Chi 30 triệu đồng để mua sắm, lắp đặt thiết bị thông minh cho không gian sống của mình hơn hai năm, Youtuber Nhật Anh Trắng (31 tuổi) cảm thấy ưng ý. Khi anh ra khỏi nhà chỉ cần ấn một nút trên điện thoại, tất cả thiết bị điện trong căn hộ được tắt hết và rèm tự đóng. Căn hộ còn có thể tự tạo các kịch bản chiếu sáng, bật tắt đèn theo cảnh. Ví dụ, nếu anh ấn công tắc làm việc, căn hộ sẽ tự tắt đèn, thiết bị phòng khách, cùng lúc đèn, điều hòa của phòng làm việc tự động bật. Nếu ấn công tắc ăn tối, căn hộ tự động bật đèn bàn ăn, tắt hết các đèn chiếu sáng xung quanh, bật nhạc playlist cài sẵn. Còn khi ấn công tắc đi ngủ, tất cả thiết bị điện của các phòng đều được tắt trừ phòng ngủ.
Nhưng thi thoảng, anh gặp phải các tình huống bi hài. "Hồi mới ở nhà thông minh, hai vợ chồng hay trêu nhau, bật tắt các thiết bị từ xa, bật nhạc và bật các âm thanh bất ngờ để dọa nhau. Lúc ấy, người bị trêu cũng hết hồn, phải mất một lát mới hiểu ra sự tình và tìm người kia để 'tính sổ'. Còn lại, vài lần khác, thiết bị không được kết nối với hệ thống nên không tắt/bật được. Do đó, thiết bị vẫn hoạt động và ngốn tiền điện, hoặc bật thiết bị mãi không lên tưởng mất điện", anh cho hay.
Một trở ngại khác khi chủ nhà lựa chọn nhà thông minh là các hướng dẫn sử dụng phần lớn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung. "Thiết bị của tôi đều có hướng dẫn sử dụng lẫn điều khiển giọng nói bằng tiếng Anh. Để nắm bắt cách điều khiển nhanh hơn, tôi tham gia vào nhiều hội nhóm trên mạng và thảo luận khi thiết bị gặp trục trặc. Nhưng vì điều khiển và đặt lệnh bằng tiếng Anh nên tôi chỉ thường dùng vài câu lệnh quen thuộc. Còn nếu với các câu lệnh phức tạp, tôi phải nghĩ mất một lúc vì tiếng Anh của mình cũng có hạn", Nhật Anh nói.
Hưng Vũ (36 tuổi, Hà Nội) nói về tình huống "khó đỡ" ở nhà thông minh của mình: "Có hôm, tôi đặt lịch để van tưới nước tự động nhưng đến giờ đóng nước, thiết bị gặp lỗi nên nước chảy lênh láng khắp nhà". Anh còn lắp hệ thống đèn cảm biến chuyển động. Điều này tạo sự tiện lợi cho sinh hoạt, nhất là vào buổi đêm nhưng có những hôm hệ thống lỗi, đèn tự mở như "nhà có ma". Hôm khác, anh đã dùng app đặt sẵn giờ bật/tắt bình nóng lạnh nhưng đến lúc vào tắm chỉ có nước lạnh chảy ra, khiến cả người rét run.
"Lúc xảy ra những hiện tượng này, tôi không bất ngờ lắm vì đã lường trước một vài tình huống khi chọn làm nhà thông minh. Còn vợ tôi ban đầu thấy sợ nhưng giờ đã quen hơn. Đa phần các lỗi này xảy ra do đường truyền mạng không ổn định. Và sau vài lần lỗi bình nóng lạnh, giờ vợ tôi biết kiểm tra nhiệt độ nước trước khi vào tắm", anh cho hay.
Ở nhà thông minh, Youtuber Dino Vũ cũng từng gặp trở ngại khi nhà mất điện, mất mạng. "Cứ mỗi khi mất điện, tôi không thể tự đóng rèm vì rèm cao tới 7m, cũng không thể điều khiển các thiết bị khác để phục vụ công việc, cuộc sống. Những lúc đó, tôi tránh ở nhà vì không thể làm được gì và chỉ trở về lúc có điện lại", Dino Vũ cho hay.
Dù gặp phải một vài trở ngại khi ở trong nhà thông minh, nhiều gia chủ vẫn cảm thấy đây là sự lựa chọn đáng tiền. Bởi theo Dino Vũ, anh vận hành nhà thông minh không ngốn quá nhiều tiền điện mà tiết kiệm sức lực, tương đương với việc sử dụng một chiếc laptop trong nhà.
Còn theo Nhật Anh Trắng, thỉnh thoảng khi phải đi công tác hoặc du lịch ở những nơi không có thiết bị thông minh, anh cảm thấy khá bất tiện và phiền phức. Bởi nếu ở nhà mình, anh chỉ việc ấn một nút là có thể tắt hết thiết bị, hoặc có thể lên giường nằm rồi dùng app tắt đèn. Còn khi ở khách sạn, anh sẽ phải đứng lên "lần mò" ấn từng công tắc để tắt đèn. Do vậy, nhà thông minh vẫn là lựa chọn của những người mê công nghệ và muốn tận hưởng cuộc sống hiện đại tại gia.
Hằng Trần