1. Chỉ số SPF
SPF (Sun Protect Factor) nghĩa là các nhân tố báo hiệu yếu tố che chắn da khỏi ánh nắng mặt trời. SPF chỉ định khả năng chất chống nắng giúp trì hoãn sự phát sinh khả năng cháy da khi tiếp xúc với tia nắng. Cách lựa chọn chỉ số SPF phù hợp tùy thuộc vào môi trường tiếp xúc nắng và khả năng chịu nắng của mỗi người. Và SPF càng cao đồng nghĩa với khả năng các chất hóa học trong sản phẩm càng gia tăng, dễ dẫn đến các vấn đề khô da, kích ứng và nhạy cảm. Để có hiệu quả tốt nhất, bạn nên chọn kem chống nắng có SPF trên 15 và dưới 50.
2. Lưu ý cho da nhạy cảm
Nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc bệnh về da, bạn nên chọn cho mình kem chống nắng cho trẻ em hoặc tinh dầu thực vật (dầu vừng) để tránh những tác động tiêu cực đến làn da của mình. Vì kem chống nắng cho trẻ em có chứa ít chất kích thích, hóa chất các loại hơn là các công thức cho người lớn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh chọn kem chống nắng có chứa nước hoa hoặc cồn.
3. Kem chống tia UVA/UVB
Một điều quan trọng khi chọn mua kem chống nắng, đó là tìm xem trên lọ kem của bạn in là bảo vệ phổ rộng hay bảo vệ phổ UVA/UVB. Trong ánh nắng có chứa tia UVA và UVB, thông thường các loại kem chống nắng chỉ chống tia UVB làm sạm, đen da nhưng lại không chống tia UVA (tia gây nên tế bào ung thư da). Chính vì vậy, khi tìm mua sản phẩm kem chống nắng, bạn nên tìm những loại kem có thành phần chống cả tia UVA. Thông thường, các sản phẩm có khả năng chống tia UVA có 3 mức độ, sẽ được ghi chú là PA+, PA++, PA+++, càng nhiều dấu “+” thì tác dụng càng cao.
4. Bôi đúng cách
Hãy bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài 20-30 phút để da bạn được hấp thụ đầy đủ nhất những tác dụng của kem chống nắng. Bạn không nên dùng kem chống nắng cho cơ thể để thoa lên mặt, bởi da mặt thường mỏng hơn, trong khi bề mặt da trên cơ thể lại dày hơn, chịu được những hóa chất thường có trong kem chống nắng cho cơ thể. Tốt hơn hết, bạn nên chọn mua kem chống nắng riêng cho mặt, sau đó thoa theo thứ tự: Các loại thuốc trị mụn, nám (nếu bạn sử dụng), dưỡng ẩm, kem chống nắng, kem nền, phấn bột và phấn hồng. Nhiều chuyên gia về da liễu còn khuyên bạn nên sử dụng phấn bột có chứa SPF để tăng hiệu quả.
Đối với loại có SPF từ 15 trở lên thì với diện tích một khuôn mặt chỉ cần khoảng 2,5gr kem là đủ. Cách đơn giản hơn để xác định lượng kem là dùng đầu ngòn trỏ, kem đầy một đầu ngón trỏ là đủ cho cả mặt. Nếu bôi không đủ lượng kem chống nắng thì hiệu quả chống nắng sẽ kém, thời gian chống nắng sẽ ngắn.
Đối với da đầu, bạn có thể sử dụng sản phẩm không có chứa tinh dầu để tránh hiện tượng nhờn bóng. Việc chủ quan không chăm chút cho da đầu, tai và môi có thể dẫn đến những nguy cơ tiềm tàng về lâu dài.
5. Sản phẩm chống nắng dạng xịt
Chúng có vẻ tiện lợi và nhanh hơn, nhưng thực ra lại không cho hiệu quả nhiều bằng chống nắng dạng kem. Bên cạnh đó, bạn có thể sẽ đối mặt với nguy cơ dị ứng hoặc nhiễm độc khi vô tình hít phải.
6. Thành phần hóa học cần tránh
Khi lựa chọn kem chống nắng, bạn nên tránh 3 thành phần chính sau đây: Oxybenzone, Paraben và Retinyl palmitate. Oxybenzone và Paraben làm tăng nguy cơ ung thư vú trong khi Retinyl Palmitate có thể gây ung thư da.
7. Thoa lại kem
Mồ hôi, nước biển, nước bể bơi sẽ khiến kem chống nắng trôi đi nhanh chóng. Vì vậy, bạn nên thoa kem lại đều đặn sau 2 tiếng. Thậm chí, quá trình này còn nên được đẩy nhanh hơn khi bạn đi bơi hoặc đi biển.
Khi chọn mua kem chống nắng, bạn cần lưu ý đến chỉ số SPF trên 30 và loại không thấm nước khi đi bể bơi. Kem chống nắng sẽ giúp bạn chống lại những tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời, đồng thời bảo vệ làn da khỏi bị đen sạm, cháy nắng.
Thu Trang