Hà Nội luôn cuốn hút sự tập trung các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đặt trụ sở làm việc, kinh doanh. Tuy nhiên, “trước tình trạng đất đai lên giá và đặc biệt quỹ đất của thành phố đang hẹp dần như hiện nay, cách tốt nhất là tìm một văn phòng cho thuê để làm ăn”, Peal, 38 tuổi, từ Singapore sang Hà Nội đã hai năm, hiện là chủ một văn phòng tư vấn kiến trúc tại Hà Nội, tâm sự.
![]() |
Khu nhà Vinaconex (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính) với những tòa nhà 17-18 tầng vừa hoàn thiện với chức năng giải quyết chỗ ở, nhưng không chỉ tầng trệt được chuyển thành văn phòng cho thuê mà ngay cả các căn hộ ở tầng 2-3-4 cũng đang thi nhau cho các công ty của VN và Hàn Quốc thuê lại với giá 300-500 USD/căn (90-130m2)/tháng. |
Theo ước tính, Hà Nội hiện có khoảng 14.000 doanh nghiệp và hàng nghìn văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó là “gánh nặng” về việc bố trí quỹ đất, xây dựng quy hoạch đô thị của thủ đô, nhưng đồng thời lại mở ra triển vọng về thị trường văn phòng cho thuê.
Trong hai năm trở lại đây, từ một số điểm mở ra dịch vụ cho thuê văn phòng ban đầu, chủ yếu tại các khách sạn lớn, có nhiều diện tích sàn xây dựng, loại hình văn phòng cho thuê tại Hà Nội đã phát triển nở rộ. Hầu như tới bất cứ đâu, trên nhiều mẩu rao vặt cũng có thể bắt gặp những văn phòng rao cho thuê. Nhiều tòa nhà trên nóc và bốn phía hông trưng đủ các biển quảng cáo, logo công ty, sản phẩm... của chủ các công ty thuê văn phòng ở bên trong. Giờ đây, nhiều công ty, chủ đầu tư và thậm chí cả chủ hộ cũng đang cố gắng dành diện tích những ngôi nhà đẹp để cho các công ty thuê như một kiểu làm ăn “kế hoạch ba”.
Tuy nhiên, theo Peal, tìm được một văn phòng thỏa mãn vị trí, địa thế, diện tích, kiến trúc phù hợp tính chất công việc, hoạt động điều hành và tài chính của công ty rất khó. Đặc biệt địa thế là quan trọng nhất. Hà Nội đang xây dựng nhiều khu đô thị mới nhưng chỉ có vài khu đô thị gần trung tâm thu hút được đông doanh nghiệp đến thuê.
Thời gian qua, để lập văn phòng tư vấn kiến trúc, công ty của Peal phải cử riêng một nhóm người chuyên lo đi tìm văn phòng vừa có địa thế thuận lợi, đẹp mà giá cả lại vừa túi tiền. Nhiều công ty khác cũng như vậy, nhưng tìm được một văn phòng ưng ý có khi mất cả tháng trời. Trong khi số doanh nghiệp từ nước ngoài vào VN làm ăn đang tăng lên. Đó cũng là lý do khiến thị trường văn phòng cho thuê tiếp tục lên cơn sốt.
Đối với các công ty đến từ nước ngoài, việc thuê lại một văn phòng tốt hơn nhiều việc bỏ cả đống tiền và thời gian để xin xây dựng một trụ sở. Đó cũng là thói quen của họ. Còn theo Pavera, một kiến trúc sư người Philippines, đang làm việc cho một tập đoàn kinh tế ở Hà Nội, vừa được đầu tư mở một văn phòng thiết kế các công trình hiện đại do anh làm giám đốc điều hành và phải thuê lại văn phòng tại một khách sạn lớn ở Hà Nội, cho biết: “Dịch vụ văn phòng cho thuê tại Hà Nội còn khá mới mẻ”.
Phần lớn công ty đến từ nước ngoài đều nhắm tới những tòa nhà chất lượng cao, hiện đại giữa thủ đô. Theo Pavera, các công ty không thiếu khả năng tài chính để mua đứt một văn phòng riêng lẻ nhưng thuê văn phòng có điểm lợi: sang trọng, rẻ và mang tính chuyên nghiệp hơn.
