![]() |
Từ Hà Nội chạy thẳng một mạch đến ngã ba Ba La, rẽ trái theo hướng đoàn người nườm nượp đi trảy hội Chùa Hương. Đường ấy vắt qua mấy huyện, nào Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, mấy năm trước còn rộng thênh thênh, giờ bỗng nhiên chật hẹp. Nhà cửa san sát. Ruộng đồng thủa trước ngút tầm mắt thế mà giờ đây bỗng bé tí teo bởi phải nhường chỗ cho rất nhiều những nhà máy, xí nghiệp, khu chế biến... Công nghiệp hóa đã hóa làng thành phố. Bích Hòa là xã đầu tiên của huyện Thanh Oai ngự trên con đường ấy. Nằm ngay sát thành phố trẻ Hà Đông, được “thơm lây” nên đời sống nhân dân cũng có nhiều biến chuyển. Mặt đường hàng hóa bầy bán ứ hự. Karaoke, Internet cùng các dịch vụ thường thấy ở thành phố cũng đã tìm đến từng ngõ ngách ngoằn nghèo trong làng. Tuy thế, dân ở đây vẫn nghèo bởi nghề chính vẫn là nông nghiệp. Làm ruộng bây giờ, tần tảo đủ ăn cũng là may mắn chứ đừng mơ đến sự giàu. Đang rét, chưa thể cấy vụ xuân nên cánh đồng của xã nằm khuất sau những ngôi nhà cao tầng chỉ lác đác người. Tham công tiếc việc nên vài nông dân chăm chỉ đã rời bỏ hội làng, đình đám để ra đồng làm việc. Chị Nguyễn Thị Oanh, người ở thôn Thạch Bích đang lúi húi sửa sang bờ ruộng. Chị bảo, rét hại, tuy chưa cấy được nhưng chị vẫn ra ruộng làm. Đó là thói quen, không bỏ được. Và, ở quê, không ra ruộng cũng chẳng biết đi đâu. Hà Tây sẽ chuyển về Hà Nội, tin ấy, chị đã nghe phong thanh từ mấy tuần nay. Lúc đầu, nghe bà con kháo nhau, chị cũng chẳng để tâm. Nông dân, chị nghĩ, đó là chuyện của nhà nước chứ liên quan gì đến... nhà mình. Thêm nữa, chị có “cái lý” riêng của mình. Lý ấy thế này: “Nông dân thì ở đâu mà chẳng vậy! Quanh năm suốt tháng bám mặt vào... đít trâu thì người nhà quê hay thành phố thì cũng như nhau tuốt!”. Quả là như vậy. Nhà chị có 4 khẩu, được canh tác trên 2 sào ruộng. Mùa vụ thì cả hai vợ chồng xúm vào làm. Nông nhàn thì chồng đi làm thuê, vợ ở nhà chăm con cái, nuôi thêm con lợn, con gà. Ở đâu thì cũng chỉ ngần ấy công việc, năm này rồi lại sang năm khác, vẫn vậy. Thế nhưng, mấy ngày nay thì “cái lý” của chị cũng đã lung lay. Chị bảo, may mắn mà 4 khẩu trong nhà chị thành... người thủ đô thật thì đó là điều vô cùng đáng mừng. Nếu điều đó xảy ra thì tất cả mọi thứ sẽ thay đổi. Thay đổi chóng mặt. Đường đi, lối lại sẽ được đầu tư, nâng cấp chứ không phải là đường đất nắng bụi, mưa lụt nữa. Trường học, trạm xá sẽ khang trang, tươm tất hơn. Điều đặc biệt, các con của chị sẽ được học hành tới nơi tới chốn hơn. Đời chị đã vất vả, lam lũ, hy vọng các con mình sẽ khá giả hơn. Trên cánh đồng sau xã Bích Hòa sáng ấy, tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với ông Lê Đức Bắc, người thôn Khê Tang, xã Cự Khê, (xã giáp ranh với Bích Hòa, Thanh Oai). Ông Bắc là người nhạy bén với thời cuộc. Bằng chứng, ông đi chăn bò nhưng vẫn dắt theo điện thoại di động, thỉnh thoảng vẫn reo tin tít. Ông bảo, thời buổi thông tin, không có “cái anh dắt cạp quần” ấy là lạc hậu ngay. Làng ông tứ bề là ruộng, nhưng thời gian gần đây, tin đồn là “ốc đảo” ấy sẽ theo tỉnh sáp nhập vào Hà Nội vẫn ập vào nhan nhản. Ông Bắc bảo, ở làng, đâu đâu người ta cũng bàn tán rôm rả chuyện sắp được thành người Thủ đô, sắp không phải bán mặt cho đất, bán lưng cho giời bởi toan lo cuộc sống. “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” nên ai cũng náo nức chờ đón điều kỳ diệu ấy. Và, thông tin ấy, theo ông Bắc, càng trở nên... đáng tin khi có tin đồn (lại tin đồn), Nhà nước sắp mở đường cao tốc chạy qua làng Khê Tang của ông. “Chẳng biết đúng sai như thế nào nhưng giá đất làng tôi cứ lên vùn vụt. Ngày trước, đất đai trong làng cho nhau còn được nhưng giờ thì bạc triệu mua còn khó! Mà, giá đất cao ngất ngưởng ấy dân trong làng tự hét giá với nhau chứ có mấy ai từ nơi khác tới mua đâu.”