực phải cho bé uống sữa bò bổ sung bên cạnh bú mẹ vì nhiều người cho rằng sữa mẹ lúc này không đáp ứng đủ cho sự tăng trưởng của bé. Điều này là không đúng, thậm chí, sữa bò có thể ảnh hưởng không tốt tới trẻ. Sữa bò chứa nhiều protein, nhiều chất béo hơn sắt... Bảng so sánh hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa mẹ và sữa bò chỉ rõ điều này.
1. Protein
Như trong bảng so sánh, hàm lượng protein (chất đạm) có trong sữa bò cao gấp đôi sữa mẹ. Bé cần hàm lượng protein ít hơn và chất béo nhiều hơn để phát triển não bộ, cột sống và hệ thần kinh. Hơn nữa, bé cũng khó tiêu hóa được chất đạm.
2. Tỷ lệ đạm Casein và đạm Whey
Đạm casein còn được gọi là protein "ban đêm", phải mất đến 7 tiếng để tiêu hóa hoàn toàn. Còn đạm whey nổi tiếng là thúc đẩy sự tổng hợp protein nhanh chóng (tăng cơ bắp), dễ hấp thu vào máu.
Hàm lượng casein trong sữa bò cao hơn sữa mẹ. Casein khó tiêu hóa và là nguyên nhân gây táo bó, tiêu chảy ở trẻ. Tỷ lệ casein: whey trong sữa mẹ là 40:60 được xem là tỷ lệ tối ưu, giúp trẻ hấp thu tốt nhất.
3. Chất béo
Sữa mẹ chứa hàm lượng chất béo không bão hòa cao hơn sữa bò. Điều này có nhiều ảnh hưởng quan trọng.
- Chất béo không bão hòa bao gồm DHA và AA giúp phát triển não bộ.
- Bộ não của trẻ phát triển rất nhanh trong năm đầu tiên, kích thước tăng gấp ba lần trong một năm.
- Sữa bò chứa chất béo bão hòa, ưu tiên phát triển cân nặng hơn não bộ.
4. Can-xi
Mặc dù hàm lượng can-xi trong sữa mẹ thấp hơn sữa bò nhưng lại dễ hấp thu với bé và không gây táo bón.
5. Sắt
Sữa mẹ chứa hàm lượng sắt cao hơn. Bé uống sữa mẹ hoàn toàn tránh được nguy cơ thiếu máu.
6. Muối
Hàm lượng các loại muối Sodium, Potassium, Magnesium và Phot pho trong sữa bò đều rất cao và chính điều này tạo "áp lực lớn" lên hệ tiêu hóa của trẻ.
Song Giang