Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - ACB. |
Dẫn đầu danh sách những ngân hàng thương mại có lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm cao nhất là NH Á Châu (ACB) với 1.470 tỷ đồng. Tiếp đến là NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với hơn 1.000 tỷ đồng, NH Kỹ thương (Techcombank) gần 500 tỷ đồng, NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) 473 tỷ đồng, NH Quân đội 445 tỷ đồng, NH Quốc tế (VIB) 310 tỷ đồng...
Lợi nhuận của ACB được xem là khổng lồ vì tăng hơn gấp đôi so với con số lợi nhuận của cả năm 2006 (chỉ 687 tỷ đồng). Nhưng đây không phải là lợi nhuận của riêng NH ACB mà là lợi nhuận "hợp nhất" của Tập đoàn ACB, bao gồm ngân hàng và các công ty con, trong đó đóng góp lớn nhất là từ Công ty chứng khoán ACBS.
Sacombank cũng được nâng lên thành tập đoàn, với lợi nhuận đóng góp không chỉ từ ngân hàng mà còn từ các công ty con hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, kiều hối, cho thuê tài chính, quản lý quỹ đầu tư...
Con số công bố của các ngân hàng chỉ là một cục tròn vo, không có bản thuyết minh kèm theo nên các nhà đầu tư không hề biết "nó” hình thành từ những nguồn nào, cơ cấu ra sao. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang "mặc định" rằng trong số này kinh doanh chứng khoán đóng góp một tỷ trọng lớn.
Nhìn lại năm 2006, ACB đã đổ hơn 740 tỷ đồng vào mua chứng khoán kinh doanh, Sacombank đổ vào 756 tỷ đồng. Trong báo cáo kết quả kinh doanh, hai ngân hàng này không thông báo cho nhà đầu tư biết trong năm 2007 đã bán ra bao nhiêu phần trăm trong số chứng khoán đang nắm giữ, trừ giá vốn đi thì lời được bao nhiêu.
Sở dĩ giới đầu tư quan tâm đến tỷ trọng lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán trong tổng lợi nhuận của ngân hàng vì họ cho rằng hoạt động này không bền vững, mặc dù các ngân hàng đều có quỹ dự phòng giảm giá chứng khoán. Một ngân hàng cổ phần có thể đặt ra mục tiêu lợi nhuận thật tham vọng, nhưng đến nửa cuối năm sau nếu cảm thấy khó có thể đạt được kế hoạch thì lập tức bán ra chứng khoán. "Như vậy, khó có thể xảy ra chuyện ngân hàng cổ phần nào sẽ không đạt kế hoạch lợi nhuận, vì họ hoàn toàn có thể điều tiết trong nội bộ", tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ đầu tư phân tích.
Trong vòng 10 ngày qua, các nhà đầu tư vẫn chưa có phản ứng gì thể hiện qua giá cổ phiếu sau khi các ngân hàng công bố lợi nhuận. Giá giao dịch cổ phiếu Sacombank ngày 10/10 đứng ở mức 72.500 đồng/cổ phiếu, ACB 173.600 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với đầu tháng, chủ yếu nằm trong sự tăng giá chung của toàn thị trường niêm yết.
Trên thị trường OTC, cổ phiếu khối ngân hàng gần như đứng giá so với đầu tháng, Eximbank vẫn ở mức 7,2 triệu đồng/cổ phiếu, Đông Á 6,4 triệu đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư không còn như trước đây, hễ thấy lợi nhuận ngân hàng cao là lao vào mua ngay. Họ cũng đã biết rằng trong xu thế chung, các ngân hàng sẽ không còn chia cổ tức cao 30-40% như những năm trước nên không có gì hấp dẫn.
"Giá cổ phiếu của khối ngân hàng sẽ cứ xập xình ít nhất hết tháng 10, cho đến khi cổ phiếu Vietcombank trình làng và thiết lập mặt bằng giá mới", trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán nói.
Chi nhiều nhưng vẫn lãi cao Theo một chuyên gia tài chính, lợi nhuận quí 3 của giới NH vẫn tăng vùn vụt là khá bất ngờ. Theo ông, từ 1-7-2007, qui định của NH Nhà nước về khống chế cho vay cầm cố chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ đối với các NH thương mại có hiệu lực. Trước đó ngày 1-6, NH Nhà nước cũng điều chỉnh tỉ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên gấp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vốn của các NH thương mại tăng lên, lợi nhuận sẽ giảm đi, đặc biệt khi nguồn thu lớn nhất của NH thương mại hiện vẫn là từ tín dụng. Nhưng thực tế cho thấy các NH thương mại gần như "miễn nhiễm" từ những qui định này. Theo chuyên gia này, việc các NH đang thoát ly dần hoạt động cốt lõi của họ cần được NH Nhà nước phân tích kỹ càng vì sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định và bền vững của toàn hệ thống. |
(Theo Tuổi Trẻ)