Giờ đây, mỗi tòa cao ốc mọc lên đều có hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ, kinh doanh đủ loại sản phẩm tìm đến đăng ký thuê lại. Ngay cả các công ty trong nước, giờ đây, phần lớn cũng nhắm vào các tòa nhà lớn, hiện đại, có cơ sở vật chất và dịch vụ tốt để thuê văn phòng dài hạn. Thậm chí vừa qua tại Hà Nội, một số tòa cao ốc tuy không đáp ứng được các yếu tố tiện ích như không có chỗ để xe, đội ngũ bảo vệ và các dịch vụ đi kèm... nhưng nhờ địa thế đẹp, tiện kinh doanh nên vẫn được các công ty đổ xô thuê, sau đó gây nên cơn sốt văn phòng cho thuê tại chính tòa nhà.
![]() |
Tòa nhà Fortuna (Láng Hạ) có thời điểm có tới 100 công ty thuê đặt trụ sở |
Số dự án tòa cao ốc cũng đang ra đời nhiều thêm, tuy mới ở giai đoạn dự án trên giấy hoặc đang thi công. Mới đây, ngày 27/11, tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, chính quyền thành phố cũng đã duyệt một dự án tổ hợp văn phòng - nhà cao tầng cho thuê do Công ty Xây dựng số 1 (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội) thi công. Công trình này gồm hai khối tháp 16 tầng (tổng diện tích sàn 20.000m2) trong đó tầng 2 là khối văn phòng, được thiết kế đẹp, hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư 137 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng tháng 10/2006.
Không chỉ các tòa cao ốc được kiến thiết, đầu tư xây dựng với mục đích cho thuê, ngay cả khu dân cư với những tòa nhà đẹp, nằm mặt phố cũng là nơi các công ty nhỏ và vừa trong nước tìm thuê lại. Đi thuê trụ sở làm văn phòng đã trở thành chuyện thường ngày!
Đến thời điểm này, phần nhiều tòa cao ốc cũ đã được lấp đầy diện tích. Tòa nhà 14 Láng Hạ đã có hàng chục công ty thuê với hợp đồng dài hạn. Cách đó không xa, tòa nhà Fortuna (khách sạn) trông khiêm nhường và cũ kỹ nhưng bên trên từng chứa tới gần 100 văn phòng cho thuê là trụ sở làm việc của các công ty trong và ngoài nước (đang được tu sửa, nâng cấp lại toàn bộ phần trên).
Tòa nhà “xanh” số 9 Đào Duy Anh (Kim Liên) cũng được lấp kín. Cả khu tầng trệt dành cho siêu thị, các tầng phía trên là tòa soạn báo, công ty nước ngoài. Khách sạn Mélia (đường Lý Thường Kiệt), khách sạn Deawoo (Liễu Giai) nhiều năm qua ngoài chức năng lưu trú cũng “tranh thủ” dành sàn làm văn phòng cho hàng chục công ty trong và ngoài nước thuê, từ đại sứ quán, công ty tư vấn kiến trúc đến công ty lữ hành du lịch, công ty kinh doanh địa ốc, sân golf... Ngoài ra các khách sạn như Horison (Cát Linh), Sofitel Plaza (Hồ Tây), Hà Nội Tower... cũng đang rao mời doanh nghiệp đến thuê văn phòng. Sắp tới sẽ còn có thêm tòa nhà Fortune Plaza (đường Lý Thường Kiệt) bên cạnh các căn hộ bán là các văn phòng cho thuê, hiện đang khởi công.
Từ đầu năm 2004 đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới ở Hà Nội không ngừng tăng lên. Doanh nghiệp phải có trụ sở, văn phòng làm việc. Cùng với cơn sốt văn phòng là giá cho thuê liên tục leo thang. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, mức giá đã tăng chênh lệch tới 5-10% và ổn định cho đến nay. Tất cả các tòa nhà lớn, khách sạn 3-4 sao trở lên, nằm ở trung tâm thành phố, dịch vụ tốt như khách sạn Mélia, tòa nhà Sông Hồng, 14 Láng Hạ, Hà Nội Tower (phố Thợ Nhuộm), Sofitel Plaza, Daeha, Vincom Towers (văn phòng loại A) đều có giá 23 - 25 USD/m2/tháng. Tại khách sạn Mélia có văn phòng rẻ hơn một chút, khoảng 18 USD/m2. Ngay cả văn phòng loại B cũng có giá 16-19 USD/m2/tháng. Văn phòng loại C, nhà cũ, nhỏ, mặc dù trang thiết bị thiếu và yếu lại xa trung tâm nhưng cũng có giá 9-13 USD/m2/tháng, một vài nơi chỉ rao giá 7-8 USD/m2 nhưng không nhiều.
