Thực tế là giá của Tamiflu đang lên cơn sốt: tăng lên 17,4 USD/viên từ giữa trưa hôm qua.
Bình thường giá bán lẻ Tamiflu trên thị trường châu Âu khoảng 4,4 - 5,3 USD/viên (thuốc dành cho kho dự trữ của từng nước có giá rẻ hơn nhiều).
Lý do không khó hiểu: cúm gia cầm đang có nguy cơ trở lại đe dọa thế giới. Hiện chỉ có Tamiflu là loại thuốc chủ lực trong điều trị bệnh cúm gia cầm trên con người. Hầu hết các nước đều được khuyến cáo dự trữ Tamiflu cho đủ cơ số để phòng ngừa. Dường như mối lo sợ chỉ càng làm giàu cho nhà sản xuất Roche của Thụy Sĩ và những kẻ khôn ngoan biết đầu cơ.
Roche cho biết, số thuốc Tamiflu bán ra đã tăng 20% trong ba quý đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6,78 tỷ USD. Roche cũng cho biết sẽ mở một xưởng mới tại Mỹ để kịp đáp ứng nhu cầu. Trước sức ép của cộng đồng, Roche đã tuyên bố sẵn sàng nhượng quyền cho các hãng khác tham gia sản xuất loại thuốc này. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới cho rằng “những nhượng bộ” này vẫn chưa thích đáng trong bối cảnh nguy cơ đại dịch cúm gia cầm sục sôi như hiện nay.
Hôm qua, thượng nghị sĩ Chuck Schumer ở bang New York (Mỹ) yêu cầu Hãng dược Roche trong một tháng phải từ bỏ quyền sản xuất Tamiflu của mình (còn giá trị đến năm 2016) để tất cả các nước khác có thể tham gia sản xuất thuốc thoải mái, nếu không muốn Quốc hội Mỹ “hành động”. “Roche đang đặt lợi ích của mình lên trên sức khỏe của thế giới. Họ không nên cứ đi chậm rãi như thế này trong khi chúng ta đang có một đại dịch tiềm tàng có thể xảy đến bất cứ lúc nào”, thượng nghị sĩ Schumer nói.
Trong khi đó, điều phối viên David Nabarro của LHQ kêu gọi mỗi nước bổ nhiệm một bộ trưởng đặc trách về điều phối các hoạt động phản ứng với cúm gia cầm. “Tôi muốn thấy trong mỗi chính phủ có một người được trao quyền để tập hợp tất cả các bộ phận của chính phủ với nhau, hầu có thể chuẩn bị kỹ càng và phản ứng nhanh chóng với bệnh dịch.
Chìa khóa để chống lại mối đe dọa này là chính phủ phải hành động chặt chẽ. Giống như với SARS hay với bệnh cúm nào đi nữa”, ông nhấn mạnh.
Tại châu Âu, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sự lây lan của cúm gia cầm từ châu Á sang châu Âu là một mối đe dọa toàn cầu. Họ thúc giục quốc tế hợp tác và kêu gọi Ủy ban điều hành EU phải tăng tốc xây dựng các điều luật mạnh mẽ hơn để chống cúm gia cầm. Trong lúc này, Romania cho biết một con thiên nga mang trong mình kháng thể cúm gia cầm đã được phát hiện gần biên giới với Ukraine.
Tại châu Phi, các chuyên gia khuyến cáo khu vực này có thể sẽ là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cúm gia cầm vì thói quen ăn thịt gà như nguồn cung cấp protein chính và sự nghèo nàn cũng như sự lạc hậu về y tế. Trung Quốc trong khi đó thừa nhận ổ dịch xuất hiện cách nay hơn hai tháng ở khu vực Nội Mông là do virus H5N1 nhưng cũng khẳng định đã kiểm soát được ổ dịch này.
(Theo Tuổi Trẻ)