Lãnh đạo của TSE Taizo Nishimuro (giữa) và Takuo Tsurushima (phải) gặp và xin lỗi Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Nhật Kaoru Yosano về trách nhiệm của mình trong sự cố TTCK. |
Gần cuối năm 2005, sàn chứng khoán Tokyo lắp đặt một hệ thống giao dịch mới với mục đích xử lý khối lượng giao dịch lớn hơn. Ngay sau đó, vào ngày 1/11/2005, thị trường này chỉ hoạt động được đúng 90 phút do hệ thống bị lỗi. Sự gián đoạn này kéo dài trong 4 tiếng rưỡi, là một trong những sự cố xấu trong lịch sử của TTCK Tokyo (TSE).
Một tháng sau, ngày 8/12/2005, lại xảy ra một sự cố cực kỳ nghiêm trọng trong giới CK Nhật Bản làm rớt giá cổ phiếu bình quân của nền kinh tế Nhật xuống hơn 300 yen/cổ phiếu.
Sự cố “cú sốc J-Com” có nguyên nhân từ việc Công ty J-Com cho phát hành 14.500 cổ phiếu với mức giá khởi điểm trong ngày 8/12/2005 là 610.000 yen/cổ phiếu. Tuy nhiên một nhân viên của Công ty CK Mizuho, Công ty CK có quy mô trung bình tại Nhật, đã đăng nhầm mức giá này thành 1 yen/610.000 cổ phiếu. Công ty Mizuho sau đó đã nhận ra sai lầm và điều chỉnh lại mức giá, nhưng sự cố này đã gây ra mức thiệt hại là 330 triệu USD.
Ngày 11/12/2005, TSE thừa nhận hệ thống của mình bị lỗi và mười ngày sau, Takuo Tsurushima, Giám đốc điều hành, và hai lãnh đạo cao cấp khác của TSE phải từ chức vì sự cố này.
TTCK Mỹ cũng có lịch sử riêng của mình về sự cố trong giao dịch. Ngày 1/6/2005, TTCK New York (NYSE) phải đóng cửa sớm bốn phút do trục trặc về kỹ thuật. Sau khi xem xét vấn đề, NYSE đã quyết định không phục hồi các giao dịch ngày hôm đó và tất cả các giao dịch chưa được thực hiện lúc đóng cửa xem như bị hủy. Sự cố này được cho là có nguyên nhân từ SIAC, một trung tâm công nghệ hợp tác giữa NYSE và TTCK Mỹ. Vào những thập kỷ trước đó như những năm 1960 thì NYSE có nhiều tuần phải đóng cửa trước 90 phút để các nhà kinh doanh và môi giới có đủ thời gian làm các công việc giấy tờ.
Ngày 2/2/2006, hệ thống giao dịch CK của Nga (RTS/Russian Trading System) buộc phải dừng các giao dịch trong vòng một giờ sau khi bị virus máy tính tấn công. RTS tiết lộ rằng virus gây ra sự cố này đã tấn công vào một máy tính có kết nối đến hệ thống kiểm tra giao dịch.
Dmitry Shatsky, Phó chủ tịch của RTS, cho biết: "Chiếc máy tính nhiễm virus đã sản sinh ra một khối lượng khổng lồ những gói thông tin giả mạo khiến các bộ định tuyến mạng của RTS trở nên quá tải và kết quả là những gói thông tin thực tế - dữ liệu được nhập vào hệ thống trao đổi - đã không thể được xử lý. Chiếc máy tính bị nhiễm virus ngay sau đó bị ngắt kết nối với hệ thống mạng và theo RTS thì hệ thống của họ không bị thiệt hại đáng kể nào cả".
(Theo Tuổi Trẻ)