![]() |
Khu đô thị mới trong làng Trung Hòa (Cầu Giấy) vừa được phân lô xây nhà đã nhanh chóng dành cho các công ty thuê mở văn phòng. |
Theo Tuổi Trẻ, trước thời cơ trên, giới đầu cơ bất động sản Hà Nội bắt đầu chuyển hướng kinh doanh: xây văn phòng cho thuê. Theo anh Lê Ngọc Tuấn, chủ một văn phòng môi giới bất động sản, đường Tây Sơn (quận Đống Đa), xây văn phòng cho thuê là hình thức tránh rủi ro, có lãi cao, đảm bảo vốn và vẫn giữ được mặt bằng với điều kiện sẵn mặt bằng, vị trí đẹp, thuận tiện. Với mức giá cho thuê trên, chỉ sau 7-8 năm là chủ đầu tư thu hồi đủ vốn, chưa kể khoản lợi nhuận phát sinh từ việc kinh doanh dịch vụ đi kèm như thang máy, bảo vệ, dịch vụ hội thảo, điện nước, điện thoại, Internet...
Trong mấy tháng cuối năm 2004, thị trường văn phòng, trụ sở cho thuê đang chuyển biến rõ, đặc biệt khi tòa nhà văn phòng lớn nhất Hà Nội - Vincom City Towers (191 Bà Triệu) - do Công ty Cổ phần thương mại tổng hợp VN làm chủ đầu tư, vừa được khánh thành giữa tháng 11. Mục đích chính của tòa tháp trên là để cho thuê, và lần đầu tiên ở Hà Nội một doanh nghiệp hoàn toàn trong nước dám tiên phong nhảy vào lĩnh vực mới mẻ, biến dịch vụ cho thuê văn phòng trở nên chuyên nghiệp. Diện tích cho thuê làm văn phòng lên tới 43.500 m2, chưa kể 28.700 m2 cho các cửa hàng bán lẻ thuê lại.
Tương tự, tòa nhà văn phòng cho thuê Ocean Park (đường Giải Phóng) do Tổng công ty Hàng hải VN làm chủ đầu tư, mở cửa tháng 5 với tổng diện tích sàn 35.000 m2, tiêu chuẩn loại A, sáu thang máy, hai tầng hầm đỗ xe, giá cho thuê khoảng 21 USD/m2/tháng. Nằm ở trung tâm thủ đô, 31-33 Ngô Quyền, được kiến trúc theo phong cách hiện đại, tòa nhà Artexport gồm 10 tầng với tổng diện tích 6.975 m2, cầu thang máy tốc độ cao, chính thức đi vào hoạt động giữa năm 2004, do Công ty Minh Tâm quản lý điều hành, cũng là một địa điểm cho thuê chuyên nghiệp. Vậy là từ một số điểm cho thuê theo kiểu tận dụng chỗ thừa, giờ đây Hà Nội đã xuất hiện những tòa nhà, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cao ốc với mục đích rõ ràng là làm văn phòng cho thuê.
Theo David Fullbrook, người vừa thực hiện cuộc khảo sát về thị trường địa ốc tại VN trong bài viết “Bắt đầu làn sóng bất động sản tại VN” trên tờ Asia Times, tình hình xây dựng văn phòng cho thuê tại VN sẽ phát triển mạnh vì nhu cầu mở rộng trong lúc diện tích đất đã chật hẹp. Các tòa văn phòng cho thuê tại các khu trung tâm mới lập ở Hà Nội và TP HCM sẽ hốt bạc. Theo nhà tư vấn tài sản CB Richard Ellis, đã cung cấp tư liệu cho Asia Times, giá văn phòng cho thuê tại Hà Nội trung bình là 22 USD/m2, còn TP HCM là 25 USD - cao hơn tại Hong Kong, Bangkok, Manila... từ 1 đến 20 USD. Một giám đốc tại VN của CB Richard Ellis, cho biết: “Năm nay các tòa nhà văn phòng thu lợi nhuận kỷ lục. Chúng tôi được biết một số khách hàng muốn thuê 20.000 m2 trong vòng vài quý tới. Diện tích còn lại không nhiều và giá thuê sẽ còn tăng lên”.