Nắng (tên thật Đàm Thanh Huyền, sinh năm 1998, quê Bắc Ninh) là streamer nổi tiếng với hơn 900.000 người theo dõi. Cô được biết đến với những video bình luận game, tư vấn chuyện tình yêu triệu view trên mạng xã hội. Nhưng đằng sau vẻ lạc quan, nụ cười tỏa nắng ấy là hai lần cô giành giật sự sống với ung thư.
Năm 11 tuổi, Huyền phát hiện mắc Ung thư xương ác tính nguyên pháp sarcoma. "Lúc đó, mình đang ôn thi vào trường chuyên cấp hai. Ban đầu bác sĩ chẩn đoán viêm khớp, nhưng sau nhiều lần thăm khám mới phát hiện ra ung thư. Mình buộc phải cắt bỏ chân trái", Huyền nhớ lại.
Sau phẫu thuật, Huyền dần hồi phục và trở lại trường học. Từ một cô bé xinh xắn, lành lặn, Huyền phải làm quen với việc mất một chân. Ban đầu, cô tự ti, không dám nói chuyện với ai dù được các bạn quan tâm, hỏi thăm. Mãi về sau, khi đã quen với trường, lớp, Huyền dần mở lòng. Mất đi một phần cơ thể nhưng nhờ có tình thương của gia đình và bạn bè, thầy cô, cô bé 11 tuổi vẫn giữ tinh thần lạc quan, phấn chấn. Cô gấp 1.000 con hạc giấy, ước mong được sống lâu và khỏe mạnh.
Trong những năm tiếp theo, Huyền vẫn đi khám đều đặn và không có dấu hiệu bệnh tái phát. Cuộc sống dường như mỉm cười với Huyền khi cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế đồ họa và theo đuổi đam mê sáng tạo nội dung. Gắn bó với chiếc chân giả từ nhỏ, Huyền gần như không gặp trở ngại gì, cô tự tin diện những bộ váy phù hợp, che đi khiếm khuyết, cô cũng đi du lịch, chụp nhiều ảnh và kết bạn. Nữ streamer nói những người theo dõi cô trên mạng xã hội không hề biết cô khuyết một chân.
Huyền cho biết từng có giai đoạn chật vật với nghề để tạo dựng tên tuổi trong làng streamer. Đến đầu năm 2023, cô đã có được thành công nhất định với nhiều video triệu view, số người theo dõi tăng cao và ký hợp đồng với các công ty game. "Thời gian đó, mình làm việc cật lực, trong 2-3 năm mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 4-5 tiếng. Ngoài livestream, mình còn sản xuất nội dung, học thêm các kỹ năng tin học... Để có đủ năng lượng làm việc, mình lạm dụng cafe, mỗi ngày uống 2-3 cốc, thường xuyên bỏ bữa".
Tháng 2/2023, sau nhiều năm làm việc kiệt sức, Huyền cuối cùng cũng trả hết nợ mua nhà ở Hà Nội. Cô nghĩ giờ đây mình có thể tạm nghỉ ngơi, không cần gắng sức nữa. Nhưng ngay lúc đó, những cơn đau đầu kéo dài xuất hiện. Bác sĩ chẩn đoán cô bị thiếu máu não nhưng khi biết tiền sử bệnh ung thư, họ khuyên Huyền nên kiểm tra tổng quát. Kết quả khiến cô bàng hoàng: ung thư phổi di căn.
"Lần này, mọi thứ kinh khủng hơn nhiều. Mình không còn là cô bé vô tư nữa mà lo lắng cho gia đình, cho sự nghiệp, những ước mơ còn dang dở", Huyền nói.
Những ngày đầu tiên sau khi biết tin, không khí quanh Huyền trở nên u ám, cả gia đình chìm trong nỗi buồn. Sau vài ngày khóc, cô quyết định đối mặt với sự thật. Cô tin chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, quan trọng là phải giải quyết thay vì suy sụp. Suy nghĩ này đến từ những bài học cô chiêm nghiệm được trong cuộc sống: "Mỗi người một số phận, oán trách cũng chẳng thay đổi được gì". Huyền kể, mẹ cô, dù buồn đau, cũng cố giấu nước mắt, động viên con gái bằng những nụ cười gượng gạo. Chính sự mạnh mẽ ấy của mẹ đã tiếp thêm cho cô sức mạnh để bước tiếp.
Tháng 3/2023, Huyền được bác sĩ yêu cầu xét nghiệm gen và phát hiện có 4 gen lỗi liên quan đến ung thư. Bác sĩ giải thích, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách ngay từ đầu, bệnh có thể không tái phát. Nhưng thời điểm ấy, Huyền không biết điều này.
Quá trình điều trị bắt đầu với 4 đợt hóa trị, sau đó cô phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi. Những đợt truyền hóa chất liên tiếp khiến tóc Huyền rụng gần hết. "Mình điều trị từ tháng 3 đến tháng 6, tóc rụng nhiều lắm, giờ mới mọc lại được chút ít," cô nhớ lại. Tuy nhiên, Huyền quyết định dừng điều trị giữa chừng vì mất niềm tin vào y học hiện đại, không muốn đối mặt với những ngày tháng nằm viện triền miên. "Lúc đó, mình nghĩ kiểu gì cũng sẽ chết. Mình ghét bệnh viện và chỉ muốn được trở về làm những việc còn đang dang dở, mình luôn khao khát được công nhận", cô cho biết.
Dù ngừng hóa trị, Huyền vẫn đến bệnh viện để kiểm tra định kỳ và phát hiện khối u tiếp tục phát triển. Thấy mẹ đau buồn, mất ăn mất ngủ vì xót con, Huyền không thể làm ngơ. 6 tháng sau, cô quay lại bệnh viện tiếp nhận điều trị, chấp nhận gác lại toàn bộ công việc sang một bên. Nhờ đọc sách và tìm hiểu thêm về bệnh tình, Huyền đặt trọn niềm tin vào y học, sẵn sàng chiến đấu với thử thách một lần nữa. Lần trở lại này, Huyền có thêm một người đồng hành là bạn trai - người đã theo đuổi cô từ năm 19 tuổi và khi biết Huyền bị bệnh, anh vẫn sẵn sàng ở bên, đồng hành, chăm sóc.
Nhờ chuyên tâm điều trị, khoảng một tháng trở lại đây, sức khỏe của Huyền ổn định, cô chuyển sang uống thuốc và theo dõi, dự kiến sẽ xuất viện vào đầu năm sau. Cuộc chiến chưa kết thúc, nhưng Huyền không còn sợ hãi hay bi quan. Trước đây, khi khỏi bệnh lần đầu, cô từng có ý định hiến tạng như một cách trả ơn cuộc đời. Tuy nhiên, khi biết mình không thể làm điều đó vì tiền sử ung thư, Huyền nhận ra rằng, ý nghĩa lớn nhất cô có thể tạo ra chính là chia sẻ hành trình của bản thân để lan tỏa sự lạc quan.
"Mình muốn các bạn trẻ thấy họ đang rất may mắn khi có sức khỏe. Đừng đợi đến khi mất đi mới biết trân trọng", Huyền nói. Cô hy vọng những người đồng cảnh ngộ sẽ hiểu rằng, căn bệnh này chỉ là một thử thách trong cuộc đời, điều quan trọng là phải giữ vững tinh thần, mạnh mẽ bước tiếp và không ngừng yêu thương bản thân.
Phạm Linh