. Nhà ông Bắc cũng có chút đất. Nhưng giờ thì chưa nghĩ đến chuyện bán mua. Cứ để mọi chuyện ngã ngũ đã rồi mới tính. Tương lai của gia đình cũng vậy, cứ để trắng đen rõ ràng. Ông bảo, bèo nổi thì nước nổi, tùy cơ ứng biến, chứ giờ ngồi tính cũng chẳng biết tính thế nào! Đời ông thì “ván đã đóng thuyền”, giờ chỉ lo cho tương lai của các con. “Nhà tôi còn một cháu đang theo học, phải cố gắng đầu tư cho nó tới nơi tới chốn. Phải chuẩn bị hành trang cho nó chứ, làm người thành phố đâu có dễ, phải không?”. Ông Bắc cười bảo. Bởi gần gũi vậy nên bấy nay, người dân Cự Khê “chơi” với người Hà Nội nhiều hơn là với chính dân tỉnh mình. Chuyện ấy cũng là lẽ tất nhiên, bởi theo ông Đặng Xuân Tỵ, Chủ tịch UBND xã thì từ trung tâm xã lên Hà Nội còn gần hơn về trung tâm huyện Thanh Oai. Thêm nữa, ra Hà Nội, đường sá rải nhựa bóng loáng, còn đường về Thanh Oai chỗ thì lầy lội, đoạn thì bụi mịt mù. Ở ngay sát Hà Nội nên dân xã ông bấy này vẫn... “thèm” được là người Hà Nội. Không “thèm” sao được khi bên kia sông, nhà cao tầng mọc san sát, phố xá sáng choang ánh đèn, tấp nập người xe, còn bên này thì nhà cửa vẫn thấp, bé, tối đến tĩnh lặng như tờ. Không “thèm” sao được khi bên đó, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng khang trang, còn bên này thì mọi thứ vẫn cứ xập xệ. Sôi nổi luận bàn, ông Tỵ lấy ngay công việc làm chủ tịch của mình ra để chứng minh sự hơn thiệt. Ông bảo, xã bên, đất Hà Nội, làm chủ tịch, người ta có đầy đủ những trang thiết bị cần thiết để làm việc. Còn xã ông thì không. Cách đây mấy năm, chiếc máy vi tính với nhiều người ở ủy ban vẫn còn là “vật thể lạ”, trong khi ở xã bên họ đã dùng từ đời nảo đời nào. Kêu gào mãi, sau rồi, gần đây cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trang bị. Chính bởi nghèo, bởi không được đầu tư nhiều như ở “bên kia sông Nhuệ” nên làm chủ tịch cũng... vất vả hơn. Ông Tỵ bảo, người dân chỉ quan tâm là bầu ai đó lên làm chủ tịch thì người đó làm được những việc gì hữu ích cho dân ví như làm được đường mới, trường mới, chợ mới... Không làm được những thứ đó thì coi như bầu phí công, bầu phải người... không có tài! Nhưng làm được những thứ đó thì phải có nguồn đầu tư. Mà nguồn đó thì tỉnh lẻ nào mà chẳng thiếu. Không làm được gì nhiều cho dân thì lời của chủ tịch xã, cụ thể là ông, cũng vơi đi phần nào trọng lượng nếu so sánh với chủ tịch của xã “bên kia sông Nhuệ”. Về tin đồn trên, ông Tỵ bảo, đã xuất hiện ở xã độ ít ngày nay. Nghe thế thì biết thế chứ về mặt chính quyền, ông chưa có một thông tin chính thức nào. “Về Hà Nội”, nếu điều đó thành hiện thực, thì đó là điều đáng mừng. Khi ấy, đời sống dân xã ông chắc chắn sẽ thay da đổi thịt chứ không vất vả, lam lũ như hiện nay. Đông La là một xã nghèo của huyện Hoài Đức. Từ Hà Nội, vào xã, đường thuận tiện nhất là qua Hà Đông, rồi băng qua mấy cánh đồng bằng trên những con đường chênh vênh, chật hẹp. Cũng như nhiều làng quê khác của tỉnh Hà Tây, trước đây, đất đai trong xã rơi vào tình trạng “đóng băng”, rất ít có chuyện chuyển nhượng, mua bán. Thế nhưng, thời gian gần đây, trước tin đồn là Hà Tây sẽ về Hà Nội, thì đất đai trong xã đã thành đề tài vô cùng nóng bỏng. Giá đất tăng chóng mặt từng ngày. Cơn sốt đất ấy đã kéo theo vô số chuyện dở cười, dở khóc. Một công chức đang làm việc tại Hà Nội kể, tháng trước, nhờ bạn bè mách thôn La Tinh có người bán 50 m² đất, anh đã lặn lội vào mua. Sau khi xem xét kỹ lưỡng khu đất, chủ nhà đã nhất trí bán cho anh với giá 2,3 triệu đồng/m². Giá ấy, so với vài tháng trước là đã quá cao. Về Hà Nội, vay ngân hàng đủ số tiền mà phía người bán đất yêu cầu, gần 1 tuần sau anh quay lại. Thế nhưng, hỡi ôi, chủ đất lại đổi giọng, khăng khăng bảo: “Chỗ... quen, tính rẻ 4 triệu đồng/m². Không mua thì thôi! Giờ đông người hỏi lắm!”. Theo tìm hiểu của PV, tình trạng “bùng”, “đánh tháo” hợp đồng chuyển nhượng đất như trên hiện ở vùng “nhạy cảm” như Hà Tây là phổ biến. Tất cả cũng chỉ tại tin đồn. (Theo Gia Đình và Xã Hội) |